Nhiều người Mông thoát nghèo nhờ thảo dược cát cánh

Mỗi gia đình người Mông ở huyện Bắc Hà trồng khoảng 0,5 ha cát cánh, thu nhập 100-120 triệu đồng mỗi năm, gấp 6-7 lần so với trồng lúa và ngô.

Thung lũng 10 ha cát cánh ở xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, đang vào mùa hoa nở rộ. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, cát cánh là cây thảo dược mới của vùng đất này. Mỗi ha cho khoảng 8 tấn củ tươi, giá bán 20.000-25.000 đồng/kg củ.

Huyện Bắc Hà từng trồng thử nghiệm gần 30 loại dược liệu, nhưng chỉ cát cánh được xem là thành công nhất. Bà Chu Thị Dương, Phó chủ tịch huyện, cho biết cây được trồng từ năm 2015, lúc đầu chỉ 12 ha. 5 năm sau, diện tích tăng lên 70 ha. Thời gian tới, diện tích cây sẽ tăng lên do huyện đã ký hợp đồng bao tiêu với công ty dược.

Người trồng dược liệu chủ yếu là người Mông, canh tác trên triền núi dốc. Các hộ dân một phần trồng cát cánh, một phần trồng ngô và lúa.

“Trồng khoảng nửa ha ngô và lúa, mỗi gia đình thu về 10-20 triệu đồng/năm, trong khi cát cánh thu 120 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, nói.

Tháng 9-10 hàng năm là thời điểm gieo hạt, đất được cày lật, phơi cho diệt côn trùng và cỏ dại, sau đó bón vôi, bừa sâu 10-20 cm, lên luống cao 30-35 cm. Người dân sau đó bón phân lót rồi dùng màng nylon phủ luống cho đỡ cỏ dại. Nylon đục lỗ để cây phát triển, mỗi lỗ một cây, mỗi ha cần 5-6 kg hạt.

Cây được trồng dọc theo các triển núi, xen lẫn với cây ăn quả hoặc cây ớt, cà chua để tận dụng dinh dưỡng tơi xốp từ đất.

Cát cánh cao khoảng 50-90 cm, hoa mọc thành từng bông thưa ở đầu cành hoặc mọc riêng lẻ, có màu trắng hay lam tím. Quả có nhiều hạt nhỏ, màu nâu đen. Rễ phình to thành củ.

Gia đình chị Sùng Thị Sa, 27 tuổi, ở xã Tả Van Chư, trồng 0,5 ha cát cánh, mỗi năm thu về từ 100 đến 120 triệu đồng. Trước đây, Sa từng bỏ ra gần 7 triệu đồng để sang Trung Quốc trồng rau mưu sinh. Sau khi lập gia đình và sinh con ở quê, Sa ở nhà trồng cát cánh.

Anh Hoàng Ao, 32 tuổi, xã Tả Van Chư, bên ruộng cát cánh xanh tốt. Nhà Ao trồng gần một ha và nhờ cây dược liệu gia đình mua được xe máy mới và tivi. “Trước kia trồng ngô, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm”, Ao vừa nói vừa thu hoạch những quả cà chua chín trồng xen trên luống cây cát cánh.

Cát cánh không phải tưới nước và ít sâu bệnh, song người dân phải nhổ cỏ thường xuyên. Để làm sạch cỏ cho nửa ha cát cánh, gia đình chị Sùng Thị Cúc phải huy động 6 người.

Tháng 11 hàng năm là thời điểm thu hoạch củ cát cánh, tùy diện tích mà thời gian thu hoạch kéo dài 2-3 ngày. Đây là nguyên liệu để chiết xuất ra nhiều loại thuốc cho ngành dược.

Theo đông y, củ cát cánh có tác dụng chữa chứng cổ họng sưng đau, ho có đờm, tắc hoặc khàn tiếng…

Mỗi ha đất trồng cát cánh cho thu hoạch một tấn củ khô. Sau khi thu hoạch, người dân sẽ đưa tới trung tâm dịch vụ nông nghiệp để rửa sạch và sấy khô.

Hiện cát cánh không chỉ được bán cho các công ty dược liệu, mùa hoa nở nơi đây cũng thu hút nhiều khách du lịch đến chụp ảnh. Chủ vườn thu phí 20.000 mỗi người.

Sau 7 năm đưa cát cánh vào trồng, huyện Bắc Hà hiện dừng hỗ trợ, để người dân làm chủ vùng trồng. Do là cây dược liệu, cát cánh được trồng tự nhiên theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của WHO), không sử dụng thuốc trừ sâu hay chất kích thích.

Bà Chu Thị Dương, Phó chủ tịch huyện Bắc Hà, cho biết nhờ cát cánh số người dân phải đi làm ăn xa giảm vài trăm. Toàn huyện có hơn 20.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 5.000 người đang làm ăn xa.

Tin liên quan