Nhiều trăn trở ở một hội thảo của Hội NANT Hà Nội

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Lý luận phê bình sẽ làm gì để định hướng cho nghệ thuật nhiếp ảnh, hướng đi nào là đúng cho nhiếp ảnh Việt Nam, đó là những băn khoăn của nhiều đại biểu trong cuộc hội thảo “Lý luận – phê bình nhiếp ảnh đương đại” do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 26.9 vừa qua.

Có lẽ đã khá lâu rồi Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội mới tổ một cuộc hội thảo tầm cỡ và công phu như thế: Tất cả các chỗ ngồi trong hội trường số 19 Hàng Buồm đều kín chỗ, rất nhiều hội nhiếp ảnh các tỉnh bạn được mời, nhiều sinh viên nhiếp ảnh, báo chí đến dự thính, trong khi các tham luận được đặt trước và viết công phu, đóng tập…

Hầu hết các nhà phê bình lý luận nhiếp ảnh hàng đầu Việt Nam như Vũ Huyến, Trần Mạnh Thường, Vũ Đức Tân, Chu Chí Thành… đều đã gửi tham luận tại hội thảo, tất cả đặt vấn đề làm thế nào để lý luận – phê bình trở thành ngọn cờ dẫn hướng cho nhiếp ảnh Hà Nội, và rộng hơn là nhiếp ảnh Việt Nam nâng cao hơn nữa vị thế hiện tại. Cũng có rất nhiều băn khoăn về hoạt động lý luận phê bình, về định hướng sáng tác, về tương lai của Hội NSNA Việt Nam, thậm chí cả những bất đồng về quan điểm giữa các nhà phê bình – lý luận cũng được thẳng thắn đề cập trên diễn đàn hội thảo.

Ngay trong lời đề dẫn hội thảo, NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã đặt vấn đề: “Thế nào là ảnh nghệ thuật? Câu hỏi muôn thuở được đưa ra trong nhiều hội nghị và hội thảo. Ấy vậy mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Càng khó hơn khi những tranh luận liên quan giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật không bao giờ chấm dứt. Rồi thế nào là ảnh chân dung? Chúng ta vẫn đang chờ câu trả lời. Trong khi các cuộc thi ảnh liên tục diễn ra, thì sự phàn nàn về ban giám khảo cũng diễn ra tưởng như chẳng bao giờ chấm dứt và ngày càng bức xúc. Nguyên nhân chính từ đâu?”.

Theo ông Đặng Đình An, cái máy chụp ảnh không quan trọng, vấn đề là kiến thức và kinh nghiệp của người cầm máy. Nếu thiếu tư duy, người chụp ảnh chỉ là người cầm cái máy ảnh, chứ không phải là nhà nhiếp ảnh. Quan điểm này được sự đồng tình của nhà văn Bằng Việt, Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội: “Kinh nghiệm và kiến thức của người chụp ảnh quyết định tác phẩm của họ, chứ không phải là cái máy ảnh. Chiếc máy ảnh đã phổ cập cả đến các bà nội trợ, nhưng làm gì với cái máy ảnh mới là vấn đề của mỗi người chụp ảnh”, ông Bằng Việt nói.

Còn nói như nhà lý luận – phê bình Nguyễn Thành thì đội ngũ người làm lý luận phê bình đang thiếu trình độ, nhiệt huyết và phát triển theo lối tự phát, cảm tính. Điều này gián tiếp tạo ra những “tác phẩm vô hồn” vì được chụp theo khuôn mẫu bởi những tác giả “lầm lẫn giữa kỹ thuật với nghệ thuật”.

Cũng băng khoăn về trình độ của các nhà nhiếp ảnh, NSNA Xuân Liễu dẫn lời người xưa: “nhân bất học bất tri lý”. NSNA lão thành này đặt câu hỏi: nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ đi về đâu, khi chúng ta hình như đang bằng lòng với các cuộc thi và triển lãm ảnh. Những bức ảnh trong các triển lãm ấy nó có nghệ thuật không, và có giá trị như thế nào, liệu ảnh nghệ thuật có phải là đỉnh cao trong các thể loại ảnh khác không, hay cũng chỉ là một nhánh trong các dòng chảy ấy?

Lý giải nguyên nhân của những hạn chế của nhiếp ảnh Việt Nam, NSNA Cao Minh cho rằng sự yếu kém của lý luận – phê bình nhiếp ảnh đã khiến tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam không thể thăng hoa, trong khi nhiều nhà nhiếp ảnh, vì thiếu thông tin nên đang sống trong ảo tưởng, rằng mình là nghệ sĩ lớn, rằng nền nhiếp ảnh Việt Nam là “một nền nhiếp ảnh lớn với đội ngũ những người cầm máy vững vàng”.

Không chỉ là những vấn đề thuộc phạm trù phê bình – lý luận nhiếp ảnh hay định hướng cho nghệ thuật nhiếp ảnh, một số ý kiến trong hội thảo còn đặt vấn đề việc mở rộng Hội NSNA Việt Nam để tổ chức này có thể quán xuyến được mọi dòng chảy của nhiếp ảnh Việt Nam đương đại. Đó là ý kiến của các ông Xuân Liễu, Vũ Huyến.

Trong phạm vi hội thảo, cũng có những ý kiến “đối chọi” nhau khá thú vị: trong khi nhà phê bình – lý luận Nguyễn Thành viết trong tham luận: “nhiều năm chúng ta co cụm trong khuôn mẫu của FIAP, một tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư, làm cho cái nhìn của chúng ta trở thành một chiều, thiên lệch” thì nhà phê bình – lý luận Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho rằng có “mấy nhà lý luận đại ngôn” có lối nói “xiên xỏ” đang “công kích Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế – FIAP là không chuyên nghiệp”. Nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cũng nhắc một câu tục ngữ, có lẽ để nhắc đồng nghiệp: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” và được cả hội trường vỗ tay tán thưởng.

Còn rất nhiều vấn đề thú vị được trao đổi trong cuộc hội thảo. Hơi tiếc rằng, do chỉ diễn ra trong một buổi sáng, nên nhiều người còn cảm thấy “thòm thèm”, và họ bày tỏ mong muốn Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, hoặc Hội NSNA Việt Nam sẽ tổ chức những cuộc hội thảo có chất lượng tương tự, hoặc hơn vào những lần sau…

Tác giả bài viết: Lưu Quang Phổ

Tin liên quan