(Nhiếp ảnh Hà Nội) Năm nay, giới Nhiếp ảnh Việt Nam vui mừng được đón nhận một Giải thưởng Hồ Chí Minh, bốn Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực Nhiếp ảnh). Tại đây xin giới thiệu đôi nét về tác phẩm và tác giả Lương Nghìa Dũng, người vừa được vinh danh với Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.Cách đây 10 năm ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước, từ bấy đến nay các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế nhắc nhiều đến Lương Nghĩa Dũng cùng với các bức ảnh chiến tranh chống Mỹ cứu nước rực lửa anh hùng cách mạng của ông.
Đã có nhiều người hỏi, sao đến bây giờ những tấm ảnh “khủng” như vậy mới được đánh giá đúng tầm của nó, và tác giả mới được vinh danh?
Chúng tôi-các chiến hữu của ông, các đồng nghiệp của ông không thể trả lời đầy đủ, nhưng có thể rãi bầy để bạn đọc và những người trân trọng ông hiểu và đồng cảm. Sau chiến tranh, mỗi người trong chúng ta đều nuốt nước mắt vào lòng, và nở trên môi nụ cười rạng rỡ, nụ cười chiến thắng. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì chiến tranh biên giới ập đến từ hai đầu đất nước, cuộc sống bao cấp khắc khổ kéo dài, lúc ấy mấy ai lấy sức đâu mà xem lại ảnh thời chiến, mà thực sự chiến tranh đâu đã nguội. Đến ngay mộ chí của ông Dũng nằm đâu, có hay không cũng chưa tìm ra… Nhắc lại thời điểm này để chúng ta liên tưởng tới gia cảnh Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Nhà nhiếp ảnh của chúng ta hy sinh vào ngày 1/5/1972 tại Quảng Trị, ngày ấy ông mới 37 tuổi,ông để lại một người vợ trẻ và 4 đứa con thơ hai trai hai gái, đứa con gái đầu lòng mới 10 tuổi, đứa con gái út chưa đầy 4 tuổi. Người vợ Liệt sĩ ấy – chị Lương Thị Nhiễu là một phụ nữ mạnh mẽ kiên cường đã âm thầm làm công nhân xây dựng tại thị xã Hà Đông nuôi dậy con trưởng thành đều tốt nghiệp Cao đẳng và Đại học. Ngày lại ngày chị nén nỗi đau mất chồng, thương con đến mức trái tim nghẹn nghào mệt mỏi không muốn đập nữa, phải nhờ tới máy trợ tim mới sống được đến ngày nay.
Nghĩa Dũng là nhà nhiếp ảnh đặc biệt, rất đặc biệt, ông vốn là giáo viên vật lý của Tổng cục Chính trị, thuộc lĩnh vưc tự nhiên, không định hướng đời mình vào nghành xã hội. Nhưng chiến tranh đã chuyển hướng nghề nghiệp cho ông. Học nghề và làm nghề ảnh vỏn vẹn trong 7 năm, đoạt 2 giải thưởng cao quí nhất:Năm 2007 Giải thưởng nhà nước với tác phẩm Đấu pháo ở Dốc Miếu, năm nay được Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm 5 ảnh Những khoảnh khắc để lại. Năm 2012,gia đình ông cùng các đồng nghiệp-bạn ông kết hợp với Thông tấn xã Việt Nam lựa chọn những bức ảnh tiêu biểu của ông để biên soạn xuất bản cuốn sách ảnh Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn.Cuốn sách được Giải A Hội NSNAVN với gần 200 ảnh rút từ trên 2200 ảnh được biên tập lưu tại TTXVN, nó gắn liền suốt cuộc đời cầm máy của ông.Ảnh của ông được hai nhà nhiếp ảnh Hoa kỳ Horst Fass và Tim Pege là phóng viên của Hãng Thông tấn AP Mỹ từng cầm máy tại chiến trường Đông dương tuyển chọn in trong cuốn sách ảnh Hồi Niệm (REQUIEM)cùng với ảnh của các phóng viên ở hai chiến tuyến, xuất bản tại Hoa kỳ năm 1997. Năm 2014 , ảnh của ông lại được trưng bầy tai Liên hoan ảnh báo chí quốc tế ở Pháp và được in chung với các tác giả Việt Nam trong cuốn sách Người Miền Bắc (CEUX DU NORD) do nhà nhiếp ảnh Pháp Patrick Chaunvel biên soạn và giới thiệu.
Mở lại các tờ báo ở Bắc Việt Nam từ năm 1966 đến 1972, người ta thấy cái tên Nghĩa Dũng liên tục xuất hiện phần lớn trên trang đầu các số báo. Ông còn có biệt danh Nghiã Mạnh với các ảnh chụp tại chiến trường Miền Nam, và Thoong Chăn với các ảnh chụp ở mặt trận Lào. Bộ ba sĩ quan trẻ Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm được đào tạo gấp vào năm 1965 tại VNTTX làm phóng viên ảnh. Họ được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ( TCCT) biệt phái cùng sĩ quan lớn tuổiĐoàn Tý từng làm ảnh ở Nam bộ thời chống Pháp sang VNTTX làm nòng cốt thành lập Tổ ảnh quân sự. Phía VNTTX có các nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, Văn Bảo, Hữu Thứ, Phạm Hoạt, Xuân Lâm, Chu Chí Thành. Ông Văn Bảo được giao làm Tổ trưởng. Những năm sau do chiến sự lan rộng, tổ được bổ sung thêm các sĩ quan trẻ Hồng Thụ, Nguyễn Dĩnh, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm. Cả tổ đều hăng hái xông pha trận mạc, sẵn sàng chia lửa cho nhau, mà Lương Nghĩa Dũng luôn luôn là một mũi xung kích tại nhiều mặt trân khốc liệt. Chỉ riêng trong hai năm 1971, 1972 ông đã mở kỷ lục đi liền 3 chiến dịch lớn: Đường 9-Nam Lào, Cánh Đồng Chum-Mường Xủi và Mặt trận Quảng Trị 1972.
Lần theo các bức ảnh, người xem phải ngạc nhiên và khâm phục về sức làm việc khinh khủng của ông. Dồn dập trong 6 năm hành nghề, Nghĩa Dũng đi hàng vạn cây số, khi thì bám xe vận tải quân sự, khi thì đạp xe, khi thì đi đò, đi tầu v.v… Hơn nhiều sĩ quan chuyên nghành, ông có mặt ở tất cả các quân binh chủng, từ Hải quân, Không quân, Bộ binh, tới Tăng thiết giáp, Pháo cao xạ, Đặc công, Công binh rồi Thanh niên xung phong, Dân quân, Tự vệ… Hơn nhiều các Tướng, Tá chỉ huy, ông luôn có mặt ở các trận đánh ác liệt, nồng nặc khói bom đạn, ống kính, tư trangluôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Ông là một phóng viên “tiêu” tốn nhiều phim, máy ảnh nhất, trên 20 lần chết hụt, 4 máy ảnh bị bom vùi hỏng hóc, 2 máy ảnh và những cuộn phimcuối cùng chụp về Quảng Trị gửi về Tổng xã trước khi nhắm mắt cũng bị B52 giội bom mất theo người giao liên. Ông thường xuyên trực chiến tại các trận địa Cao xạ Hà Nội, Hà Tây, Hải phòng, Hải dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh (Bắc vĩ tuyến 17), và bất ngờ có mặt ở Gio Linh, Cam Lộ, Đường 9-Nam Lào (Nam vĩ tuyến 17), rồi đột ngột xuất hiện ở Xavanakhet, Xiêng Khoảng, Cánh Đồng Chum, Mường xủi, Sảm Thông , Loong Chẹng (Lào).Và ngay sau đó lại thoăn thoắt trên các chiến hào Động Ông Do, Tích Tường, La Vang, thị trấn Đông Hà, thị trấn Quảng Trị, nơi mà báo chí Phương Tây gọi là “Cối xay thịt”. Ảnh của Nghĩa Dũng có bề dầy của năm tháng khốc liệt nhất, có chiều sâu của chiến tranh nhân dân, có tầm cao của tinh thần yêu nước, quật cường. Hơn cả bom tấn, những bức ảnh chống chiến tranh phá hoại của ông và của các nhà nhiếp ảnh Việt nam trong giai đoạn này thực sự đã phá tan màn đen bưng bít uy thế của không lực Hoa Kỳ, đã đánh sập vỏ bọc khoe khoang sức mạnh vô địch của Thủy quân lục chiến Mỹ, đã đập tan sư tâng bốccon chủ bài cuối cùng là Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của lầu năm góc. Các bức ảnh tại trận địa của Lương Nghĩa Dũng chỉ rõ hỏa lực vượt trội, sức tấn công vũ bãocủa Quân giải phóng. Sau thất bại tại Khe sanh 1968,để tránh thương vong, quân đội Mỹ không trực tiếp tham chiến, buộc phải rút về hậu cứ, và tiếp đó chính phủ Mỹ phải thay bằng Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đồng thời phải ngồi vào bàn đàm phán Paris. Năm ấy báo chí Phương Tây gọi Khe Sanh là “Điện Biên Phủ thứ hai”. Đúng vậy, những tấm ảnh chân thực về người lính Cụ Hồ làm chủ chiến trường đã truyền cho độc giả, nhất là các lực lượng vũ trang một niềm tin tất thắng. Cũngkhông phải ngẫu nhiên mà bức ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365, trận mở màn giải phóng Quảng Trị chiều 30/3/1972 trở thành điểm tựa cho cụm tác phẩm Những khoảnh khắc để lại. Đây là một hình ảnh đầy hào hùng và bi thương của người thắng và kẻ thua. Ảnh cho thấy lô cốt địch đang mịt mù khói đạn pháo của quân ta chưa ngớt, đã xuất hiện 3 chiến sĩ xông lên cứ điểm. Thời khắcnày cực kỳ nguy hiểm đối với người lính công đồn, cũng rất nguy hiểm với nhà nhiếp ảnh, vì trong bắn ra, ngoài bắn vào biết đâu mà tránh. Vậy mà Nghĩa Dũng đã nhanh chóng tiến sát chụp được khung cảnh đó. Trong ảnh còn nguyên cả thi thể người lính đối phương xấu số ngã xuống ngang cửa hầm… Thật là giây bấm máy xuất thần, rất hiếm gặp.
Có thể nói, Lương Nghĩa Dũng thuộc vào những nhà nhiếp ảnh chiến tranh lớn của Thế kỷ XX như Robert Capa, Larrry Burrows, Ishicawa Bunyo,Horst Fass, Tim Page… những nhà nhiếp ảnh trên trái đất này sinh ra để dấn thân vào cuộc chiến, đem tính mạng mình đổi lấy những bức ảnh máu lửa, chân thật. Ông như một định mệnh để làm công việc hệ trọng ấy. Chỉ có Nghĩa Dũng và những người như ông mới đủ sức lăn đi, lộn lại các chiến trường, kiêu hãnh ngẩng cao đầu giữa những làn bom đạn từ hai phía mà chụp ảnh. Chỉ có ông và những người như ông mới giám nhìn vào họng súng,và cột khói bom thu vào ống kính những ánh chớp, những quầng lửa hào hùng và bi tráng của cuộc chiến, mà từ đó bừng sáng lên những gương mặt chiến sĩ kiên cường, sắt đá phi thường quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Thật lạ lùng, tại sao lại có cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt và kéo dài làm rung chuyển nước Mỹ và thế giới như vậy?
Thât lạ lùng và tuyệt vời, tại sao lại có Lương Nghĩa Dũng và các nhà nhiếp ảnh hai phía liều chết cho lý tưởng hòa bình của họ như vậy?
Những bức ảnh chiến tranh của Lương Nghĩa Dũng và cuộc đời của ông sẽ giúp chúng ta lý giải phần nào nỗi băn khoăn ấy của thời đại. Chính vì vậy mà nửa thế kỷ đã trôi qua, ảnh của Lương càng sáng lên giá trị lịch sử của nó. Giá trị ấy là một bằng chứng chiến tranh, một thông điệp hòa bình.
Bài: NSNA Chu Chí Thành
Ảnh: NSNA Lương Nghĩa Dũng