Những chiếc thuyền gỗ mang tới vẻ đẹp riêng cho vịnh Hạ Long là điều không thể chối cãi, nhưng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách, tỉnh Quảng Ninh quyết định cho chúng dừng hoạt động.
Thuyền buồm gỗ vốn đại diện cho một trong những thiết kế đóng tàu thành công nhất trong lịch sử hàng hải.
Có từ thế kỷ thứ 2 ở Trung Quốc, những chiếc thuyền có độ khéo léo, tính linh hoạt, đảm bảo sự ổn định khi tiếp cận vùng biển dễ xảy ra lốc xoáy.
Những chiếc thuyền buồm có gắn động cơ vẫn được dùng để đánh bắt cá ở một số vùng biển tại Trung Quốc, Nhật Bản, đưa khách du lịch tham quan ở Việt Nam hay Campuchia.
Nhưng sau loạt tai nạn gây tử vong trong đó có thảm kịch năm 2011 cướp đi sinh mạng 12 người trên vịnh Hạ Long, năm 2017, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh quyết định “loại bỏ dần thuyền buồm trong vòng 5 năm”. Thời hạn có hiệu lực vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Văn Cường hiện là người sở hữu một đội tàu nhỏ ở vịnh Hạ Long.
Năm 1980, ông rời làng rồi chuyển tới thành phố ven biển Hải Phòng làm đủ mọi nghề. Đến năm 1990, cuộc đời ông có những bước ngoặt.
Thời điểm năm 1994, khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, được du khách toàn thế giới chú ý tới vùng biển tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng, nhìn thấy cơ hội trước mắt, ông đã “vét sạch” khoản tiền dành dụm bấy lâu để đầu tư.
Với số tiền này, ông dùng để đóng chiếc thuyền buồm gỗ dài 27m có 4 cabin gồm phòng tắm riêng, 2 cánh buồm dài 12m, đặt tên Cat Ba Imperial.
“Đội tàu của tôi lấy cảm hứng từ những chiếc thuyền buồm gỗ nhỏ đi đánh cá với ông nội từ nhỏ. Loại thuyền này vẫn được ngư dân trên vịnh Hạ Long sử dụng đến nay. Nó khác với thuyền buồm Trung Quốc nhờ phần thân có đáy phẳng do nước ở vịnh yên tĩnh”, ông Cường mô tả.
Năm 2019, Việt Nam đón lượng khách nước ngoài tăng kỷ lục. Đội tàu của ông Cường nhờ đó tăng gấp 4 lần. Nhưng bất ngờ, thế giới hứng chịu đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề. Thời kỳ hậu dịch bệnh, Việt Nam đang trên đà phục hồi du lịch.
Khi quan sát chiếc thuyền Cat Ba Imperial, thoạt nhìn trông như “đồ bỏ”. Những mẩu sơn đang bong tróc. Một số mảnh gỗ đã mục nát và vết rỉ sét xuất hiện ở phần lan can. Nhưng bù lại, con tàu vẫn toát lên nét đẹp riêng nhờ những chiếc đèn lồng thắp sáng boong tàu về đêm và phần đồ gỗ thủ công trang trí ở mái hiên.
Ở phần mũi tàu, một cầu thang tròn bằng gỗ tếch dẫn du khách lên đài quan sát. Nằm trên ghế tắm nắng, toàn cảnh vịnh Hạ Long mở ra trước mắt “như thơ như mộng”. Đó là những ngọn núi xanh màu ngọc bích, từng khối đá vôi bao phủ bởi rừng rậm trải dài tới tận tầm mắt.
“Những chiếc thuyền buồm trước kia bị chìm do chúng bị thiết kế kém vì chủ tham lam. Họ muốn thêm cabin nên cơi nới thêm 2 hoặc 3 tầng trên boong tàu. Nhưng phần thân tàu không đủ lớn để chịu trọng lượng như vậy. Một khi gặp sóng lớn, thuyền như thế sẽ dễ gặp nạn. Thuyền đáy phẳng chỉ nên làm một tầng như của tôi thôi. Đây là thế hệ thuyền buồm gỗ cuối cùng ở đây”, ông Cường ngậm ngùi chia sẻ.
Theo nhận định của phóng viên đến từ Nikkei Asia, thuyền gỗ có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới như Maldives, Indonesia, Tasmania và New Zealand, nhưng “chưa bao giờ có sự kết hợp giữa gỗ và nước tạo nên vẻ đẹp ăn ảnh như ở vịnh Hạ Long”.
Đến thăm xưởng đóng tàu nhà anh Nguyễn Đình Chương, người đàn ông tiết lộ gia đình có thâm niên trong nghề từ 6, 7 đời.
Lý giải nguyên nhân thuyền buồm gỗ ở vịnh Hạ Long “bị mang tiếng xấu”, anh Chương cho rằng “đó là những chiếc không được chủ bảo dưỡng thường xuyên và rẻ tiền”.
“Ngay cả người làm việc trên tàu cũng chẳng hiểu gì về chúng. Khi có đám cháy hoặc nước tràn vào thuyền, họ bối rối chỉ biết nhảy xuống biển tự cứu thân, bỏ mặc hành khách”, anh Chương nói.
Cùng chung một nỗi niềm, người đàn ông này thở dài và thấy nuối tiếc khi số phận những chiếc thuyền buồm cuối cùng sẽ không còn nữa.
“Chúng vốn là một phần truyền thống của chúng tôi”, anh ngậm ngùi.