Những vệ út cảm tử vì Hà Nội hơn 70 năm trước

(Khám phá) Đội vệ út là những chiếc “điện thoại sống”, sát cánh cùng vệ quốc đoàn chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội mùa đông năm 1946.

Cuối năm 1946, dù đã ký hiệp ước Sơ bộ và Tạm ước với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân Pháp vẫn gây xung đột khắp cả nước. Chúng nã pháo vào Hải Phòng làm hàng nghìn người chết, tàn sát hàng chục người trên phố Hàng Bún (Hà Nội). Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của bộ đội và tự vệ Việt Nam, nắm quyền kiểm soát thủ đô Hà Nội.

Tình thế nguy cấp, ngày 18-19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi, quân dân Hà Nội đứng lên chống Pháp, dù lực lượng vũ trang thủ đô chỉ có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.000 cây súng. Mỗi tiểu đoàn có 2-3 khẩu trung liên, 2-3 khẩu tiểu liên và carbin, còn lại là súng trường. Trong khi đó Pháp huy động khoảng 6.500 quân, 40 xe tăng, 19 máy bay và hàng trăm xe quân sự.

Sát cánh cùng 5 tiểu đoàn vệ quốc quân chiến đấu bảo vệ Hà Nội là đội vệ út gần 200 thiếu niên, thành viên nhỏ nhất mới 9 tuổi, lớn nhất 15 tuổi. “Chúng tôi là những em út còn quá nhỏ. Gọi là thiếu sinh quân thì không đúng nên mọi người gọi là vệ út – những đứa em út của các anh vệ quốc đoàn”, ông Đặng Văn Tích, một vệ út năm xưa, nay đã 87 tuổi kể lại.

Ông Đặng Văn Tích. Ảnh: VT.

Ông Đặng Văn Tích. Ảnh: VT.

Mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, nhà có cửa hiệu buôn bán trên phố Hàng Vôi, cậu bé Đặng Văn Tích khi ấy rất ghét quân Pháp. Năm 10 tuổi, cậu giấu bố tham gia đội tự vệ khu phố. Tối 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dòng người Hà Nội hối hả tản cư ra vùng hậu chiến, Tích trốn bố ở lại làm liên lạc trên chiến trường Liên khu I (gồm khu Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục).

“Đội vệ út coi anh chị trong vệ quốc đoàn như ruột thịt. Sau những buổi tối chiến đấu ở phố Hàng Bạc, khi tiếng súng tạm ngưng, anh chị lại rửa chân, cõng tôi lên gác ngủ. Vì còn nhỏ, chúng tôi thường được ưu tiên món chè sen rất ngon”, ông Tích nhớ lại. Đến giờ, ông Tích vẫn day dứt bởi cuộc chia tay tản cư là lần cuối cùng ông gặp bố. Chín năm sau, ông cùng đồng đội về tiếp quản thủ đô thì được tin bố mất, nhà đã bán, anh em ly tán.

Cũng tham gia đội vệ út, cậu bé Phùng Đệ (nay đã 85 tuổi, sống tại phố Phan Đình Phùng, Hà Nội) sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Phúc Tân. Mồ côi bố từ năm bốn tuổi, đến nạn đói năm 1945 cậu mất mẹ, phải đi ở nhờ nhà người cô, học nghề khâu giày đi khắp nơi kiếm sống.

Chiều 19/12/1946, cậu bé Đệ ngược dòng người tản cư vào nội thành tìm vệ quốc đoàn. Vì sợ nhỏ tuổi không được nhận ở lại nên thấy các chiến sĩ đào hào trên phố Cầu Gỗ, ngăn xe tăng địch tiến vào Hàng Bạc, Đệ chạy xuống làm cùng. Sau đó, cậu được cử làm liên lạc trinh sát đại đội 15, tiểu đoàn 103, Liên khu I.

Giải thích việc không tản cư, ông Đệ bảo xuất phát từ lòng căm thù quân Pháp. Đến giờ, ông vẫn ám ảnh bởi cuộc tàn sát trên phố Hàng Bún của quân Pháp hai ngày trước toàn quốc kháng chiến. Ông không quên được cảnh tượng hai mẹ con ôm nhau chết trong hố tránh bom vì bị lưỡi lê xuyên qua người. Ở một hố tránh bom khác, 5 cùng người bị bắn chết.

Các chiến sĩ cảm tử quân chuyển khẩu súng máy thu được của địch ở ngã tư Hàng Đậu về vị trí chiến đấu. Ảnh tư liệu. 

Các chiến sĩ cảm tử quân chuyển khẩu súng máy thu được của địch ở ngã tư Hàng Đậu về vị trí chiến đấu. Ảnh tư liệu.

Đúng 20h ngày 19/12/1946, cả Hà Nội tắt điện, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Nhiệm vụ của các vệ út là giữ liên lạc từ khu phố này sang phố khác khắp Hà Nội. Vì còn nhỏ nên các vệ út dễ luồn dọc bao cát trên phố hoặc chui qua các lỗ tường nhà dân đã đục sẵn. Các em không chỉ truyền mệnh lệnh khắp chiến trường mà còn đi xem xét tình hình chiến sự các nơi để báo cáo chỉ huy tiếp tế đạn dược, quân số.

Đêm đến, vệ út cùng các anh chị lấy nồi niêu, xoong chảo làm trận địa mìn giả và dựng chướng ngại vật trên phố ngăn quân Pháp. Nhiều đêm, Tích cùng các bạn vượt đê ra ngoài bãi Phúc Xá dẫn du kích đưa lương thực, thực phẩm, công văn, báo chí vào Liên khu I.

Trung tá Phùng Đệ ví von, mỗi vệ út ngày ấy như chiếc “điện thoại sống di động” khắp Hà Nội truyền tin giữa các mặt trận. Vệ út không chỉ thuộc mọi ngóc ngách trên phố và hệ thống đường xuyên tường giữa các nhà mà còn phải ghi nhớ “khẩu lệnh” của từng đêm. Đề phòng Việt gian, mỗi tối các đơn vị từ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội, tiểu đội đều có “khẩu lệnh”. Có đêm là “hòa bình”, “chiến đấu”, “độc lập”… “Người lạ đến, tôi nói hòa thì người kia phải đáp lại bình. Nếu không trả lời đúng thì tôi báo chỉ huy bắt giữ”, ông Đệ nhớ lại.

Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, nhiều vệ út đã hy sinh, trong đó có Trần Văn Lai. Là liên lạc, cứu thương ở Liên khu I, bà Vũ Thị Ngâm (86 tuổi, Hà Nội) kể ngày 12/2/1947, Pháp tập trung quân đánh chiếm trường Ke (trường Trần Nhật Duật) ngay đầu Ô Quan Chưởng. Sau nhiều giờ chiến đấu, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, 15 chiến sĩ quyết tử do Trung đội trưởng Cáp Văn Soan chỉ huy rút lên gác cố thủ. Tình thế nguy cấp, nếu để mất trường Ke thì Pháp sẽ chặn đường rút khỏi Hà Nội của lực lượng vũ trang thủ đô.

Thấy vậy, vệ út Trần Văn Lai (12 tuổi) nhanh trí tụt theo đường ống nước xuống đường về báo cáo Ban chỉ huy tiểu đoàn xin tiếp viện. Báo cáo xong, Lai chạy vội về trường Ke theo đường cũ. Nhưng lần này, em bị quân Pháp phát hiện, bị trúng đạn khi chưa kịp trèo lên gác. Lai hy sinh, nhưng nhờ có sự dũng cảm của em, trường Ke được bảo vệ.

Chiến sĩ vệ quốc quân cảm tử ôm bom ba càng chặn xe tăng Pháp trên phố Hà Nội năm 1946. Ảnh tư liệu. 

Chiến sĩ vệ quốc quân cảm tử ôm bom ba càng chặn xe tăng Pháp trên phố Hà Nội năm 1946. Ảnh tư liệu.

Ông Hoàng Giáp, Đội trưởng tự vệ khu chợ Hôm, Liên khu II, rất nhớ cậu bé Trần Kim Luyện băng mình qua lửa đạn cướp vũ khí của địch. Ông kể, ngày 21/12/1946 Pháp tấn công nhà máy rượu (được bao quanh bởi bốn phố Lò Đúc, Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ). Khi giao tranh đang diễn ra dữ dội, bỗng Luyện lao ra đường, chạy đến chỗ mấy xác lính Pháp.

Một loạt đạn quét về phía Luyện vừa lúc em đổ sập xuống. Các anh chị vệ quốc đoàn la lớn “Luyện bị rồi”. Nhưng một lúc sau, Luyện bật dậy chạy về, một tay cầm khẩu carbin, một tay kéo theo mấy túi đạn.

Tinh thần yêu nước của các chiến sĩ nhỏ còn thể hiện rõ khi “trốn lệnh” cấp trên ở lại bảo vệ Hà Nội. Đại tá Vũ Trọng Hàm, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô kể, đầu năm 1947, sau những ngày chiến đấu gian khổ, lực lượng vũ trang thủ đô cầm chân địch ở nhiều nơi trong thành phố. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn, lương thực, đạn dược vơi dần, trong khi ta cần bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài.

Vì vậy, ngày 14/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lệnh Trung đoàn Thủ đô chỉ để lại 500 người chiến đấu trong nội thành. Quân số còn lại rút về hậu phương. Các vệ út cũng buộc phải rút ra.

“Vậy mà khi tôi kiểm đếm quân số ở lại còn đến 1.200, trong đó có 175 vệ út. Nhiều vệ út không tuân lệnh cấp trên, trốn trong tủ, dưới gầm giường, trên nóc nhà… ở lại quyết giữ thủ đô. Đây là hành động vi phạm kỷ luật, nhưng vì tinh thần yêu nước. Những cô bé, cậu bé còn rất nhỏ nhưng quyết chiến đấu bảo vệ thủ đô đến cùng”, ông Hàm xúc động kể.

Cậu bé Trang Công Lũy khi đó mới 9 tuổi có tên trong danh sách phải rút ra ngoại thành. Nhưng trên đường đi, Lũy trốn chạy ngược vào nội thành. Trong trận đánh giữ điểm chốt ở nhà họa sĩ Đào Sĩ Chu trên phố Hàng Trống, em ném lựu đạn diệt được ba tên Pháp. Những vệ út “trốn lệnh” ở lại trở thành người dẫn đường đưa các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội an toàn tháng 2/1947.

Trong lá thư gửi các vệ út sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Gần hai trăm thiếu nhiên không chịu đi tản cư, trốn ở lại Hà Nội làm liên lạc, dẫn đường, truyền tin, truyền lệnh, sát cánh chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ đô ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược. Các em là những vệ út, những thiếu niên yêu nước rất xứng đáng với truyền thống tuổi nhỏ chí lớn, với lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong cuộc chiến đấu kiên cường 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô Hà Nội, mở đầu cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp”.

Tin liên quan