(Nhiếp ảnh Hà Nội) Dấn thân vào thú chơi đầy công phu nhưng cũng rất lý thú này khiến cho cuộc sống của anh thêm hương vị, thêm nguồn cả hứng, thêm yêu quê hương, đất nước. Đúng vậy, chính nhiếp ảnh đã đưa anh tới những khoảng khắc đẹp của quê hương, đất nước thanh bình, yên ả với lũy tre làng, con sông, bến nước, cầu tre, cây đa, giếng nước; những ngôi chùa cổ, cổng làng quen thuộc của vùng Bắc bộ; những góc chợ, đồng quê thân quen từ đồng bằng cho tới vùng cao… khiến cuộc sống thêm phong phú và cũng ý nghĩa hơn, thi vị hơn. Không chỉ có thế, anh còn chụp các lễ hội văn hóa truyền thống, chân dung trong cuộc sống và lao động sản xuất quanh năm vất vả mà vẫn luôn nở nụ cười hồn hậu, hạnh phúc rất đỗi thân thương của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước…
NSNA Hồng Trọng Mậu
Tôi được biết anh đã lâu, từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Khi vào Hội NSNA Việt Nam, tôi được phân về sinh hoạt tại Chi hội NSNAVN Hà Nội 1, nơi anh đang làm Chi hội trưởng. Anh là một người nhiệt huyết với nghề, rất có trách nhiệm với công viêc; tính tình điềm đạm, trầm tính, sống nặng về nội tâm. Các tác phẩm của anh thật yên ả, êm đềm, trữ tình và rất đậm chất thơ. Tác phẩm của anh thật sống động, nhẹ nhàng, lắng đọng mà rất gần gũi cuộc sống đời thường. Anh thu vào ống kính của mình biết bao cuộc sống ngày thường, những danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền Tổ quốc và những đất nước bạn nơi anh đã từng đi qua.
Bìa sách
Anh bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa: “Thuở nhỏ, vào đầu xuân những năm 1952, 53, 54 tôi cùng người nhà đi xem triển lãm Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam, tại phòng Gương nhà hát Lớn Thành phố. Những tác phẩm của các tác giả như: “Tourane buổi bình minh” của Võ An Ninh; “Khai xuân” của Phạm Văn Mùi; “Giọt mưa trên kính” của Lê Đình Chữ; “Đợi ánh minh quang” của Tchen Fouli; “Tiếng tơ đồng” của Dương Quỳ; “Sau rèm” của Đỗ Huân; “Giáng sinh” của Nguyễn Mạnh Đan; “Ông lão hồi cư” của Bàng Bá Lân… Những tác phẩm của các vị tiền bối đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ, ám ảnh mãi trong trí óc thơ trẻ của tôi. Phải chăng đó là nguồn cảm hứng, là động lực cuốn hút tôi dấn thân vào con đường nhiếp ảnh.”.
Do – Mi – Sol
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Trọng Mậu, sinh năm 1940, tại Hà Nội, là một trong những hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 1965 và Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội năm 1966, nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Anh luôn nhiệt tình với phong trào nhiêp ảnh của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Khóa IV nhiệm kỳ 2006 – 2011, anh làm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Đến khóa V nhiệm kỳ 2011 – 2016, anh đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, Ngoài ra anh còn đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Chi Hội NSNAVN Hà Nội I trong suốt 15 năm.
Quả thật, nếu gặp nghệ sĩ Hồng Trọng Mậu ít ai nghĩ anh đã gần tuổi 80. Nhờ sự yêu thích và đam mê nhiếp ảnh đã đưa anh đến mọi miền đất nước khiến anh vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát như thuở còn thanh niên. Có lẽ niềm đam mê nhiếp ảnh tạo cho anh nhiều niềm vui và tuổi trẻ. Anh trò chuyện cùng tôi, nét mặt anh rất vui và pha chút tự hào: “Hành trang trên con đường nhiếp ảnh của tôi chỉ vẻn vẹn một cuốn “Le Livre de mon 6×9” của Lucien Lorrelle, những cuốn “Photo Almanach Prisma” 1,2,3,4,5… của Nhà xuất bản Prisma (Pháp) cùng cuốn sách “Nguyên lý nhiếp ảnh với thực hành” của Trương Ấn Tuyền (Trung Quốc) và chiếc máy ảnh Zeiss Ikon cũ. Với lòng đam mê, nghiên cứu, thực hành và đúc rút kinh nghiệm, cuối cùng tôi cũng thu được đôi chút thành quả.”.
Với 65 năm cầm máy, NSNA Hồng Trọng Mậu để lại dấu ấn bằng những tác phẩm nghệ thuật được giải thưởng và triển lãm trong nước và quốc tế: “Trên đường về” Giải Đặc biệt 24th Biennate photo monochrome FIAP năm 1997 được tổ chức tại Trụng Quốc; “Gương mặt nông thôn” Giải Ba Triển lãm toàn quốc năm 1988 của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; “Yên ả trung du” Giải Xuất sắc năm 1999 của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; “Mạ xuân” Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2010 của Hội Liên hiệp Văn Học Nghệ thuật Hà Nội.
Mạ xuân
Tác phẩm “Cánh đồng quê” lần đầu được trưng bày Liên hoan ảnh quốc tế (International Foto Festival) 1962 tại Teplice, Tiệp Khắc; “Đô Mi Son” năm 1966; “Chuẩn bị ra khơi”; “Vui trong ngày hè” năm 1973; “Chùa Thày” và “Thành nhà Mạc” năm 1976; “Ngõ quê”; “Những cô gái Dao tiền”; “Phiên chợ Lùng Phìn”; “Dưới bóng đa”; “Cổng Làng Ước Lễ”; “Chiều về”; “Sen tàn”; “Thác Bạc Sa Pa”; “Thác Bản Giốc”; “Thanh bình”; “Suối nguồn”; “Cô gái La Hủ”…; cùng một số tác phẩm chụp tại nước ngoài như: “Vạn Lý trường thành”; “Nhà Sò Opera Sydney”; “Cảm xú muà Thu” ở Canberra – Thủ đô Australia…
Chiều trên quán đồng
Được chiêm ngưỡng các tác phẩm của anh qua các cuộc triển lãm và qua cuốn sách ảnh “Yên ả quê hương”, không chỉ tôi mà các NSNA và công chúng yêu thích nhiếp ảnh càng cảm phục sức tôi luyện, tìm tòi, sáng tạo của anh qua những năm tháng cầm máy. Những thành tựu nghệ thuật mà anh đã đạt được qua hàng loạt tác phẩm về đất nước, về con người… là niềm động viên, khích lệ đồng thời cũng là phần thưởng lớn nhất cho cuộc đời cầm máy của anh. Chúng tôi thường trầm trồ, kính nể mỗi khi thấy anh vẫn vác máy đi các vùng miền chụp ảnh ở cái tuổi xấp xỉ bát tuần. Ở anh không chỉ đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh mà anh còn có một niềm đam mê văn học qua các bài viết và bài dịch từ Trung văn đăng trên báo, tạp chí chuyên ngành và website.
Vũ điệu dân gian
Anh chia sẻ: “Tác phẩm đầu tay của tôi là “Gác chuông chùa Trăm gian” trưng bày tại triển lãm Nghệ thuật Nhiếp ảnh toàn quốc lần thứ 2, do Ban liên lạc Nghệ sĩ nhiếp ảnh, tiền thân của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức năm 1959 tại 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được làm quen, gặp gỡ và học hỏi các NSNA đàn anh như: Lê Văn Lễ, Trần Lợi, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Đức Vân, Văn Hách (Hà Nội), các nghệ sĩ Đinh Đăng Định, Văn Phú, Bùi Duy Ly, Vũ Tiu, Đức Như, Trần Cừ (kháng chiến về) và Đinh Thuý, Lâm Hồng Long, Vũ Ba, Duy Đức, Vũ Tiến Địch, Thành Hương (Miền Nam tập kết) v.v…”.
Qua sông Mỹ Hà
Có được sự thành công như hôm nay, NSNA Hồng Trọng Mậu đã lao động bền bỉ, sáng tạo với góc nhìn tinh tế, nhẹ nhàng, sống động của người cầm máy trong suốt 65 năm. Anh đã để lại cho đời, cho các thế hệ mai sau nhiều tác phẩm có giá trị. Đặc biệt cuốn sách ảnh mang tên rất khiêm nhường “Yên ả quê hương” được xuất bản năm 2018 là những tác phẩm yêu thích trong cuộc đời sáng tác của anh. Anh đã được trả công xứng đáng với nhiều tước hiệu mà Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng: E.VAPA (NSNA xuất sắc), ES.VAPA (NSNA có công), A.FIAP (NSNA Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam…
Chúc anh và gia đình luôn vui khỏe, hạnh phúc! Chúc anh có thêm nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị góp phần làm đẹp cho đời cũng như góp phần vào sự phát triển nền nhiếp ảnh nước nhà!