(Nhiếp ảnh Hà Nội) Những khoảnh khắc hồn nhiên, long lanh, ngây thơ của trẻ thơ luôn trong sáng, kỳ diệu và cũng thật ngộ nghĩnh với những nụ cười giòn tan và ánh mắt trong veo. Tôi rất may mắn được đi qua nhiều nơi, trải qua nhiều điều cho thấy những kỷ niệm thời thơ ấu luôn đọng lại sâu đậm nhất trong ký ức mỗi người. Khi ta bắt gặp những nụ cười giòn tan, thơ ngây, tuơi vui, hồn nhiên ấy thật đáng yêu, thật bình yên khiến ta như được trở về tuổi ấu thơ và bao nỗi mệt mỏi, nhọc nhằn bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm hạnh phúc vô bờ để tận hưởng cái trong sáng, vô tư ấy.
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng trải qua thời ấu thơ đày ắp những ước mơ và không quên những kỷ niệm tinh nghịch cùng bạn bè. Những trò chơi dân gian nhường như không thể thiếu đã theo suốt cả thời thơ ấu. Các trò chơi dân gian được kết thành từ quá trình lao động, sinh hoạt, tích tụ cả trí tuệ và niềm vui trong sống qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Đặc biệt, trò chơi dân gian như: Rồng rắn lên mây, Bịt mắt bắt dê, Chi chi chành chành, Nhảy dây, Nhảy lò cò, Nhảy ngựa, Rải ranh, Thả đỉa ba ba, Kéo co, Trồng nụ trồng hoa, Dung dăng dung dẻ, Thả diều v.v… đã mang đến cho thế giới trẻ thơ nhiều điều lý thú và bổ ích. Trò chơi dân gian không những làm trẻ nhỏ vui thích mà còn giúp trí tuệ và sức khỏe của trẻ phát triển. Mỗi một trò chơi dân gian đều mang một sắc thái độc đáo riêng nhưng đều có chung một đặc điểm là khi chơi trẻ không bao giờ chỉ hùng hục chơi theo các động tác mà chúng vừa chơi vừa hát ca vui vẻ. Các bài hát là một phần của trò chơi và cũng chính là nhịp điệu chung của trò chơi, nó khiến cho không khí vui vẻ hơn, nhộn nhịp hơn. Trò chơi dân gian khiến cho trẻ thông minh, tháo vát, nhanh nhạy, có tinh thần tập thể, dễ hòa đồng vát, biết tổ chức sống và phát triển toàn diện hơn. Những trò chơi ấy sẽ trở thành kỷ niệm quý theo suốt cuộc đời, giúp cho thế giới xung quanh các em đẹp hơn, rộng mở hơn; làm giàu nguồn cảm hứng, tình cảm và trí tuệ của các em.
Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, tuổi thơ tôi không có những cánh diều, không đồng lúa, mà chỉ quen với những con đường trải nhựa đông đúc người và xe qua lại; những khu chợ sầm uất, những tòa nhà cao vút trời… Ký ức về tuổi ấu thơ còn đọng lại trong tôi như mới hôm nào. Một Hồ Gươm luôn xanh thắm một màu diệp lục, vẫn sừng sững, lặng thinh, thanh bình, cổ kính, lộng lẫy cùng những trò chơi dân gian mãi là ký ức tuổi thơ của bao người Hà thành chúng tôi. Thế rồi tuổi thơ cũng đã đi qua không trở lại. Tuổi thơ luôn là nơi cất giấu những ký ức đẹp nhất, mãi mãi là dấu ấn không quên.
Ngày nay, hầu hết mọi gia đình đều có điều kiện để chăm sóc trẻ nhỏ… Trước hết là chăm sóc chính con cháu mình, rồi chăm sóc đến trẻ thơ trong cộng đồng, trong xã hội. Chăm cho các cháu có được cuộc sống tinh thần và vật chất ngày một tốt hơn; được vui chơi cười đùa sảng khoái, được học hành; được sống trong hòa bình, yêu thương. Dạy cho các cháu biết yêu thương gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị em; biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè; biết yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước… Chúng luôn được dành mọi sự ưu tiên, che chở, bảo vệ cao nhất. Việt Nam không chỉ tham gia các Công ước quốc tế mà còn có một bộ luật riêng nhằm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em… Hàng năm, nhân dân Việt nam đã chi hàng ngàn tỷ đồng vào việc dạy dỗ, bảo vệ sức khỏe cho trẻ thơ. Các đoàn thể xã hội, cơ quan, xí nghiệp, các nhà hảo tâm không chỉ đóng góp hàng triệu mét vuông đất xây trường học, cầu đường, nơi vui chơi cho các cháu mà còn quyên góp nhiều tỷ đồng lập quỹ khuyến học, quỹ học bổng giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó, và các giải thưởng cho những ý tưởng sáng tạo v.v…
Có thể nói trẻ thơ vẫn luôn là đề tài vô tận đối với mọi người, mọi giới, mọi lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi… đặc biệt là đối với giới văn nghệ sĩ. Bước vào thế giới tuổi thơ ta như lạc vào rừng hoa muôn mùa muôn sắc, vừa hấp dẫn, vừa thần bí, vừa diệu kỳ mà chẳng ai muốn ra. Ngay cả đến thơ ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh cũng chẳng thể nào lột tả hết được. Những ánh mắt trong trẻo, thơ ngây; những nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên là những khoảnh khắc vô giá chỉ có thể tìm thấy ở tâm hồn trẻ thơ. Những hình ảnh ấy cho ta thêm một lần được quay về tuổi thơ trong sáng, ngộ nghĩnh, đáng yêu, tràn đầy cảm xúc ngọt ngào, xao xuyến bồi hồi. Người thì đưa chúng vào vần thơ, nốt nhạc, người thì vễ chúng trên những trang giấy, những tấm lụa bằng những ngòi bút, mực màu, sơn dầu, người lại khắc họa hay tạc tượng v.v…, còn “dân” nhiếp ảnh chúng tôi lại thu trọn chúng vào những khuôn hình bé nhỏ của riêng mình. Nhiếp ảnh có nhiều ưu thế hơn vì chúng tôi có thể ghi lại và giữ mãi vẻ rất thực, rất thơ trong lúc chúng đùa vui, học hành…
Trẻ em không chỉ cần được chăm sóc sức khỏe, được học tập mà còn đòi hỏi nhu cầu được hưởng quyền vui chơi. Ước mơ và nhu cầu vui chơi của các em vốn là rất tự nhiên. Hẳn bạn không khỏi bồi hồi xúc động khi bắt gặp các em đang vui đùa, hớn hở khi được cùng nhau chơi thật nhiều trò chơi như: những con thú nhồi bông xinh xắn có nhạc, những con thú bằng nhựa, những chiếc ôtô, xe máy, máy bay biết chạy… Nhìn các em chơi, em nào mặt mày cũng hớn hở, thật rạng rỡ, dễ thương. Ai nấy đều muốn tả thật hay, thật nhiều, thật đẹp về thế giới “thần tiên” ấy. Riêng tôi luôn “săn” tìm những cặp môi, khóe mắt cho tới cái vẻ thơ ngây, hồn nhiên của chúng.
Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh