Phiên chợ ‘choảng nhau’ cầu may

Từng tốp thanh niên cầm cà chua, táo, ổi… ném túi bụi vào nhau ở chợ Chuộng, ai bị ném nhiều sẽ được xem là may mắn dịp năm mới.

Chợ Chuộng được tổ chức từ sáng 15/2 ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn và diễn ra duy nhất một lần trong năm vào mùng 6 Tết.

Khu vực tổ chức chợ là bãi bồi bằng phẳng, rộng khoảng 2.000 m2. Ngoài tên gọi chợ Chuộng, còn có nhiều tên như chợ Choảng, chợ Giải xui, chợ Ân oán…

Giữa buổi sáng là thời điểm chợ Chuộng đông đúc nhất. Năm nay, ước tính 5.000 người từ khắp nơi đổ về chợ Chuộng. Khu vực trung tâm chợ, người như nêm.

Chợ bán nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng trong vùng như táo, rau và món ăn truyền thống như bánh đa gấc, bánh cuốn… Trong đó, cà chua được bán rất nhiều để ném nhau. Giá cà chua khá cao, khoảng 40.000-50.000 đồng mỗi kg.

Các tốp thanh niên tay cầm quả, ngồi trên bờ đê chờ ném nhau. Theo quan niệm, người dân đến chợ Chuộng dù không quen biết có thể lấy cà chua, táo, trứng thối… ném nhau. Người bị ném chạy tránh “đạn”, nhưng vẫn cười vui vẻ vì cho rằng càng bị ném nhiều càng gặp may mắn.

Hai nhóm thanh niên ném nhau túi bụi ngay lối dẫn vào cổng chợ.

Cà chua được Duy bóp nhuyễn trước khi ném về nhóm thiếu nữ phía dưới.

Cô gái bị ném cà chua nhiều khiến quần áo lấm lem, mái tóc bết lại ướt sũng.

Có nhiều cách giải thích về sự ra đời của chợ Chuộng, trong đó có tích truyện liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong một lần nghĩa quân bị giặc Minh truy đuổi đến ven bờ sông Hoàng thì hết đường lui. Để che giấu nghĩa quân, người dân trong làng đã kéo nhau ra bãi sông tổ chức họp chợ.

Tướng lĩnh và binh lính đều được cải trang thành dân cày, vũ khí cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Khi quân giặc đuổi tới nơi, thấy phiên chợ đông đúc nên không chút đề phòng. Lợi dụng lúc chúng mất cảnh giác, vị tướng chỉ huy phát động phản công. Bằng sự đoàn kết, mưu trí của quân và dân, kẻ thù bị đánh tan. Cảm kích trước sự giúp đỡ của dân làng, nhà vua đã ban nhiều vàng bạc, lúa ngô trọng thưởng hậu hĩnh.

Kể từ đó, để tưởng nhớ sự kiện này, hàng năm người dân tổ chức phiên chợ Chuộng vào mùng 6 Tết Nguyên đán với phần đánh nhau giả như một nét văn hóa truyền thống.

Cô gái bị ném cà chua nhiều, phải dùng tay che đầu trước khi rời khỏi chợ. Cô cho biết nghe tiếng chợ Choảng từ lâu, nhưng nay mới có dịp ghé qua. Vừa đến nơi đã bị mấy nhóm thanh niên lấy cà chua ném tới tấp. “Bán rủi mua may chưa thấy, nhưng bộ quần áo mới mặc đã lấm lem cà chua và bùn đất”, cô nói.

Công an liên tục tuần tra để tránh các tình huống xấu phát sinh.

Những năm trước, phiên chợ này thường xảy ra đánh nhau giữa các nhóm trai làng. Một số thanh niên lợi dụng phiên chợ để giải quyết hiềm khích. Có người đã mang thương tật vì đánh nhau tại chợ Chuộng.

Nhiều du khách sợ hãi khi chứng kiến các nhóm thanh niên rượt đuổi nhau bằng gậy gộc, thậm chí dao, kiếm… Có người bị đuổi đánh phải nhảy xuống sông Hoàng mới thoát nạn.

Một thanh niên ngất xỉu được dân quân tự vệ dùng cáng đưa ra khỏi chợ sau màn rượt đuổi ném nhau sáng nay.

Do lượng người quá đông nên chính quyền xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn phối hợp với xã Đông Hoàng làm một cây cầu tạm bắc qua sông Hoàng để người dân và du khách thuận tiện hơn khi vào chợ. Cầu chỉ cho phép người đi bộ băng qua, cấm phương tiện thô sơ hay cơ giới.

Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, đập niêu… cũng được tổ chức thu hút đông người tham gia. Chợ Chuộng sẽ kết thúc vào chiều nay. Lều bạt và cầu dựng tạm sẽ được dỡ bỏ, sang năm được làm lại.

Tin liên quan