Rừng Lịnh rộng gần 100 hecta, với nhiều cây gỗ quý 3-4 người ôm, là rừng nguyên sinh hiếm có được bao bọc bởi khu dân cư.
Rừng đặc dụng Lịnh nằm ở hai xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, được bao bọc bởi dân cư, bốn bề là đường nhựa.
Từ năm 1977, khu rừng được giao cho một số người dân bảo vệ. Tháng 9 hàng năm, những cây dẻ trong rừng nở hoa trắng.
Rừng Lịnh có trên 200 loài thuộc 72 họ, nhiều loài thân gỗ hiếm sống lâu năm như lim xanh, gụ lau, huyện, thị, dẻ, nhiều cây làm thuốc như trầm hương, ngũ gia bì… Động vật trong rừng không nhiều do nằm gần khu dân cư đông đúc, chủ yếu là các loài chim, sóc, cầy hương…
Cây gõ 3 người ôm với nhiều nhánh, cao vài chục mét. Rừng còn rất nhiều cây gỗ có chu vi gốc to đến 3-4 người ôm.
Năm 1977, ông Nguyễn Đình Trọng (bên trái), trú xã Hiền Thành, cùng một số người dân nhận bảo vệ rừng Lịnh. Ông Trọng kể, rừng liền kề khu dân cư nên nhiều người vào khai thác gỗ, thu hoạch quả rừng về bán và chặt luôn cành, hoặc đào cây về làm cảnh.
Hơn 44 năm giữ rừng, ông Trọng thuộc mọi ngóc ngách. Hiền Thành là xã mới, sáp nhập từ hai xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành, nên cột mốc địa giới được tu sửa lại.
Vào đầu mùa mưa, hạt của nhiều loài cây thi nhau nảy mầm. Những năm chiến tranh, rừng Lịnh bị bom đạn đánh phá, hiện giữa rừng còn rất nhiều hố bom và dấu vết của những quả bom lùi, là những quả bom ăn sâu vào lòng đất mới phát nổ.
Nhiều người dân vào rừng chặt cây, kiếm củi được ông Trọng khuyên nhủ: “Rừng mình cạn kiệt rồi, không có cây non, mấy o chú thông cảm, không nhặt hạt, chặt cây, phá thực bì để cây rừng lên”. Nhờ đó, nhiều cây non mọc lại, rừng phục hồi dần như ngày nay.
Kiểm lâm địa bàn đi tuần rừng cùng ông Trọng chụp ảnh một loài nấm để tìm hiểu.
Chị Nguyễn Thị Huyền, kiểm lâm địa bàn, cho hay khu rừng có vai trò rất quan trọng với đời sống người dân quanh đây, điều hòa khí hậu một tiểu vùng. “Vào mùa hè, nguồn nước ngầm bị hạ thấp, nhưng khu vực này vẫn đủ nước, đảm bảo đời sống cho người dân”, chị Huyền nói.
Nữ kiểm lâm đánh giá cao vai trò của ông Trọng và các bảo vệ khác, giữ rừng không bị xâm hại.
Một chùm dẻ gai rụng xuống đất. Mùa này, rừng Lịnh cho nhiều loại trái như dẻ, trám, đại chồn, hạt gõ… Những năm trước, người dân địa phương hay vào rừng nhặt quả trám về bán, giá khoảng 10.000-15.000 đồng/kg. Năm nay Covid-19, quả trám không bán được nên ít người vào rừng. Một số loài hoa quả khác có thể khai thác như hạt dẻ, chôm chôm rừng…
Ông Trọng bên một cây dó tỏa bóng xanh mát. Những năm giữ rừng, ông Trọng ngăn cản nhiều vụ chặt phá, đào cây. Năm 2014, ông Trọng phát hiện nhóm 11 người vào rừng Lịnh đào một gốc cây về để bán làm cảnh. Do bị áp đảo về số lượng, ông Trọng giả vờ đồng ý cho nhóm này đưa cây ra khỏi rừng. Khi đến gần bìa rừng, ông mới gọi thêm người hỗ trợ để bắt giữ. Cây bị nhóm này khai thác, hiện trồng ở trụ sở xã Vĩnh Hiền cũ.
Những năm gần đây, nhiều loài dây leo phát triển mạnh. Nhiều cây gõ, huyện, trám lâu năm bị dây leo cuốn, bao phủ tầng mặt không thể quang hợp nên chết dần.
Ông Trọng đã kiến nghị với địa phương và kiểm lâm có biện pháp tu bổ rừng, chặt hạ một số cây leo. Tuy nhiên, kiểm lâm cho hay đây là rừng đặc dụng nên con người không thể tác động.
Hiện rừng được giao cho một công ty khai thác du lịch sinh thái, nhưng hơn 3 năm vẫn chưa triển khai dự án.
Nằm về phía nam của khu rừng khoảng 1.500 m, nhà chức trách đã xây dựng đập chắn để giữ nước từ khu rừng chảy ra. Nhờ khu rừng mà 200 ha lúa của hai xã được đảm bảo nước tưới. Vào đầu mùa mưa, nước trong lòng hồ được xả hết để có dung tích chứa nước trong mùa mới.
Ông Nguyễn Thuận Hiếu, Phó chủ tịch xã Hiền Thành, đánh giá ý thức bảo vệ rừng của người dân rất tốt, nếu không thì sẽ không còn những cây to cổ thụ. Hàng trăm năm rừng vẫn còn nguyên sinh, không bị xâm hại.