Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đại hội thể thao Đông Nam Á với nhiều hoạt động “nói không với rác thải nhựa”.
Giữa tháng 5, khi nhiều môn thi đấu SEA Games 31 bước vào vòng chung kết, hàng nghìn cổ động viên đổ về điểm thi đấu cổ vũ vận động viên. Cùng lúc đó hàng trăm tình nguyện viên tất bật nhặt rác, dọn sạch cảnh quan để hưởng ứng kỳ đại hội nói không với rác thải nhựa dùng một lần.
Tại sân vận động Mỹ Đình, TP Hà Nội, nơi diễn ra nhiều môn thi đấu với số lượng cổ động viên lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường dựng khu trưng bày đổi rác lấy quà. Gần một tháng trước, các tình nguyện viên đã lắp ráp khu này bằng tre, nứa, vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế khi đại hội kết thúc. Các tấm biển quảng cáo cũng được in bé hơn, chỉ mang tính tượng trưng.
Khi đổi rác, du khách sẽ nhận lại các tấm huy chương mô phỏng, móc chìa khóa được thiết kế bằng gỗ ép, sổ tay hướng dẫn bảo vệ môi trường, bộ xếp hình làm từ vỏ hộp sữa hay túi đựng đồ làm từ vải đã qua sử dụng.
Cùng hai con đi xem môn điền kinh sáng 17/5, chị Hoàng Thu Phương, 31 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, tìm đến gian trưng bày để đổi tám chai nước đã qua sử dụng lấy đồ lưu niệm là móc chìa khóa, bút bi và túi làm từ giấy, vải đã qua sử dụng. Nếu gom được hơn 15 vỏ chai nhựa, chị sẽ đổi được một huy chương bằng gỗ ép, cây cảnh hoặc chai đựng nước giữ nhiệt.
Chị Phương chia sẻ thường xuyên đưa con đi xem các hoạt động thể thao, khá bất ngờ khi ở kỳ SEA Games 31 rác thải có thể đổi được quà. “Tôi luôn giáo dục các cháu phải bỏ rác vào thùng mỗi khi đi xem thể thao, tuy nhiên nhiều nơi tìm thùng rác không dễ. Ý tưởng này rất có giá trị giáo dục vì ngoài rác của mình, trẻ có thể nhặt thêm rác xung quanh để đổi nhiều phần quà”, chị Phương nói thêm.
Ban tổ chức luôn duy trì khoảng 50-100 tình nguyện viên tại các điểm thi đấu có đông cổ động viên để nhặt rác. Len lỏi các khán đài sân vận động Mỹ Đình nhặt từng vỏ hộp sữa, khăn giấy, Nguyễn Hoài Thu, sinh viên Đại học Thủy lợi, cho biết tham gia gia hoạt động tình nguyện ngay từ những ngày đầu đại hội. “Có thể đi nhặt rác sẽ vất vả hơn các hoạt động khác, nhưng tôi và các bạn luôn sẵn sàng để chúng ta có một kỳ SEA Games thân thiện với môi trường”, Thu nói.
Ngoài hai hoạt động trên, Ban tổ chức cũng phát sổ tay giảm thiểu rác thải nhựa, tổ chức đoàn xe tuyên truyền, cung cấp hơn 100.000 lon nước bằng nhôm cho tất cả hoạt động của đoàn vận động viên.
Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, cho biết quyết định tổ chức SEA Games xanh được đưa ra cách đây hơn một năm khi lịch tổ chức đại hội được chốt vào quý II/2022. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhằm đảm bảo các hoạt động bên lề mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông Lý, khi đi cổ vũ thể thao người dân thường hay sử dụng các loại chai nước bằng nhựa sử dụng một lần, nhiều loại tỷ lệ tái chế thấp, trong khi đó nếu đem chôn thì hàng trăm năm không phân hủy. Nếu thay thế bằng lon nhôm, sau đó thu gom, chuyển về đơn vị sản xuất thì sẽ tái chế 100% như mới chỉ trong 30 ngày.
Những ngày tới, Ban tổ chức sẽ mở rộng phạm vi chương trình đổi rác lấy quà và thu gom rác ở các điểm thi đấu có nhiều người tham dự. “Chúng tôi mong muốn SEA Game 31 là dịp để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam ngoài thế mạnh ở các môn thể thao còn là quốc gia thân thiện với môi trường, đang hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Lý nói thêm.
SEA Game 31 được tổ chức tại 37 địa điểm thi đấu thuộc 12 tỉnh phía Bắc từ ngày 12/5 đến ngày 23/5 với hơn 5.000 vận động viên tham dự. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai đại hội Đông Nam Á, lần thứ nhất vào năm 2003.