Sơn Đoòng tiếp tục được vinh danh

Báo Mỹ Insider lựa chọn 20 điểm đến phá vỡ những kỷ lục của thế giới tự nhiên, trong đó có Sơn Đoòng là hang động lớn nhất.

Nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, Sơn Đoòng với độ dài 9 km là hang động rộng lớn nhất thế giới. Hang mới được con người phát hiện vào năm 2009, có kích thước chiều rộng 150 m và cao hơn 200m đủ để hình thành một hệ thời tiết độc lập với thế giới bên ngoài. Hang có cả rừng rậm, sông ngầm, mây sương bao phủ riêng và đặc biệt cảnh quan tự nhiên không bị con người tác động tới. Ảnh: Ryan Deboodt.

Rạn san hô Great Barrier trải dài hơn 2.000 km ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Australia, nên đây cũng là nơi có hệ san hô lớn nhất thế giới. Thực tế, Great Barrier bao gồm 3.000 rạn san hô và là nơi có hàng trăm đảo nhiệt đới. Vì kích thước khổng lồ đó mà rạn san hô lớn nhất này chỉ có thể nhìn bao quát từ ảnh vệ tinh như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Ảnh: Pixabay.

Hồ Frying Pan (hồ chảo chiên) nằm ở thung lũng núi lửa Waimangu ở Rotorua, New Zealand. Diện tích hồ lên tới hơn 37.000 m2, bao trọn một miệng núi lửa. Vì thế Frying Pan là hồ nước nóng lớn nhất thế giới. Đáy hồ là magma (đá nóng chảy) thải ra hơi H₂S và CO2. Nhiệt độ trung bình của hồ 110 -130 độ C và độ PH 3,5 nên con người không thể tiếp cận được nếu không trang bị bảo hộ đặc biệt. Ảnh: Shiromi. 

Biển Chết là vùng đất lộ diện trên mặt đất nằm thấp nhất thế giới, thấp hơn mực nước biển tới 430 m và nước ở đây vẫn bị hạ thấp gần 1m mỗi năm. Biển Chết nằm giữa Israel và Jordan, chứa lượng muối cực lớn nên du khách tới đây tắm có thể nổi mà không cần biết bơi hay áo phao hỗ trợ. Ảnh: Jordanroad.

Thác Victoria nằm ở biên giới hai nước Zimbabwe và Zambia chỉ dài hơn 108 m nhưng rộng tới 1.676 m và là thác rộng nhất thế giới.
Vào thập niên 1800, bộ tộc Kololo sống ở khu vực gọi thác là “Mosi-oa-Tunya”, nghĩa là trông như khói mây mà kêu như sấm rền. Thác rộng lớn đến nỗi, sương và bụi nước có thể bắn xa hàng km và nước sông Zambezi phía dưới lúc nào cũng ầm ào. Ảnh: Pixabay.

Nếu Everest thuộc dãy Himalaya là đỉnh núi cao nhất so với mực nước biển thì Mauna Kea ở Hawaii là núi cao nhất tính từ chân núi ở sâu dưới đáy đại dương lên tới đỉnh (10.204 m).
Núi này có tên theo tiếng địa phương là “Núi Trắng”, bởi tới mùa đông đỉnh núi bao trùm tuyết trắng và dân Hawaii cũng như du khách khắp nơi kéo tới đây để trượt tuyết. Với độ cao như vậy kèm gió lớn khiến nơi này có điều kiện rất khó khăn để tiếp cận. Ảnh: Hawaii.

Brazil là đất nước có bãi biển dài nhất thế giới Praia do Cassino (244 km) kéo dài từ bang Rio Grande do Sui tới biên giới Uruguay. Bãi biển nằm dọc theo bờ biển miền nam Brazil, giáp với nam Đại Tây Dương, là điểm đến mùa hè thu hút rất đông du khách và dân địa phương tới bơi lội, lặn ống thở, lướt sóng, chèo thuyền… Ảnh: pixabay.

Cây General Sherman trong khu rừng cây khổng lồ ở Vườn quốc gia Sequoia, California, Mỹ có chiều cao 83 m và đường kính hơn 10 m. Đây chưa phải là cây tùng sequoia cao lớn nhất nhưng lại rộng nhất thế giới. Cây đã sống hơn 2.200 năm và vẫn không ngừng phát triển qua từng năm. Ảnh: Trover.

Châu Nam Cực là nơi có Lambert – dòng sông băng lớn và di chuyển nhanh nhất thế giới. Lambert dài 402 km và rộng 96 m, là một phần của đông Châu Nam Cực và chiếm tới 8% băng ở đây. Ảnh: Wayfinderadvantures.

Kilauea là núi lửa lớn hoạt động mạnh nhất thế giới. Nằm ở phía đông nam của đảo lớn Hawaii, Mỹ, Kilauea cao 1.246 m sụp xuống tạo hố lõm khổng lồ dài hơn 4,8 km và rộng 3,2 km. Các vụ phun trào của Kilauea thường vô hại vì dòng dung nham sẽ chảy tới Halema’uma’u – hồ nham thạch đang hoạt động. Từ 1983, đỉnh núi lửa này vẫn không ngừng phun trào nên nó còn được gọi là “nơi phun trào lâu nhất trên trái đất”.
Ảnh: USAtoday.

Ngoài các địa điểm trên, Insider đưa vào danh sách các điểm đến khác, gồm thác cao nhất Angel ở Venezuela, hồ Baika ở Nga là hồ sâu và rộng nhất, sông dài nhất Nile của Ai Cập, mạch nước nóng ngầm phun mạnh và cao nhất Steamboat, Iceland là đảo núi lửa lớn nhất, Kutiah ở Pakistan là sông băng dâng lên nhanh nhất, đỉnh núi độc lập cao nhất Kilimanjaro (Tanzania), Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất, và Bangladesh – đất nước có rừng đước lớn nhất.

Tin liên quan