SỰ HỘI TỤ CỦA NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH

Tham luận Hội thảo:  “ Văn hóa Thăng Long – Hà Nội sau 10 năm hợp nhất”  

SỰ HỘI TỤ CỦA NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH

Quãng thời gian 10 năm của một hành trình nghệ thuật, ở đây là nghệ thuật Nhiếp ảnh là quá ngắn để nói lên một điều gì đó về nghệ thuật. Thế nhưng, 10 năm cũng là quá đủ để khẳng định ngành nghệ thuật ấy thành công hay thất bại; có thành tựu hay lay lắt tồn tại cho qua ngày…

NSNA Cao Minh báo cáo tham luận tại Hội thảo

Văn chương hay một số lĩnh vực về văn hóa, trước đây hơn 10 năm đã từng tồn tại hai thực thể, hai vùng bản sắc, đó là: văn chương, văn hóa vùng đất Kinh kỳ và văn chương, văn hóa vùng đất Xứ Đoài ( Hà Tây ). Mỗi vùng có những mạnh yếu khác nhau, mạch nguồn và dòng chảy khác nhau.

Nghệ thuật Nhiếp ảnh không hẳn thế. Nhiếp ảnh ngày càng chứng tỏ khả năng không biên giới, không vùng miền nhưng vẫn đẫm sự khu biệt bản sắc. Bởi lẽ, chất liệu cho sự sáng tạo nhiếp ảnh được lấy từ chính sự đang hiện diện của con người, cuộc sống, cảnh sắc. Bất cứ nơi nào có sự hiện diện của con người, cuộc sống, cảnh sắc cũng đều là đối tượng khám phá, sáng tạo của nhiếp ảnh. Và, những sáng tạo của nhiếp ảnh là sự “ tươi ròng” của cuộc sống được nhà nghệ sĩ nắm bắt và định dạng theo những cảm nhận và thẩm mỹ riêng. Cũng chính những sáng tạo của nhiếp ảnh đã chỉ ra chính xác nhất, rõ ràng nhất tính khu biệt hay bản sắc văn hóa, phong tục mỗi địa danh của Việt Nam hay bất cứ nơi đâu trên hành tinh này. Không thể nói một tác phẩm nhiếp ảnh về phố cổ Hà Nội là của Sơn Tây, hay một tác phẩm ảnh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải được chụp ở Ba Vì…

Sau rất nhiều những gian truân, nỗ lực để tìm đường hướng sáng tạo và phát triển; cho đến ngày hôm nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đã bắt kịp với một số xu hướng, trào lưu và nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới ( tất nhiên chúng ta còn nhiều những hạn chế và yếu kém về tầm tư tưởng cũng như những sáng tạo độc đáo…). Nhiều nghệ sĩ của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội luôn luôn giành được các giải thưởng cao trong các cuộc thi Nhiếp ảnh thế giới; và cũng nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hà Nội đạt được các tước hiệu cao quý của các tổ chức Nhiếp ảnh nhà nghề của thế giới, như: FIAP ( Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới ), PSA ( Liên đoàn Nhiếp ảnh nhà nghề Hoa Kỳ )… Có thể nêu một số nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hà Nội như: Hoàng Ngọc Thạch, trong hơn 3 năm anh đã giành hơn 155 huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Bằng khen trong các cuộc thi nhiếp ảnh do nhiều tổ chức nhiếp ảnh trên thế giới tổ chức; hay các nghệ sĩ khác như Nguyễn Dần, Lại Diễn Đàm, Phạm Ánh, Nguyễn Văn Toản…Nghệ sĩ Nguyễn Văn Toản năm 2017 đã giành Huy chương vàng cho tác phẩm “ Chế biến tương bần” trong cuộc thi lần thứ 2 mang tên “ Nordic Clrcuit  ”, tại 4 nước Bắc Âu: Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan.

Hà Nội là nơi đầu tiên có sự hiện diện của nhiếp ảnh, chỉ sau 30 năm nhiếp ảnh thế giới ra đời tại nước Pháp, năm 1839. Cụ Thượng thư Đặng Huy Trứ của triều Nguyễn đã lập hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường năm 1869, tại phố Thanh Hà. Như vậy, từ khi nhiếp ảnh được du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Hà Nội luôn luôn là trung tâm nhiếp ảnh lớn nhất của cả nước, nơi hội tụ, vùng đất để các thế hệ những người sáng tạo nghệ thuật thông qua chiếc máy ảnh tỏa sáng.

Bởi thế nên, từ năm 2008, khi Hà Tây và 3 xã của Hòa Bình được hợp nhất vào Hà Nội; đội ngũ những người hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật đã được bổ sung thêm nhiều nghệ sĩ của Hà Tây. Đến thời điểm năm 2018 này, số hội viên của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã trên 400 hội viên, trong đó hai phần ba là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong 10 năm qua có lẽ không thể kể hết số lượng các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức, đồng tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc bảo trợ nghệ thuật. Ngoài hơn 400 hội viên chính thức của Hội, hiện nay còn 20 Câu lạc bộ nhiếp ảnh trực thuộc Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Mỗi năm bình quân Hội chủ trì hoặc phối hợp tổ chức 3 đến 4 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật, gồm: Cuộc thi chính thức hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, cuộc thi cho Khu vực Hà Nội ( phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ), cuộc thi ảnh về Công An Hà Nội ( phối hợp cùng Công an TP Hà Nội ), ngoài ra là sự bảo trợ nghệ thuật cho các cuộc thi của các CLB nhiếp ảnh trực thuộc.

Văn hóa Thăng Long – Hà Nội luôn là chủ đề chính trong nhiều hoạt động của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, qua các cuộc thi ảnh như: Áo dài Việt Nam, Nét đẹp văn hóa người Hà Nội, Hà Nội Đổi mới và Phát triển, Văn hóa và phong tục người Hà Nội, Kiến trúc Hà Nội, Phố phường Hà Nội, và năm 2018 với cuộc thi ảnh nghệ thuật mới triển lãm và kết thúc tháng trước là: Cuộc sống ngoại thành Hà Nội. Cuộc thi ảnh này mang chủ đề và ý nghĩa rõ ràng: Kỷ niệm 10 năm ngày Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội.

Sự hợp nhất nhiếp ảnh Hà Nội- Hà Tây, ngoài vấn đề bổ sung thêm đội ngũ nghệ sĩ; đối với nhiếp ảnh còn là có thêm một vùng không gian, địa lý, cảnh quan, con người, cuộc sống vô cùng phong phú, hấp dẫn và độc đáo. Đó chính là đối tượng khám phá của nhiếp ảnh, đề tài vô tận của nhiếp ảnh Hà Nội trên con đường sáng tạo những giá trị nghệ thuật nhiếp ảnh.

10 năm nay đã có biết bao những tác phẩm ảnh nghệ thuật có giá trị của Hà Nội về những vùng cảnh quan rất đặc sắc của Hà Nội, như phong cảnh Chùa Hương, phong cảnh núi Ba Vì, cảnh sắc những hàng hoa Gạo đỏ thắm trời xuân ở huyện Mỹ Đức, nét cổ kính của làng cổ Vân Từ huyện Phú Xuyên, sự trầm mặc, xưa cũ của làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây, hay những tinh túy làng nghề ở huyện Phú Xuyên, Thạch Thất, Hoài Đức… Việt Nam có 2 cổng làng đẹp nhất và nổi tiếng nhất thì nay đều thuộc Hà Nội ( xưa là Hà Tây ), đó là cổng làng Ước Lễ của huyện Thanh Oai và cổng làng Đường Lâm của thị xã Sơn Tây. Và vừa mới tháng 8 đây thôi, thiên tai ập đến với vùng trũng của Hà Nội là huyện Chương Mỹ. Xã Nam Phương Tiến ngập trắng và bị cô lập gần tháng trời với xung quanh. Lực lượng quân đội, công an cùng nhiều tổ chức thiện nguyện đã đến giúp dân, cùng dân khắc phục khó khăn với biết bao hình ảnh đầy xúc động và những nghĩa cử đầy tình người…Những hình ảnh ấy đã được các nhà nhiếp ảnh của Hà Nội cùng chèo thuyền, cùng lội nước ghi lại. Một số hình ảnh ấy sẽ được trưng bày trong triển lãm về lực lượng công an Hà Nội, khai mạc ngày 5-10 tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền.

Việt Nam duy nhất có một làng nghề về Nhiếp ảnh và Bảo tàng về Nhiếp ảnh. Đó là làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, huyện Hoài Đức. Làng Lai xá là nơi sinh của cụ Nguyễn Đình Khánh ( Khánh Ký ), cụ được tôn vinh Tổ của nhiếp ảnh Việt Nam. Cụ Nguyễn Đình Khánh có công truyền dạy nghề ảnh cho nhiều người trong làng; đồng thời cụ cũng là người gây dựng nghề ảnh ở những đô thị lớn của Việt Nam. Cụ cũng là người đã dạy nghề ảnh cho Bác Hồ khi hoạt động bên Pháp. Bảo tàng nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh ( với sự giúp đỡ của chuyên gia Pháp ) đã được khánh thành năm 2017 tại làng Lai Xá. Để có được thành tựu này là công sức của các nghệ sĩ nhiếp ảnh của làng Lai Xá hôm nay.

Chặng đường hơn 10 năm qua, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã thực sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh của một thủ đô rộng lớn sau khi sáp nhập, đã có những sáng tạo nghệ thuật không nhỏ trong lĩnh vực nhiếp ảnh, góp phần vào những thành tựu chung của văn học-nghệ thuật Thủ đô.

Sự sáng tạo của nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội sẽ sâu, rộng, bao quát hơn; nếu như có sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền thành phố.

Bài: NSNA Cao Minh

Tin liên quan