Tây Bắc “lạ” trong một Tây Park – Ngàn

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Người xem sẽ được thưởng thức một Nghệ thuật Nhiếp ảnh có phần độc đáo và lạ lẫm tại “Triển lãm thị giác” Tây Park – Ngàn. Triển lãm đem tới cảm nhận đa giác quan cho công chúng với loại hình nghệ thuật chính là Nhiếp ảnh in trên giấy dó truyền thống được sắp đặt, bài trí kết hợp với các đạo cụ, hiện vật đặc trưng của Tây Bắc Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Thanh Tuấn – Ảnh nhân vật cung cấp

Lấy cảm hứng từ chính những tác phẩm nhiếp ảnh tại triển lãm Tây Park, Nguyễn Thanh Tuấn kết hợp cùng các nghệ sĩ gồm: Nghệ sĩ điêu khắc Lò An Chương, Biên đạo múa Nùng Văn Minh, Nghệ sĩ Violin Trịnh Minh Hiền, Nghệ nhân – Nghệ sĩ Trường Giang, Cố vấn âm nhạc Việt Hùng, Kỹ sư âm thanh Tùng Lâm cùng các nghệ nhân dân gian và đồng bào người Thái tại Hà Nội sáng tạo ra show trình diễn thị giác có tên là NGÀN.

NGÀN có thể hiểu đơn giản là rừng. Ngàn cũng có thể là hàng ngàn câu chuyện, chân dung những phụ nữ, những nhân vật mà Thanh Tuấn đã chạm gặp trong suốt 10 năm qua tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.

NGÀN cũng chính là cái Ngàn vàng bí ẩn mà Tây Bắc Việt Nam đã đem lại cho Tuấn trong suốt một thập kỷ mà cá nhân Thanh Tuấn cho rằng đã đến lúc phải làm một điều gì đó cho Tây Bắc. Đó như lời tri ân, tôn vinh những người con của núi rừng đã nhiệt thành chào đón Tuấn, gã lãng khách phương xa đây.

Chân dung Bà Chọi – một trong những tác phẩm nhiếp ảnh sẽ được in trên chất liệu giấy dó tại triển lãm Tây Park – Ngàn

Lý giải về cách chơi chữ Á Âu Tây và Park, Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng hai chữ Tây Bắc đã quá quen thuộc với những người ưa xê dịch tại Việt Nam và những người bạn quốc tế cũng hoàn toàn có thể dễ dàng bị đắm say với vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng nơi đây.

Triển lãm được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc Việt Nam kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn, người khiêm tốn nhận mình là Người kể chuyện bằng hình ảnh.

Tại triển lãm công chúng sẽ được thưởng thức 100 bức chân dung chủ yếu là phụ nữ vùng cao của 6 tỉnh Tây Bắc nơi mà Nguyễn Thanh Tuấn chạm gặp trong những chuyến làm phim, sản xuất các chương trình nghệ thuật. Đó có thể là những người phụ nữ thầm lặng nghiên cứu, sưu tầm hàng ngàn vốn quý của Tây Bắc thành những áng văn chương, sách vở. Có thể là những người phụ nữ khiếm thính, bị câm nhưng nuôi nấng 5, 7 người con nên người… và hàng trăm chân dung như vậy khiến Thanh Tuấn ám tượng và mong muốn được kể nhiều hơn về họ.

Chính vì vậy công chúng sẽ được thấy những dòng chú thích ở mỗi tác phẩm được kể lại như những mẩu truyện ngắn trên giấy dó. Trong triển lãm lần này Thanh Tuấn tập trung vào hình ảnh chân dung những người phụ nữ ở Tây Bắc ở góc nhìn cận cảnh giúp người xem thấu hiểu hơn về câu chuyện của từng nhân vật. 

Tác phẩm nhiếp ảnh sẽ thể hiện trong triển lãm với nhiều cách thức độc đáo

Ngoài ra trong triển lãm còn có rất nhiều các hiện vật tái hiện không gian Tây Bắc được Thanh Tuấn kết hợp với nghệ sĩ điêu khắc họa sĩ Lò An Chương dàn dựng mang đến trải nghiệm độc đáo. Thậm chí từ mùi vị, hương của Tây Bắc cũng sẽ được gợi nhắc ở triển lãm thông qua các loại gia vị, mùi cây cỏ…

Phần âm thanh của triển lãm cũng được thiết kế riêng bởi cố vấn âm nhạc Nguyễn Việt Hùng với tracklist trích từ các album độc đáo của nhạc sĩ Doãn Hoài Nam và các tác phẩm hòa tấu violin của nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền (mashup Inh lả ơi, chiếc khăn Piêu) cùng với thanh âm của Tây Bắc từ tiếng suối chảy, tiếng cọn nước, chim kêu, tiếng gà gáy của những mảnh vườn nhỏ trầm bổng.

Yếu tố âm nhạc được sắp đặt thành từng mảng riêng từ dân gian cho tới hiện đại, đôi khi chỉ cần những thanh âm của không gian núi rừng, bản làng cũng đã đủ để kích thích trí tưởng tượng của công chúng.

Tại triển lãm, quan khách cũng sẽ đặc biệt ấn tượng với sự xuất hiện của những cô gái Thái, cô gái Mông xúng xính áo quần truyền thống tiếp đón mọi người. Tất cả đều là các sinh viên trẻ người địa phương đang sinh sống và học tập tại Hà Nội.

Nguyễn Thanh Tuấn muốn được hóa thân là một nhân vật trong chính kịch bản của show diễn để có thể tự kể câu chuyện của mình thông qua tình huống và hành động được sắp đặt mà không dùng lời nói hay lời dẫn như các vai trò trước đây đã tham gia.

Ngoài ra tại lễ khai mạc của triển lãm, key moment chính cũng được Thanh Tuấn và BTC thống nhất sử dụng màn chiêng trống khai hội đem lại sự ấn tượng độc đáo, một không gian Tây Bắc giữa lòng phố cổ dành cho các khách quý khi tham dự.

Tin liên quan