(Nhiếp ảnh Hà Nội) Mỗi năm báo hiệu mùa xuân về, đó là khi hoa mơ, hoa mận nở trắng núi rừng; từng đàn chim én bay lượn trên bầu trời trong xanh, hoà cùng ánh nắng hanh vàng; cũng là lúc các chàng trai người dân tộc Mông ở khắp bản làng thuộc hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình diện những bộ cánh truyền thống đẹp nhất, vung chày rộn ràng như một bản nhạc hòa tấu để giã những mẹt bánh dày bằng nếp nương thơm, dẻo, mềm, cho chính người phụ nữ trong gia đình gói lại trong miếng lá chuối xanh đã được hơ nóng làm mềm rồi lau khô, sạch sẽ để ăn tết vào 1/12 âm lịch. Năm 2017 được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể hưởng ứng cùng đồng bào của địa phương ăn Tết cổ truyền; Lễ hội Gầu Tào được tổ chức tập trung vào trong 2 ngày 4 – 5/12 âm lịch.
Theo tục lệ, người Mông ăn Tết theo “Lịch mặt trăng”. Theo cách tính của lịch Mông, cuối tháng Con Bò hoặc đầu tháng Con Hổ tương đương với tháng 11 hoặc tháng 12 (tính theo con giáp) là lúc các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí Tết. Đó là khi mùa màng xong, “ngô lúa đã đầy bồ, lợn gà đầy sân, cỏ khô đã chuẩn bị cho bò, ngựa”… Ngày 21/01/2018, UBND huyện Mai Châu phối hợp với UBND hai xã (Hang Kia và Pà Cò) tổ chức Lễ Hội Gầu Tào (NTENHL GRÂUK TAOX SHÔNG) tại thung lũng, sân vận động xóm Hang Kia. Năm 2018 là năm thứ 2 và cũng là năm Lễ hội Gầu Tào lần thứ II được tổ chức tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Từ sáng sớm tinh mơ trên khắp mọi nẻo đường núi đá tai mèo đen uốn lượn, còn mập mờ bởi màm sương mù bao phủ, đường đến lễ hội ngập tràn cỏ cây, hoa lá: hoa mận trắng, hoa cải vàng, hoa đào phai xen lẫn sắc màu trang phục rực rỡ của các cô gái Mông khiến núi rừng bỗng chốc tưng bừng, nhộn nhịp trong nắng xuân nhè nhẹ.
Đúng 8h00 sáng, khi nắng tỏa vàng khắp thung lũng, gió thổi những đám mây trắng bồng bềnh trên bầu trời cao trong xanh, cành mận rung rinh mời gọi những chú ong vàng tới hút mật, lãnh đạo UBND xã Hang Kia tuyên bố Khai mạc Lễ hội. Tới dự Lễ hội có lãnh đạo tỉnh, đại diện ban dân tộc tỉnh, lãnh đạo huyện, đông đảo bà con dân tộc Mông trên địa bàn hai xã, cùng du khách thập phương, các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong ngoài tỉnh cùng tham dự, chứng kiến những màn múa, hát đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau màn múa hát chào đón các đại biểu là lễ dựng cây nêu. Cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng. Ngọn cây nêu bao giờ cũng hướng về hướng Đông – là hướng sinh với mong muốn cầu sinh con, cũng là hướng của mặt trời với mong ước mùa màng bội thu, cầu cho sức khỏe của bản làng. Đây là nghi lễ xin thần linh quan trọng nhất. Ông chủ lễ cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu cầu trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi sinh sôi, được mùa…
Sau hồi trống khai hội là các hoạt động múa khèn, ném pao, thăm quan các gian hàng, ẩm thực và các hoạt động thể thao với các môn kéo co, đẩy gậy và các trò chơi dân gian truyền thống khác.
Điều đặc biệt trong Lễ hội Gầu Tào không chỉ dành riêng cho những người Mông, mà mọi du khách gần, xa đến đây, đều có thể hòa mình vào lễ hội, cùng thổi khèn, nhảy điệu múa truyền thống của người Mông, chơi đánh quay, chơi ném còn, kéo co, đẩy gậy…, được thưởng thức nóm bánh dày, uống rượu với thắng cố và mượn những bộ váy áo sặc sỡ của người Mông để có những bức ảnh ấn tượng nhất cho riêng mình. Lễ hội Gầu Tào – Một trong những lễ hội thật đặc sắc, thật ấn tượng mà vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống của người Mông. Hy vọng rằng những lễ hội truyền thống như thế rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được duy trì và trường tồn mãi cho các thế hệ sau.
Bài, ảnh: NSNA Đức Nghiêm