Thế giới trong mắt nhiếp ảnh gia ‘biết bay’

(Nhiếp ảnh) Nhìn thế giới từ trên cao, George Steinmetz từ một nhiếp ảnh gia, vô tình trở thành nhà hoạt động vì môi trường.

Năm 1997, George Steinmetz, nhiếp ảnh gia đến từ New Jersey, quyết định học bay khi đảm nhận một dự án chụp ảnh tại vùng trung tâm Sahara và phi công riêng của ông đã xin rút. Nhưng thứ George chọn không phải là máy bay, mà là một chiếc dù lượn gắn động cơ.

“Ban đầu tôi tìm hiểu về dù lượn vì muốn bay ở Sahara, và đó là nơi gần như tôi có thể cất cánh hay hạ cánh ở bất kỳ đâu, vì nó là một địa hình khá an toàn để dùng một phương tiện gắn mô-tơ không đáng tin cậy”, George nói.

George Steinmetz bay dù lượn tại Giza, Ai Cập. Ảnh: Gaetan Hutter.

George Steinmetz bay dù lượn tại Giza, Ai Cập. Ảnh: Gaetan Hutter.

Ông ví dù lượn như “chiếc ghế vải bay”, để ông có thể bay thấp và chậm trên mặt đất mà không làm phiền người khác hay động vật bên dưới. Nó có thể được tháo dỡ dễ dàng và chia thành ba kiện, mỗi cái nặng chưa đến 20 kg. Do đó, George có thể mang theo “phi cơ của riêng mình” trên bất kỳ chuyến bay thương mại nào.

Từ đó, George, còn có biệt danh là “nhiếp ảnh gia bay”, ghi lại những khung cảnh đẹp nhất vòng quanh thế giới và tập hợp lại trong cuốn sách The Human Planet: Earth at the Dawn of the Anthropocene (tạm dịch là Hành tinh của con người: Trái Đất vào buổi bình minh của kỷ Nhân Sinh).

Với dù lượn, trực thăng và những chiếc drone chuyên nghiệp, George không chỉ hé lộ những kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mà còn ghi lại dấu vết khổng lồ của cuộc sống thường ngày. Nhiếp ảnh gia bay chụp ảnh từ những bể muối sặc sỡ tại Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria, cho đến cảnh người nông dân trồng lại cây cọ ở Sapi, Malaysia; hay buổi chôn cất hàng loạt nạn nhân của đại dịch Covid-19 trên đảo Hart, New York, Mỹ – độc giả sẽ không thể thấy những hình ảnh này vì cảnh sát đã tịch thu drone của ông.

Từ dù lượn của mình, George chụp được một bức tranh màu sắc tạo nên từ những hố cạn do người dân tự đào để lấy chất khoáng rắn cho gia súc. Màu sắc của từng hố phụ thuộc vào hỗn hợp bùn, tảo và muối. Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria. Ảnh: George Steinmetz.

Từ dù lượn của mình, George chụp được một bức tranh màu sắc tạo nên từ những hố cạn do người dân tự đào để lấy chất khoáng rắn cho gia súc. Màu sắc của từng hố phụ thuộc vào hỗn hợp bùn, tảo và muối ở Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria. Ảnh: George Steinmetz.

Dù drone hỗ trợ ông quay chụp phần lớn thời gian do tính năng vượt trội và đảm bảo an toàn, George thực sự quý trọng những tấm ảnh tự mình thực hiện khi bay dù lượn. “Bạn có thể mang theo camera lên cao, song thật khác biệt khi dùng drone. Nhưng drone như một chiếc kính tiềm vọng bay trên trời, và bạn chỉ có thể nhìn thấy những thứ hiển thị trên màn hình chứ không bao quát mọi thứ bên ngoài”, nhiếp ảnh gia Mỹ nhận định.

Ông cũng cho rằng: “Dù lượn thực sự tuyệt vời vì tầm nhìn của bạn không bị giới hạn dù theo bề ngang hay phương thẳng đứng. Như một chiếc môtô bay vậy, mọi thứ ở xung quanh, và bạn cũng có mặt giữa không gian đó”.

George đánh giá cao những trải nghiệm trực tiếp giúp mở mang tầm mắt. Ông viết trong cuốn sách của mình: “Tôi cho rằng sự thật là điều tối quan trọng, và tôi cần tự mình trải nghiệm nhiều thứ”. Và những điều đã trải qua tạo ra một thay đổi, để ông vô tình trở thành một nhà bảo vệ môi trường.

“Tôi nhận ra dân số toàn cầu đang gia tăng, và nơi ở của động vật hoang dã dần biến mất, và con người đang tiêu tốn tài nguyên của trái đất ở tốc độ chóng mặt… Nó dần trở nên rõ ràng rằng con người đang bước vào một thời kỳ của những giới hạn – bởi chúng ta không thể tiếp tục sử dụng tài nguyên ở tốc độ như hiện nay nếu có mong muốn thế hệ sau còn một hành tinh để sống”, ông nhìn nhận.

Tin liên quan