Giữa Hà Nội hiện đại, ông Thành vẫn hàng ngày tay đe tay búa tạo tác ra những món trang sức thủ công tinh xảo.
Từ nhiều năm qua, tọa tại số 83 Hàng Bạc là căn nhà nhỏ sâu hun hút, giữa các cửa hàng khác với biển hiệu sáng trưng và sầm uất. Hầu như những vị khách lần đầu ghé chân đều thấy ngạc nhiên, bởi nó như chứa đựng một Hà Nội xưa cũ. Đó là cửa hàng chế tác trang sức truyền thống của gia đình ông Nguyễn Chí Thành, 71 tuổi.
Tiếng búa lục đục, tiếng mài kim loại ken két lẫn với tiếng nhạc xưa là những thanh âm quen thuộc ngày ngày phát ra tại cửa hàng của ông Thành. Đôi mắt chăm chú nhìn vào miếng vàng trắng nguyên bản, môi mím chặt, ông dùng thanh kim loại dài tỉ mẩn khắc từng chi tiết.
Trước mặt người thợ thủ công ấy treo một bóng đèn tròn, bên ngoài là nửa vỏ lon bia ông tự chế thành chụp đèn. Những vỏ lon bia là hộp đựng, cái bát sứt để chứa những đồ vụn vặt… Hầu hết đồ dùng được truyền từ đời này sang đời kia, các vật dụng hoen rỉ đã nhuốm màu thời gian. Chiếc bàn làm việc của ông chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.
“Bàn toàn đồ vớ vẩn, gỗ, sắt các thứ linh tinh chứ không có gì đặc biệt. Đây, cái bàn này là từ thời ông nội tôi, cha tôi dùng rồi truyền lại cho tôi. Kia là bàn từ thời cụ cố, gỗ đã mục, không dùng được nữa nhưng vẫn giữ lại. Đôi lúc du khách đến đây chỉ thích ngồi xem tôi làm, ngắm mấy đồ nghề tôi tự chế chứ cũng không mua gì”, ông chỉ vào các vật dụng cũ kĩ trên bàn và cười.
Ông ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ bằng gỗ, trước mặt là cái bàn con treo đủ thứ dụng cụ. “Ngồi ghế nhỏ, không đệm, không tựa cả ngày cũng đau lưng, nhưng vì đặc thù nghề thì phải dùng ghế này cho tiện. Còn phải hạn chế bật quạt, vì gió thổi bay vụn vàng và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”, ông chia sẻ.
Nói đoạn, ông với tay lấy chiếc thau sắt ngay dưới hộc bàn. Ông bảo: “Hứng mấy cái vụn vàng này, sau nấu lại làm các chi tiết nhỏ. Quý lắm!”.
Gia đình ông Thành là người gốc làng Định Công – gốc tổ nghề kim hoàn. Sau này, gia đình ông Thành chuyển về phố Hàng Bạc tiếp tục giữ nghề. Ông Thành hiện tại là thế hệ thứ tư của dòng họ tiếp nối với nghề này.
Đam mê với nghề chạm bạc đã có từ khi còn bé, mà ông đùa là “học trong bụng mẹ” khi nghe tiếng đục dũa của cha hàng ngày. “Từ 9 – 10 tuổi thấy nhà có sẵn đồ nghề tôi cứ ngồi nghịch, dần dần nghề vận vào người lúc nào không biết”, ông nói.
Những sản phẩm thủ công truyền thống thường mất thời gian tạo tác, đòi hỏi tính tỉ mỉ và có hồn riêng. Những chiếc vòng nhẫn đơn giản hơn thì tốn 1 ngày công, có loại ông phải mất 2 – 3 ngày mới hoàn thành. Vì vậy, chủ yếu ông nhận đơn đặt hàng của khách lẻ và không gấp gáp về thời gian.
“Làm nghề này phải kiên trì, muốn nhanh cũng không được”, ông Thành bày tỏ.
Để tạo ra một chiếc lắc bạc, người chế tác phải trải qua các công đoạn cơ bản như: nấu bạc 10 – 15 phút cho chảy ra; dùng búa đập dẹt, làm dài thanh bạc; uốn cong thành vòng bằng các đồ chuyên dụng; khắc họa tiết… Tất cả các công đoạn được thực hiện hoàn toàn bằng tay.
“Bạc công nghiệp như bây giờ thì có khuôn, đúc xong có chân, có chấu luôn. Còn tôi làm thủ công phải tự cắt từng thanh bạc nhỏ, rồi uốn, hàn… nhiều công đoạn lắm”, ông Thành chia sẻ. Ngoài ra, người thợ phải biết ước lượng nguyên liệu sao cho hợp lý. Theo ông, trang sức muốn đẹp phải tinh giản, không cần quá nhiều vàng, mà chỉ vừa đủ, sao cho thanh mảnh.
Mẫu mã có thể do ông tự sáng tạo, hoặc gia công theo yêu cầu của khách. “Thợ kim hoàn như tôi, mẫu nào cũng làm được. Cái hơn của đồ thủ công là chế tác được theo ý mình. Một số người mang trang sức đã cũ, hỏng đi hỏi nhiều nơi không nhận, đến đây tôi chữa được hết”, ông bộc bạch.
Hàng chục năm trong nghề, người nghệ nhân này thú thực ông không nhớ rõ mình tâm đắc nhất với đồ trang sức nào do mình tạo ra, bởi điều khiến ông tiếp tục giữ cái tâm với nghề chính là phản ứng của khách. “Vui nhất là khi trả một sản phẩm, nhìn vẻ mặt khách tươi cười ưng ý, tôi cũng vui theo”, ông Thành nói.
Ngoài khách hàng trong nước, cửa tiệm của ông Thành cũng thu hút nhiều khách ngoại quốc. Khách nước ngoài đến đặt hàng thường có mẫu sẵn, họ đưa ra ý tưởng hoặc cho ông chủ xem ảnh. “Khách nước ngoài họ quý mấy sản phẩm truyền thống thế này lắm. Tôi không nói được tiếng Anh, trước có con trai cùng làm rồi cùng nói chuyện, nhưng không có thì tôi nói chuyện bằng tay, bằng ngôn ngữ cơ thể. Khách vẫn hiểu bình thường”, ông tự hào.
Ông Thành chia sẻ, theo nghề chạm bạc không giàu: “Làm thợ mà, công chẳng đáng bao nhiêu, đi buôn vàng bạc còn kiếm được nhiều hơn”. Mỗi sản phẩm tính công chỉ khoảng vài trăm đến triệu đồng, tùy mức độ cầu kỳ.
Dù có nhiều khó khăn, ông luôn nghĩ rằng đây là nghề gia truyền, nếu để mai một thật đáng tiếc: “Nhà mình là nhà nghề, nếu để con cháu sau này muốn dùng một cái vòng bạc phải ra ngoài mua thì không được”.
Sinh ra trong gia đình có 7 người con, ông Thành là người duy nhất tiếp tục theo nghề kim hoàn. Thời ông còn trẻ, xã hội có nhiều thay đổi nên 6 anh chị em trong nhà phải chia nhau bươn chải nhiều nghề khác nhau. Ông Thành vẫn quyết thành thợ chạm bạc, giữ nghề cho cả dòng họ vì ông được cho là “khéo tay nhất nhà” và vốn yêu thích từ nhỏ.
Hiện con cháu ông Thành vẫn theo nghề. Con trai ông, sau thời gian ở Việt Nam, đã sang Thụy Điển và tiếp tục phát triển nghề kim hoàn truyền thống, còn cháu trai cũng đang phụ giúp ở cửa hàng.
Trước đây, cửa hàng rất đông khách, vào mùa cao điểm ông Thành ngày nào cũng luôn tay luôn chân đến 10 giờ đêm mới nghỉ. Bây giờ, chỉ sống một mình, cứ 6 giờ tối là ông đóng cửa.
“Già rồi, tôi cũng không có sức để làm nhiều như trước, cũng tiếc. Giờ nhìn cả phố Hàng Bạc này cũng chủ yếu các cửa hàng bán đồ mỹ nghệ công nghiệp chứ không phải thủ công, sản phẩm hầu như cũng giống nhau ở các cửa hàng”, ông bộc bạch.
Lớn lên tại phố Hàng Bạc, ông chứng kiến quá trình thay đổi và phát triển của phố cổ qua mấy chục năm. “Cái nghề thủ công mỹ nghệ của người Hà Nội, những nghề truyền thống làm bằng tay trên phố cổ đã và đang dần mất đi. Người mình đôi khi còn sính ngoại và không hiểu được giá trị của những sản phẩm, nên họ không quý”, người thợ già trăn trở.