(Nhiếp ảnh Hà Nội) Vĩnh Phúc là vùng đất cổ của Việt Nam, có bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời. Nơi đây có nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc; nhiều di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và giá trị tâm linh. Cách trung tâm Thành phố Vĩnh Yên chừng 25km, có Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo. Đường lên Tam Đảo khá thuận tiện, cách Hà Nội khoảng 80km. Tam Đảo là một vùng đất đẹp, núi non hùng vĩ, thơ mộng; quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ luôn là đề tài sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước.
Tam Đảo trong sương – Ảnh: Tuyết Minh
Nhà sáng tác Tam Đảo từ lâu đã là điểm đến đầy cảm hứng sáng tác quen thuộc không chỉ của giới văn nghệ sĩ mà còn địa chỉ lý tưởng được đông đảo du khách gần xa lựa chọn. Nhà Sáng tác nằm giữa vùng núi non hùng vĩ càng làm tăng thêm vẻ đẹp lãng mạn, hữu tình mà bất cứ ai đặt chân đến đây đều có những cung bậc cảm xúc khó quên.
Tháng 6/2023, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội mở Trại Sáng tác đa ngành tại Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc theo kế hoạch phân công của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian mở Trại từ ngày 10/6 đến 24/6/2023 có 15 văn nghệ sĩ thuộc các hội chuyên ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Văn học, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Múa, Văn nghệ dân gian tham dự. Lãnh đạo Hội Liên hiệp phân công Nhà văn Khang Sao Sáng, Hội Nhà văn Hà Nội làm Trưởng trại và TS. Nguyễn Thị Huế, Hội Văn nghệ Dân gian làm Phó Trưởng trại.
Sáng 10/6, chúng tôi khởi hành từ Hà Nội rất sớm và đến Tam Đảo giữa những ngày Hè nắng nóng. Ấy thế mà khi bước vào Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo, ai nấy đều cảm thấy dễ chịu, thư thái, tràn đầy cảm hứng trước sự đón tiếp thân thiện, cởi mở của Ban Giám đốc và cán bộ công nhân viên nơi đây. Sau màn chào hỏi, chúng tôi nhanh chóng nhận phòng. Được biết Nhà Sáng tác Tam Đảo có 50 phòng nghỉ, bố trí hài hòa với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ cán bộ nhân viên tận tình, chu đáo, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu lưu trú của giới văn nghệ sĩ cũng như nghỉ dưỡng của du khách. Không chỉ có thế, nơi đây còn có hội trường lớn với 200 chỗ ngồi, đủ để phục vụ cho các hoạt động của các trại sáng tác cũng như hội nghị, hội thảo.
Cũng sáng hôm đó, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo đã Khai mạc Trại Sáng tác Văn học Nghệ thuật năm 2023 tại hội trường Nhà Sáng tác Tam Đảo trong không khí trang trọng, phấn khởi. Tới dự Lễ Khai mạc có NSND Trần Quốc Chiêm, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; Phó Giám Đốc Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo Trần Vũ Trọng Hòa; Chánh Văn phòng Hội Đỗ Tiến Hữu cùng các đại biểu Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; Nhà báo Lý Uyên, Tạp chí Người Hà Nội và 15 anh chị em văn nghệ sĩ Hà Nội tham dự trại.
Vâng, từ trên ban công tòa Nhà Sáng tác Tam Đảo có thể nhìn bao quát toàn cảnh thị trấn Tam Đảo với những tòa biệt thự nhấp nhô trên các sườn đồi núi; nhà thờ cổ Tam Đảo, một trong những công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo nơi đây; đền Bà Chúa Thượng ngàn, chùa Vàng, hồ Xanh… tất cả tạo nên bức tranh khổng lồ sống động ẩn mình bên những hàng cây thông đan xen với những cây pơ mu. Không chỉ có thế, Tam Đảo còn rất bắt mắt bởi những vườn su su xanh mướt… và cũng rất thơ mộng bởi những dẫy núi trùng điệp lúc ẩn lúc hiện trong những đám mây bồng bềnh huyền ảo, thơ mộng. Khi thị trấn lên đèn, từ trên tầng gác Nhà Sáng tác Tam Đảo nhìn xuống trung tâm Tam Đảo như những ánh sao sa quyện mùi hương ngọc lan thoảng bay trong gió, phảng phất trong đêm thật lãng mạn, thật huyền diệu, hút hồn chúng tôi và du khách.
Khu du lịch Tam Đảo nằm trọn trong Vườn quốc gia Tam Đảo, có độ cao khoảng 900m đến 1.100m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình trong năm là 180C, rất lý tưởng cho giới văn nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu khoa học; cho du khách nghỉ dưỡng, du lịch… Nhà thờ đá Tam Đảo nổi tiếng, được xây dựng năm 1937 theo kiến trúc Pháp và cũng là công trình kiến trúc duy nhất còn lại trong các công trình thời Pháp thuộc. Tam Đảo không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác của giới văn nghệ sĩ mà còn điểm đến lý tưởng của các đôi uyên ương nam thanh nữ tú cùng du khách trong nước và quốc tế tới đây vãng cảnh, ngắm những khoảnh khắc đẹp, chụp những bức ảnh kỷ niệm một chuyến đi và những tấm ảnh cưới ấn tượng khó quên…
Nét xưa – Ảnh: Tuyết Minh
Nhưng hôm trời quang, từ Hà Nội cũng có thể nhìn thấy ba ngọn núi Tam Đảo bồng bềnh khi ẩn khi hiện trong mây thật huyền ảo, diệu kỳ chính là ba đỉnh Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Đỉnh Thiên Thị được coi là “Chợ Trời” bởi có nhiều tảng đá nhấp nhô như những người Trời đang họp chợ. Đỉnh cao thứ hai là Thạch Bàn có nghĩa là “Bàn đá” bởi trên đỉnh bằng phẳng như bàn cờ Tiên. Thứ ba là đỉnh Phù Nghĩa có ý nghĩa là “Giúp việc nghĩa… Đến với Tam Đảo là đến với thiên nhiên huyền ảo bởi cảnh mây vờn núi, núi ôm mây thật lãng mạn nên thơ với nhiều cung bậc cảm xúc.
Khí hậu Tam Đảo cũng thật đặc biệt và đỏng đảnh như thiếu nữ mới lớn. Trong ngày Tam Đảo có bốn mùa rõ rệt. Sáng tiết trời ẩm ướt, hơi sương hòa cùng những làn gió Xuân nhè nhẹ khiến muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm. Đến trưa ông mặt trời thả những tia nắng nóng bỏng xuống mặt đất khiến không khí nơi đây oi ả của ngày Hè. Về chiều tiết trời se se lạnh, lãng đãng gió heo may của mùa Thu, thoảng nghe tiếng suối róc rách vọng bên sườn núi càng lãng mạn. Khi màn đêm buông xuống, trời trở gió lạnh của mùa Đông. Khí hậu Tam Đảo đặc biệt vậy khiến Tam Đảo càng trở nên hấp dẫn, cuốn hút cả giới văn nghệ sĩ lẫn du khách trong nước và quốc tế.
Sáng 19/6, Trại Sáng tác chúng tôi tổ chức buổi sinh hoạt toàn trại để các trại viên trình bầy nhanh những tác phẩm sáng tác và đã hoàn thành tại đây. Buổi sinh hoạt kéo dài hơn ba giờ đồng hồ, rất sôi nổi, vui vẻ và hữu ích. Đến ngày bế mạc trại, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong đợt sáng tác lần này và tập trung nộp đầy đủ các tác phẩm của mình cho Trưởng trại gồm một tuyển tập thơ được hoàn thiện, chín tác phẩm thơ sáng tác mới; hai tập truyện ngắn, một tập truyện ký, một tập truyện thơ lục bát hơn 2000 câu; một kịch bản phim truyện; hai tác phẩm nghiên cứu văn nghệ dân gian; 11 tác phẩm nhiếp ảnh, 10 tác phẩm thơ sáng tác mới, một bài tản văn; sáu tác phẩm âm nhạc; một kịch bản phim tài liệu “Hà Nội 36 phố phường”; sáu tác phẩm hội họa; hai kịch bản sân khấu; một kịch bản múa, hai đề cương phê bình nghệ thuật múa…
Anh có trách nhiệm nộp lại các tác phẩm của anh chị em về Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội theo kế hoạch. Trong thời gian này, ngoài việc anh sáng tác các tác phẩm để nộp, Họa sĩ Trương Trọng Quyền đã ký họa chân dung các trại viên và tặng các anh chị em. Tất cả chúng tôi, ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Có lẽ đây cũng là một trong những điều ấn tượng trong chuyến đi lần này.
Lớp truyền dậy tiếng Sán Dìu – Ảnh: Tuyết Minh
Chúng tôi ở Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo hai tuần liền, được thưởng thức các món ăn nổi tiếng nơi đây như ngọn su su xào, măng vầu, lợn mán Tam Đảo, gà đồi, cá bống chiên giòn v.v… Thật ngạc nhiên dường như bữa nào cũng có các món mới, không bữa nào trùng nhau và rất ngon miệng. Trong suốt thời gian dự Trại Sáng tác ở đây, toàn thể anh chị em nghệ sĩ đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của Ban Giấm đốc, của cán bộ nhân viên Nhà Sáng tác Tam Đảo. Đoàn xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc cùng toàn thể anh chị em cán bộ nhân viên Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Tam Đảo.
Sáng 24/6, Trại Sáng tác Văn học Nghệ thuật báo cáo tổng kết và bế mạc Trại trong không khí vui vẻ, sôi nổi. Ai cũng muốn trình bầy các tác phẩm của mình. Vì thời gian có hạn nên chỉ có vài tiết mục với sự tham gia của Nhà văn Khang Sao Sáng, Vũ Thị Kim Liên; NS múa Đinh Mạnh Cường cùng phu nhân; các Nhạc sĩ Vũ Hùng, Trịnh Ngọc Tân, Nguyễn Thế Vinh và NSND Trần Quốc Chiêm.
Nửa tháng trôi qua thật nhanh với bao điều bổ ích, với những kỷ niệm khó quên. Thông qua Trại Sáng tác lần này càng làm tăng thêm mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các hội viên của các hội chuyên ngành. Ngoài các Trại Sáng tác của các hội chuyên ngành, có Trại Sáng tác đa ngành như thế này giúp cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hiểu nhau hơn và cùng nhau sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị, góp phần vào nền văn học nghệ thuật nước nhà. Hy vọng rằng các trại sáng tác văn học nghệ thuật luôn được duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa.
Bài: NSNA Tuyết Minh
Ảnh: Anh chị em trại viên