(Khám phá) Giữa các ngọn núi ở Himalaya phía đông Nepal, những người đàn ông Kulung kiếm sống bằng nghề treo mình lơ lửng trên không săn mật ong rừng.
Theo chân cây bút Mark Synnott và nhiếp ảnh gia Reman Ozturk của tờ National Geographic, vùng đất của những thợ trèo núi săn mật ong cuối cùng ở nơi thâm sơn cùng cốc của Nepal hiện ra rõ nét.
Một người đàn ông lặng lẽ bám tay vào sợi dây mây được bện thành chiếc thang để leo lên vách núi dốc đứng. Đợi ông phía trên kia, nơi hốc đá nằm lưng chừng núi là tổ ong rừng Himalaya với những tảng sáp ong đầy mật và vàng ruộm. Ảnh: NatGeo.
Treo người hàng chục mét trong không trung, Mauli Dhan cố bám vào sợi dây mây. Ông leo lên hốc đá nơi hàng nghìn con ong rừng Himalaya khổng lồ làm tổ. Chỉ cần trượt tay ông có thể mất mạng vì vực sâu bên dưới, còn bên trên là đàn ong điên cuồng chống trả.
Với mức giá 60 – 80 USD cho nửa kg, mật ong rừng Himalaya bán ở thị trường chợ đen châu Á cao gấp 6 lần loại mật ong thông thường ở Nepal. Mức giá này khiến những người nghèo như Mauli liều mạng trèo cao để thu hoạch.
Thành quả thu hoạch sau một ngày làm việc vất vả là những tảng mật ong rừng nặng ký. Ảnh: NatGeo.
Với Mauli, việc săn mật ong trên vách núi là cách duy nhất để ông kiếm tiền trang trải cho việc mua những nhu yếu phẩm như muối và dầu ăn. Mauli cho biết ông là một trong những người cuối cùng làm công việc nguy hiểm này. “Nếu việc này cứ tiếp tục, nền văn hoá của chúng tôi sẽ biến mất”, Mauli nói.
Năm nay 57 tuổi, lứa tuổi gần về già nên sức nắm tay của ông không còn chắc để bám dây leo lên. Xung quanh lũ ong không ngừng chích khắp mặt để chống trả kẻ xâm nhập lãnh địa. Tuy nhiên bất chấp đau đớn, nguy hiểm, Mauli vẫn tiến lên theo từng nấc thang dây leo lên tiếp cận hốc đá.
Những người làm nghề như Mauli giờ không còn nhiều nữa. Ảnh: NatGeo.
Mật ong Himalaya có nhiều loại, tuỳ thuộc vào từng mùa và loài hoa mà ong ở khu vực này lấy mật. Những người liều mình leo vách núi là người Kulung sống ở phía đông Nepal, tộc người đã có truyền thống trong nhiều thế kỷ dùng mật ong rừng làm sirô trị ho và chất khử trùng. Trong khi đó, sáp ong họ thu hoạch được bán “cháy hàng” ở thủ đô Kathmandu để làm cốt mẫu đúc đồng, đúc nên tượng của các vị thần.
Những năm gần đây, thị trường săn mật ong rừng Himalaya bùng nổ với Kathmandu là điểm trung chuyển, mua bán chính yếu. Từ đây mật ong được chuyển đến những thị trường như Hàn Quốc, nơi người ta cho rằng mật ong Himalaya giúp họ sung sức trong chuyện phòng the.