Về đất Lam Kinh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Đầu tháng 11/2018, đoàn Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XII chúng tôi do NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn về đất Lam Kinh, nơi bắt đầu dựng nghiệp của Nhà Lê – Khu di tích Lam Kinh để tham quan, học tập. Mặc dù mới chỉ hoạt động được gần nửa năm, đây đã là chuyến đi thực tế thứ II của Ban Chấp hành khóa XII, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đoàn chúng tôi tới Sầm Sơn vào một ngày Thu nắng đẹp và tận hưởng những khoảnh khắc đẹp theo cảm xúc của riêng mình.

Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi tham quan khu di tích Lam Kinh. Nữ hướng dẫn viên địa phương có giọng nói rất truyền cảm khiến chúng tôi ai nấy đều chăm chú lắng nghe như chưa bao giờ đặt chân tới đây. Được biết Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu; phía Nam hướng ra sông Chu, trước mặt là núi Chúa, bên phải là núi Hương, bên trái là rừng Phú Lâm; phía Tây được chắn bởi núi Hàm Rồng. Khu Hoàng thành, Cung điện, Thái miếu đều được xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một gò đồi hình chữ Vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, chiều ngang 254m. Phía Bắc tường thành được xây hình cánh cung dày 01m, bán kính 164m.

Cố đô Lam Kinh hay còn gọi là Lam Sơn, mảnh đất địa linh nhân kiệt, đất sinh Vương: Tiền Lê, Hậu Lê mà người dân xứ Thanh vẫn luôn tự hào. Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 50 km về phía Tây Bắc. Lam Sơn sinh ra vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi bắt nguồn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ XV.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày ấy, một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Sau 10 năm từ 1418 – 1428, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Ông đóng đô ở Đông Kinh hay còn gọi là Thăng Long, lấy niên hiệu Thuận Thiên năm 1428. Ông đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài 360 năm. Năm 1430, Vua Lê Thái Tổ đổi Lam Sơn thành Tây Kinh hay còn gọi là Lam Kinh. Năm 1433, Vua Lê Thái Tổ băng hà, được đưa về quê và an táng tại Vĩnh Lăng.

Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, ông bà, nhà Lê đã cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô lớn ở đất Lam Sơn. Từ đó Lam Sơn được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt. Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu lăng – Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên – Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao, mẹ Vua Lê Thánh Tông; Chiêu Lăng – Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng – Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng – Lăng vua Lê Túc Tông; Đền Lê Lai. Từ đó, Lam Kinh trở thành khu Sơn lăng. Các vua đời sau tiếp tục cho xây dựng điện Lam Kinh… Dần dần điện Lam Kinh được mở rộng theo thời gian về quy mô to lớn và bề thế như ngày nay. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hoá tâm linh không chỉ của nhân dân Thanh Hoá mà của cả dân tộc Việt Nam. Khu di tích lịch sử Lam Kinh gồm thái miếu, hành cung và những lăng mộ của các vị Vua thời Hậu Lê.

Chúng tôi còn được nghe chuyện kể về lá rau cải in hình Quốc ấn. Ngày ấy vợ Lê Lợi đang làm vườn đột nhiên nhìn thấy quả ấn vàng có chữ Lê Lợi. Chuyện về cô gái áo trắng nằm chết bên sông, hóa hồ ly đánh lạc hướng, kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp. Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi Hoàng bào, liều mình cứu chúa. Chuyện về nhà sư mách Lê Lợi táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Rồi chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng. Ông theo Lê Lợi tung hoành trận mạc suốt 10 năm trời. Sau khi đất nước yên bình, Vua Lê Lợi trả lại gươm thần cho Rùa vàng làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Thủ đô Hà Nội v.v…

Vì thế mà hàng năm cứ vào ngày giỗ Vua Lê Lợi (22/8/1433 âm lịch), người dân Thanh Hóa lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Lam Kinh rất tôn nghiêm, trang trọng. Tiếng cồng chiêng âm vang khắp rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa Rồng uyển chuyển bay lượn… Các trò chơi như dựng cây nêu, ném còn, hát trò Xuân Phả… náo nức lòng người.

Lam Kinh không chỉ nổi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; thánh địa uy linh của vương triều Hậu Lê mà còn là khu di tích chứa đựng biết bao điều huyền bí không thể giải đáp về các loài cây kỳ lạ khiến du khách không khỏi bất ngờ. Đó là những câu chuyện kỳ bí về cây ổi biết cười, cây lim tự hiến thân và chuyện tình cây đa thị v.v…

Nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ, có ây ổi gần trăm năm tuổi, thế Rồng chầu xum xuê do người dân cúng tiến. Cây ổi năm nào cũng ra quả thơm ngon và thường được hái dâng lên mộ Vua. Năm 2001, lần đầu tiên người ta phát hiện ra cây ổi “biết cười”. Từ đó đến nay, mỗi khi có người khẽ gãi nhẹ lên cành cây lập tức những chiếc lá ổi nhè nhẹ đung đưa khiến ai tới đây cũng đều muốn thử. Nếu có ai cù vào gần gốc cây, tất cả lá trên cây đều rung lên như muốn trò chuyện và cười đùa vui vẻ cùng du khách. Tôi cũng tò mò đặt tay lên cành ổi, từ từ nhắm mắt lại, một cảm giác lâng lâng khó tả trào dâng lên trong tôi. Tôi thầm cầu mong cho đất nước an bình, người người mạnh khỏe, gia đình yên vui; cầu mong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội chúng tôi luôn thương yêu, giúp đỡ, đoàn kết và cùng nhau phát triển Hội Liên hiệp ngày càng lớn mạnh, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp nói riêng và cả nước nói chung.

Vâng, với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử và sự hà khắc của thiên nhiên, ngày nay Lam Kinh không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, Lam Kinh hiện vẫn còn khá nguyên vẹn giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Chính điện, 9 tòa Thái Miếu chứng minh rằng nơi đây đã từng tồn tại một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam. Về Lam Kinh, nhìn những dấu tích còn lại là minh chứng sinh động cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mọi người trong đoàn chúng tôi ai cũng phấn chấn, vui vẻ và đầy tự hào là con dân Việt Nam.

Mặc dù các công trình kiến trúc như xưa không còn nhiều, nhưng ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh và với lòng thành kính tôn vinh các vua triều Hậu Lê đã có công lao to lớn với đất nước, năm 1962, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp Quốc gia. Về với Lam Kinh, vùng đất địa linh nhân kiệt, được sống trong không gian lịch sử và nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến biết bao chuyện lạ, lòng người như ngược dòng về quá khứ, tưởng nhớ đến một thời hào hùng, lừng danh của hoàng tộc triều Lê. Lam Kinh luôn mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Đoàn Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XII – ảnh: NSNA Đào Quang Minh

Có thể nói chuyến đi tham quan, học tập lần này do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức thật vui và bổ ích. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà mọi người trong đoàn đều nhớ mãi không quên một vùng Kinh đô xưa chứa đựng một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Và cả cái buổi tối hôm đó thật ấm áp, thật ấn tượng khiến chúng tôi nhớ mãi. Sau khi đi tham quan, học tập về, chúng tôi ăn tối xong, NSND Hà Bắc rủ chúng tôi: NSUT Thanh Loan, nhà văn Y Ban, họa sĩ Nguyễn Văn Chuốt, nghệ sĩ múa Thế Chiến và tôi tới phòng NSND Trần Quốc Chiêm uống trà và trò chuyện. Lúc đầu chỉ có vài người ngồi hàn huyên với nhau, dần dà lại có thêm họa sĩ Nguyễn Xuân Thủy, NSND Thanh Trầm, đạo diễn Đào Duy Phúc, Phó Chánh văn phòng Phùng Vân Nga… và cứ thế chẳng mấy chốc gian phòng đã trở nên nhỏ bé, chật hẹp.

Thế rồi nhà văn Y Ban cất cao giọng ca trong trẻo, hồn nhiên, rất có sức cuốn hút người nghe. Không chỉ có thế, chị còn kể chuyện rất duyên và rất hấp dẫn. Tiếp theo là nghệ sĩ múa Thế Chiến, anh có giọng ca sâu ấm, ngọt ngào, trầm lắng hút hồn người nghe. Chúng tôi vừa nghe hát vừa trò chuyện tâm sự đan xen để sẻ chia, để hiểu nhau hơn. Cao hứng, NSND Trần Quốc Chiêm cũng cất cao giọng ca. Giọng ca của anh thì khỏi phải nói, anh được sở hữu một chất giọng trời phú. Giọng hát của anh mượt mà, đằm thắm, truyền cảm, tinh tế và đầy mê hoặc. Vâng, tôi đã được nghe anh hát nhiều rồi nhưng đây là lần đầu được nghe anh hát trực tiếp không qua micro, không nhạc đệm… Trong gian phòng nhỏ, không gian lắng đọng, giọng hát của anh du dương, trầm bổng khiến chúng tôi ngồi nghe đến lặng người. Cứ thế, các anh chị em thay phiên nhau hát, kể cho nhau nghe chuyện về mình, về gia đình, hàn huyên giãi bày tâm sự cho tới khuya. Tất cả những điều đó đã làm nên một buổi tối ấm áp, chân thành và đầy ý nghĩa.

Vâng, chuyến đi tham quan, học tập lần này của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thật ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi gần gũi, cảm thông và hiểu nhau hơn. Một chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm đẹp khó quên cùng vẻ đẹp lạ lùng, quyến rũ với giá trị văn hóa tâm linh nơi đây đã, đang và mãi in đậm trong các văn nghệ sĩ Hà Nội chúng tôi. Những hình ảnh ấy đã góp phần làm nên chuyến đi thực tế lần này thật đáng nhớ và rất hữu ích.

Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan