Vì sao tháp nước Hàng Đậu chưa được xếp hạng di tích?

Tháp nước Hàng Đậu gần 130 tuổi nhưng không được xếp hạng di tích do luật chưa có quy định về di sản công nghiệp, theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao.

Sáng 17/11, tháp nước Hàng Đậu, quận Ba Đình, được các họa sĩ sáng tạo thành không gian nghệ thuật, lần đầu tiên mở cửa cho người dân tham quan.

Tháp nước Hàng Đậu được người Pháp xây dựng năm 1894 cùng với tháp Đồn Thủy, là công trình kiến trúc cổ của Hà Nội. Tháp cung cấp nước sạch cho người dân phố cổ. Nước từ nhà máy nước Yên Phụ đưa lên tháp để phân phối theo ống đi các phố. Đến năm 1960, công trình đóng cửa và bị bỏ hoang thời gian dài.

Bốt Hàng Đậu nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Giang Huy

Bốt Hàng Đậu nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Giang Huy

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết tháp nước Hàng Đậu được các chuyên gia, những người yêu Hà Nội coi là một trong những di sản công nghiệp quý giá cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Nhưng luật chưa có nội dung quy định “di sản công nghiệp” nên công trình hiện vẫn là tài sản của Tổng công ty Nước sạch Hà Nội và chưa được xếp hạng di tích.

“Di sản công nghiệp có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của Thủ đô nên thành phố có thể vận động sửa luật, nghị định, thông tư liên quan để khai thác tốt hơn”, ông Hồng nói, cho biết Sở sẽ đề xuất thành phố xây dựng cơ chế giữ gìn tài sản công có giá trị văn hóa, thu hút du khách tham quan như tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Quận Ba Đình đã có văn bản gửi UBND thành phố kiến nghị được giao quản lý tháp nước thay Tổng công ty Nước sạch Hà Nội.

Hành khách chờ đợi tham quan bên trong Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Anh Duy

Người dân Hà Nội chờ đợi tham quan bên trong Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Anh Duy

Vấn đề di sản công nghiệp được nêu ra năm 2022 khi TP Hà Nội thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn, trong đó có nhiều cơ sở công nghiệp. Một số chuyên gia cho rằng sự phát triển nóng ở các đô thị những năm vừa qua đã xóa sổ nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp thời kỳ đầu có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế (thông qua khai thác tham quan, du lịch).

Di sản công nghiệp của Hà Nội là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là minh chứng một giai đoạn khó khăn của đất nước cũng như Hà Nội.

Do vậy, một số chuyên gia đề nghị thể chế hóa khái niệm di sản công nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Di sản văn hóa hay Luật Kiến trúc để có cơ sở pháp lý bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình mang tính lịch sử này.

Ống nước bên trong tháp. Ảnh: Anh Duy

Ống nước bên trong tháp. Ảnh: Anh Duy

Nghệ thuật trưng bày sắp đặt tại tháp nước Hàng Đậu là một trong các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (từ ngày 17/11 đến 31/12) do UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì.

Ngoài vị trí này, nhóm kiến trúc sư, họa sĩ còn giới thiệu không gian nghệ thuật tại các công trình, di tích lịch sử như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên, cầu Long Biên trong dịp lễ hội.

Tin liên quan