NSNA Phạm Thành – “ông vua” kỹ thụât buồng tối, phòng sáng

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Nói đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Thành, giới nhiếp ảnh nghệ thuật cả nước đều biết – ông là cán bộ cựu trào của Ban Sáng tác Triển lãm Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vviệt Nam. Đặc biệt là những người cầm máy ở miền Bắc, và gần hơn nữa là các tỉnh xung quanh Hà Nội, rồi giới nhiếp ảnh thủ đô…

wpham Thanh

NSNA Phạm Thành

Bởi lẽ với họ, ông còn là người “bà đỡ” mát tay góp phần làm cho những tấm ảnh của họ, qua bàn tay chăm chút của ông, đặc biệt là ảnh đen trắng, để đem dự thi trong nước và quốc tế đạt nhiều giải thưởng, có những tấm ảnh trong số đó trở thành tác phẩm trường tồn qua năm tháng. Ông còn là người thầy tham gia giảng dạy nhiều lớp, nhiều khóa nhiếp ảnh do NSNA Nguyễn Nhưng mở ở Hà Tây và Phạm Huy Lượng mở ở Ninh Bình. Nhiều nhà nhiếp ảnh, nhiều lớp thợ từng được ông truyền nghề về kỹ thuật buồng tối, phóng ảnh đen trắng bằng phương pháp thủ công.

Phạm Thành xuất thân là nông dân, từng đi ở cho nhà giầu suốt 3 năm thời niên thiếu, từng đi cày thuê cuốc mướn thời trai trẻ. Có điều may mắn, ông là người con của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá – Kim Chung, Hòai Đức, Hà Tây. Cụ thân sinh ra Phạm Thành là Phạm Văn Giai nghệ nhân đầu đàn của làng Lai Xá, người học trò cưng của ông tổ làng nghề nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. Chẳng may cụ mất sớm, Phạm Thành chưa kịp học được nghề “cha truyền” đã phải đi cày ruộng để kiếm cơm. Tận năm 19 tuổi, ông mới ra Hà Nội xin vào học việc ở hiệu ảnh Thủ đô, số 40 phố Hàng Bông. Mãi sau này, Phạm Thành vẫn nhớ như in câu nói của mẹ ông: “Cố gắng học lấy một nghề cho giỏi để lấy tiền sinh sống, sau này nuôi vợ, nuôi con!”. Lời khuyên nhủ của người mẹ luôn luôn là điều ông tâm niệm hàng ngày. Ông miệt mài học hỏi để nắm vững kỹ thuật nghề ảnh. Lại được hai người chú ruột chủ hiệu ảnh là ông Phạm Văn Tửu và Phạm Văn Cầm tận tình chỉ bảo nên nhanh chóng trở thành một thợ ảnh lành nghề trong tất cả các khâu từ chụp ảnh, tráng phim cho đến lúc làm ra tấm ảnh hoàn chỉnh ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước.

…. Ngày ấy và cả cho đến trước những năm cuối của thế kỷ XX, khi khoa học kỹ thuật làm ảnh chưa phát triển, chưa có phim màu, giấy làm ảnh màu, và dù sau này tuy có nhưng phần mềm ứng dụng kỹ thuật photoshop chưa được du nhập vào Việt Nam, việc tráng phim, làm ảnh, phóng ảnh, đặc biệt là ảnh đen trắng vẫn là thủ công và chấm sửa, tô màu cũng lại là thủ công. Đôi bàn tay thợ ngày ấy là yếu tố góp phần quyết định rất lớn cho sự ra đời của một tấm ảnh. Ngay từ khâu đầu tiên, tráng phim, cũng phải biết lúc người chụp, ánh sáng thế nào, để còn pha thuốc. Hóa chất là cố định nhưng công thức pha chế, kê đơn gia giảm ra sao lại là do con người quyết định. Tráng phim, phóng ảnh thủ công phải che chắn thế nào… đấy chính là thể hiện trình độ của kỹ thuật buồng tối. Rồi khi chấm sửa ảnh thế nào, để giải quyết vết bụi, vết xước, những tàn hương, trứng cá, những vết nhăn, vết loang trên mặt… nhưng vẫn giữ được nét riêng, giữ được cái hồn của ảnh, đó là cả một nghệ thuật của đôi bàn tay chứ đâu có phải là “nhấp chuột” để xử lý kỹ thuật qua màn hình vi tính như bây giờ. Có NSNA trước khi gửi tác phẩm dự thi quốc tế đã yêu cầu không được can thiệp kỹ thuật, nghệ sĩ Phạm Thành chỉ chấm sửa thủ công mà không dễ gì có thể phát hiện.

wNSNA Pham Thanh (nguoi Lai Xa) gioi thieu may anh co - Duc Can (1)

NSNA Phạm Thành giới thiệu máy ảnh cổ – ảnh: Đức Căn

Năm 1968, ông Phạm Thành được mời về công tác tại Ban Sáng tác Triển lãm Hội NSNA Việt Nam đặc trách làm “Buồng tối kỹ thuật ảnh đen trắng”. Thời chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đến phim do Phan Thoan chụp ở Quảng Bình cũng được đem ra Hà Nội để Phạm Thành phóng ảnh, đó là tác phẩm “O du kích nhỏ”, rồi “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo cũng vậy, và qua bàn tay Phạm Thành làm ra hàng trăm, hàng ngàn tấm ảnh để in trên báo chí và đem đi quốc tế làm công tác đối ngoại, tuyên truyền. Rồi “Nữ dân quân” của Nguyễn Đình Ưu, “Cảnh giác” của Mai Nam, “Sự trừng phạt đích đáng” của Quang Văn cũng thế… những tấm phim này đều qua bàn tay Phạm Thành để làm ra những tấm ảnh mà phần lớn chủ nhân của nó, những người chụp đã tin tưởng trao phim cho ông. Phạm Thành đã góp phần nâng cao mỹ thuật của tác phẩm ảnh đó và những năm vừa qua, đa số những tác giả trong số này được nhận giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, bởi chính từ những tác phẩm nhiếp ảnh trên. Có thể nói nhiều bức ảnh đen trắng của một thế hệ NSNA có tên tuổi của miền Bắc trước đây như Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Đỗ Huân, Lê Vượng, Nguyễn Nhưng, Xuân Liễu… đều qua bàn tay chăm chút của nghệ sĩ Phạm Thành để được trường tồn với thời gian. Từ ngày ấy, giới nhiếp ảnh đã tôn vinh ông là cây đại thụ số một ở miền Bắc về kỹ thuật buồng tối ảnh đen trắng. Người ta trân trọng, khâm phục còn vì ông trưởng thành từ một thanh niên học nghề, không có trường lớp, không bài bản. Chỉ là học chân truyền, học lỏm, học mẹo mà trở thành người thợ tài hoa. Ông xứng đáng là người kế thừa xuất sắc truyền thống quê hương làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá.

Năm 2006, vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến và 62 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban liên lạc chiến sỹ quyết tử Liên khu II Hà Nội – Trung đoàn Thủ đô chọn lọc 145 ảnh từ 500 bức ảnh sưu tầm được để chuẩn bị làm triển lãm. Trải qua hơn nửa thế kỷ, các bức ảnh đã quá cũ, ố vàng, hư hỏng nhiều, có ảnh không rõ mặt người, có ảnh lại quá nhỏ, chỉ là cỡ 3 x 4 cm. Ban tổ chức đã tìm đến, đề nghị nghệ sĩ Phạm Thành và được ông phục chế, bằng cách phóng ra nhiều lần, thí dụ như ra cỡ 9 x 12 cm rồi mới ra 30 x 45 cm đúng với nguyên mẫu, sinh động… bởi nghệ sĩ Phạm Thành đã thay đổi công thức pha chế hóa chất khác nhau, kỳ công dùng kỹ xảo kỹ thuật bậc thầy để nâng cấp ảnh đen trắng cũ.

Không chỉ là người thợ – mà lại là thợ bậc thầy, ông Phạm Thành còn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam từ năm 1978. Nghệ sĩ Phạm Thành từng có tác phẩm “Rau đầu mùa” giải thưởng ảnh nghệ thuật Liên Xô năm 1970; “Trong phòng thí nghiệm” giải thưởng Biphôta CHCD Đức 1971; “Trên công trường thủy nông Bắc Hưng Hải” giải thưởng ảnh nghệ thuật ở Hunggari… và một số ảnh trưng bày triển lãm trong nước.

Không chỉ lớp hậu sinh mà nhiều nhà nhiếp ảnh cùng thời với Phạm Thành coi ông là người có đôi “bàn tay vàng”, người khác lại tôn vinh nghệ sĩ Phạm Thành là “ông vua” kỹ thụât buồng tối. Đã ngoài tám mươi, nhưng ông rất nhanh nhẹn, với dáng vẻ hào hoa sẵn có, nụ cười hồ hởi, ông nắm chặt tay người gặp, hỏi thăm dạo này có đi chụp ảnh ở đâu không, viết được gì mới không. Tính ông là thế. Luôn quan tâm đến đồng nghiệp, bạn bè thân quen. Đi đến đâu, đặc biệt là những triển lãm ảnh, trông thấy nghệ sĩ Phạm Thành, nhiều người các thế hệ tuổi tác khác nhau tỏ vẻ ngưỡng mộ và kính cẩn chào, gọi ông là “Thầy”, bởi ông chính là người thầy dạy, người truyền nghề nhiệt tình cho nhiều thế hệ kế tiếp.

Với công lao cống hiến cho nhiếp ảnh, ông Phạm Thành từng được tặng thưởng Kỷ niệm chương vì vự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Ông cũng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Bài:  NSNA Ngọc Phan

Tin liên quan