“Tình khúc mùa trăng” của Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Đông Lĩnh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Tập thơ tình của Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Đông Lĩnh “Tình khúc mùa trăng” gồm 89 trang với 85 bài thơ in năm 2028 tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Đọc “Tình khúc mùa trăng” ta thấy có hai khoảng trời, hai đám mây mang màu ngũ sắc giao thoa nhau. Đó là miền riêng của Nhà thơ “Mùa cũ; Bóng dáng xưa; Mùa Thu không em; Thần giao cách cảm; Nợ v.v… hay nói cách khác là miền thơ tình và miền còn lại là những hoài niệm, cảnh sắc thiên nhiên, viết cho bạn bè…

Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Đông Lĩnh

Mảng thơ tình chiếm tới 2/3 bài trong tập thơ. Tôi càng đọc càng say với những bản tình thơ của Nhà thơ Đông Lĩnh, do vậy tôi giới thiệu mảng thơ này. Cách đây hơn 200 trăm năm, Kim Trọng tương tư Thúy Kiều và bày tỏ tâm trạng “Thầm yêu trộm nhớ bấy lâu đã chồn”, còn Nhà thơ Đông Lĩnh bắn tín hiệu tình yêu nhạy cảm khơi thông từ cái nhìn tình tế về tâm lý gây ấn tượng ban đầu trong lần gặp mặt giao lưu thơ: “Gặp nhau trên những vần thơ Thế rồi lòng cứ ngẩn ngơ với lòng” (Tặng người bông hoa dại). Những vần thơ của ông đầy chất triết lý về tình yêu muôn thuở. Đó là những khao khát chân thành, gửi nỗi niềm về phía bên kia người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, duyên dáng, thơ hay nhưng không có lời đáp.

Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Times City – Park Hill Đào Nam Sơn Phát biểu

Vậy là tiếng vọng tự tình gửi nơi ngọn gió, thâm trầm trong xao xuyến và Nhà thơ đã nhận ra: “Tỉnh rồi một giấc chiêm bao Kiếp sau xin chớ lọt vào cõi mơ” (Lời nguyền cho kiếp sau). Khát vọng tình yêu là vô biên, tuyệt đỉnh, nhưng hành trình đến với khát vọng ấy luôn gặp phải giới hạn và rào cản, nhưng Nhà thơ không bỏ cuộc: “Một mình anh thui thủi dưới mưa Vai thấm lạnh mà em chẳng tới” (Thần giao cách cảm); Ngẩn ngơ hồn lạc miền vô vọng Món nợ thôi đành trả gió mưa (Nợ). Không chỉ là lời thể hiện thế giới nhớ nhung, mà là lời trách móc như những câu hỏi xoáy vào tâm trạng Nhà thơ “thui thủi”, “vô vọng”, “món nợ”. Từ xưa đến nay, trong chuyện tình cảm, người con trai phải đến với người con gái. Đằng này người con gái đâu biết có người yêu mình đến thế mà Nhà thơ lại than, lại trách. Nhưng chính đây là chỗ hay của thơ ông. Lời than của Nhà thơ bên ngoài thì vô lý, nhưng đọc lên ai cũng cảm thông vì đó là thể hiện cái “tôi” nhút nhát, chân quê, không dám nói thật lòng mình và tình cảm sâu đậm của Nhà thơ qua không gian và thời gian mà rõ nhất là thay đổi về không gian. Tất cả những gì thuộc về thế giới của người yêu đối với Nhà thơ đều rất gần gũi, gần gũi đến mức không còn khoảng cách. Thế mà: “Đã mấy mùa qua em có nhớ Những chiều lặng lẽ ngắm mây trời Đường quen in bóng bờ vai tựa Quên cả trăng non gọi cuối trời” (Mùa cũ). Không ồn ào mà dịu êm, không dữ dội mà lặng lẽ, không mãnh liệt mà chân thành như tình yêu của người bình dân trong câu ca dao. Nhà thơ đưa người đẹp đang yêu thầm trộm nhớ đến lối đi quen thuộc và đứng chờ đến nỗi quên cả trăng lên, cứ ngóng trông hình bóng người đẹp bao nhiêu lần Nhà thơ cũng không nhớ nữa. “Vấn vương nỗi nhớ bao mùa cũ Ngập lá vàng rơi chắn lối về Lặng lẽ em đi lòng nặng trĩu Mình ta với bóng níu hàng me” (Mùa cũ).

Nhà giáo, Nhà thơ Đào Duy Tân Bình luận tập thơ “Tình khúc mùa trăng”

Lời thơ buồn quá, không khác gì nỗi đau của Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ: “Một trời quan tái”. Có ai yêu mà không từng chờ đợi nhau, trên những con phố dài, trong những buổi chiều tàn khuất bóng hoàng hôn, trong những xao động của dòng đời, trong những bình yên của nỗi nhớ. Thật là xót xa “Lặng lẽ em đi lòng nặng trĩu” và “Ngắm nhìn em bước về phương ấy Ta bóng và cây đứng cháy lòng”; Gần gũi như thế mà sao vẫn xa cách là vậy và đã mất tất cả, trái tim của người đẹp đã dành cho người khác rồi, sao lại không buồn, không bâng khuâng chứ, nhưng Nhà thơ vẫn chờ, vẫn đợi trong tâm trạng luôn hướng nhìn về “lối em đi”.

Toàn cảnh buổi ra mắt tập thơ “Tình khúc mùa trăng”

Tình yêu trong thơ của nhà thơ Đông Lĩnh sâu lắng và không kém phần da diết đã dệt nên “Tình khúc mùa trăng”. Không gian tình yêu trong thơ ông không trải dài vô tận, không phiêu bạt ở bến bờ xa lắc, một không gian gần gũi, không gian quen thuộc. Ông không tả nhiều về gió, mưa, hoa, lá, bến đò, cây đa… nhưng ở những tình tiết ấy, ông gửi vào đó thế giới nội tâm đa chiều. Thơ Đông Lĩnh thật là lãng mạn và trữ tình. Lãng mạn là buồn, cái buồn ấy lớn đến nỗi nhiều lúc không nhận ra nguyên cớ. Tính lãng mạn trong thơ Đông Lĩnh làm cho ngôn ngữ cứ tự nó đến với cảm xúc của ông. Chính thứ ngôn ngữ ấy nhận ra cảm xúc có thật về những điều rất thật.

Ảnh: Nhà giáo, Nhà thơ Hoàng Đức Diên 

Thơ Đông Lĩnh không chỉ mới mẻ về cách dùng từ, cách đặt câu, cách sử dụng các hình ảnh một cách hài hòa, sinh động mà còn mới ở cái cảm xúc mang đến cho người đọc. Thơ ông với những ngôn ngôn từ đẹp, khúc chiết và hình ảnh thơ đẹp làm cho bài thơ hay và dễ gần gũi, dễ trao nhau, dễ đi vào lòng người đọc. Tôi rất ngưỡng mộ thơ anh, một người thông minh, tài năng, đức độ và có một tâm hồn nhân văn.

Trân trọng giới thiệu vài hình ảnh trong buổi ra mắt tập thơ “Tình khúc mùa trăng” của Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Đông Lĩnh:

Ảnh: Nhà giáo, Nhà thơ Hoàng Đức Diên 

Bài: Nhà thơ Đào Duy Tân

Ảnh: Nhà giáo, NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan