NSNA Lê Vượng với Giải thưởng Lớn “Vì tình yêu Hà Nội”

(Nhiếp ảnh Hà Nội) NSNA Lê Vượng sinh năm 1918, trong gia đình “con nhà quan” triều Nguyễn. Do ảnh hưởng nhiều của nền giáo dục Pháp nên ông có một phong thái rất sang trọng, lịch lãm theo kiểu Tây. Tôi được biết ông trong những năm 90 của thế kỷ 20. Ông rất trọng thị, thoải mái và luôn nở nụ cười rạng rỡ, tạo cảm giác chân tình, cởi mở, thân thiện cho người đối thoại.

DSC1915hjfhjfkifr_2

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giải thưởng Lớn Vì tình yêu Hà Nội cho NSNA Lê Vượng

Ho-Guom-Custom

Một góc Hồ Gươm

Ông cho biết: “Lần đầu tôi cầm máy năm 1936, khi ấy tôi 18 tuổi. Thời đó, chiếc máy ảnh trị giá lắm, có thể mua được cả mảnh đất ở Hà Nội. Tuy nhiên tôi vẫn quyết định mua máy ảnh để chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương”. Với chiếc máy ảnh, Lê Vượng lang thang khắp Hà Nội để ghi lại cuộc sống đời thường, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô. Sau những thăng trầm lịch sử, đến năm 1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập. Lê Vượng là một trong những cán bộ đầu tiên của Bảo tàng. Nhiệm vụ của Lê Vượng là đi chụp ảnh, ghi tư liệu về kiến trúc cổ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong suốt những năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông đã lao động miệt mài và tạo ra khối lượng tác phẩm ảnh đồ sộ với hàng vạn cuộn phim tư liệu. Hiện nay và mãi về sau, những tư liệu ảnh vô giá vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng như một di sản của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông không chỉ chụp ở đồng bằng, miền xuôi mà còn lên tới các vùng cao, vùng xa, thậm vượt khỏi biên giới sang cả các nước bạn để thu các hình ảnh yêu thích. Ảnh của ông giản dị, sâu thẳm, sống động, nhẹ nhàng, lắng đọng mà triết lý nhân văn khiến người ngỡ ngàng đến kinh ngạc. Ở ông toát nên sự năng động, tinh tế. Từ đó đến nay ông đã sở hữu nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá, trưng bày ảnh ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Với 80 năm cầm máy, sự nghiệp nhiếp ảnh của NSNA Lê Vượng trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý. Ông còn đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Ông tâm sự rằng ông đã triển lãm ảnh ở Rumanie nhân dịp Hội nghị Nguyên thủ các Quốc gia nói tiếng Pháp –  Francophonie, và nhiều triền lãm cá nhân ở các quốc gia khác như: Triển lãm tại Rumani các năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977…; tại Pháp năm 1971, 1972; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm 1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hong Kong (Trung Quốc), Pakistan, Canada năm 1997, tại Pháp năm 1998…

Co-kinh-Custom

Một góc phố Hà Nội

Không chỉ có thế mà ảnh của NSNA Lê Vượng luôn có chất riêng với nhiều yếu tố hội họa. Ông thường chụp những mái nhà phố cổ kính, những con đường tàu điện cắt ngang qua phố phường, phong cảnh và sinh hoạt của ngưới Hà Nội, của những làng ven đô, những khu di tích lịch sử ghi dấu những thăng trầm lịch sử của đất kinh kỳ. Hà Nội luôn đẹp, luôn hấp dẫn và cuốn hút trong sắc Thu sắc nắng, đầy chất thơ trong những ngày Đông phủ đầy sương… Ngoài những giá trị tư liệu quý về kiến trúc, phong cảnh, ông luôn cần mẫn “chớp” lại những khoảnh khắc đổi thay của Thủ đô Hà Nội bất kể trời nắng hay mưa, ồn ào náo nhiệt hay trầm mặc suy tư. Chỉ một cành cây, chiếc cầu, vài gánh hàng rong… cũng đủ là đề tài vô tận cho giới văn nghệ sĩ. Bức ảnh Cội nguồn được ông chụp tại Cổ Loa đã ghi lại hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ, ngồi suy ngẫm dưới vòm rễ cây đa khổng lồ của ngàn năm tuổi. Đường nét, bố cục, màu sắc của bức ảnh rất chặt chẽ và bắt mắt.

Coi-nguon-Custom

Cội nguồn

Với những cống hiến không biết mệt mỏi và sự lao động bền bỉ, suy ngẫm cho nghệ thuật ảnh, ông đã được phong tặng NSNA Hội Nhiếp ảnh Ngệ thuật Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP). Bên cạnh đó, ông đã được tôn vinh  nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Tác phẩm Đôi bàn tay khéo được Giải thưởng Bifota (Đức) năm 1967; Giải Nhì với tác phẩm Nghệ nhân Song hỉ thêu tranh năm 1972 trong cuộc thi và triển lãm ảnh tại Liên Xô năm 1972; Tác phẩm Hội Đền Hùng đoạt Giải ACCU (Nhật) năm 1984; tác phẩm Lòng đất đoạt Huy chương Bạc FIAP 1996, v.v…

Dong-kinh-nghia-thuc-Custom

Trạm tàu điện Bờ Hô – Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Trong gia tài nhiếp ảnh của NSNA Lê Vượng còn có những bức ảnh về một Hà Nội yêu dấu vừa giản dị, thân thương, vừa thấm đẫm chiều sâu lịch sử văn hóa. Tháng 9/2016, ông đã vinh dự được Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái, trao Giải thưởng Lớn – Vì Tình yêu Hà Nội tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. NSNA Lê Vượng là một trong những người đã “gom” vẻ đẹp bình dị, yêu dấu và rất đỗi thân quen của Hà Nội vào những bức ảnh nghệ thuật vô giá – người viết sử bằng ảnh.

dsc07033vov__rphn

Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái

Bài: NSNA Tuyết Minh

Ảnh: NSNA Lê Vượng

Tin liên quan