(Nhiếp ảnh Hà Nội) Trong 10 năm (1979-1989) cùng đoàn quân có mặt trên trận tuyến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc, Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng – nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã in dấu chân trên hầu khắp các địa bàn biên giới những ngày lịch sử ấy.
NSNA Trần Hồng
Đến thăm tư gia của ông, chúng tôi được xem nhiều hình ảnh quý giá về những năm tháng chiến đấu kiên cường của quân và dân ta được ông lưu giữ rất cẩn thận. Tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh “Dưới hầm trú ẩn” ông chụp cùng đồng nghiệp và nhà báo Philatov-Tổng biên tập Báo Sao Đỏ (Liên Xô) tại Mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, tháng 2-1979.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, Đại tá Trần Hồng kể: “Trung tuần tháng 2-1979, tôi được về phép thăm nhà ở Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay). Sáng 17-2, khoảng 6 giờ, theo thói quen, tôi mở đài phát thanh. Tin chiến sự trên tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ, Lai Châu đến Móng Cái, Quảng Ninh được loan đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay lập tức, tôi thu xếp đồ đạc, máy ảnh đeo trên vai, đi bộ ra thị trấn Lim, gọi điện về tòa soạn, báo cáo mình lên vùng chiến sự Lạng Sơn. Ngày ấy, phương tiện đi lại đâu có thuận tiện như bây giờ. Phải mấy lần bắt xe, đi đủ các loại phương tiện, chiều hôm ấy, tôi có mặt tại trận địa, đi theo cánh quân của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3)”.
Bức ảnh “Dưới hầm trú ẩn”. Trong ảnh: Nhà báo Trần Hồng (thứ hai, bên trái) và Tổng biên tập Philatov (ngoài cùng, bên phải) tại Mặt trận Lạng Sơn, tháng 2-1979. Ảnh do nhà báo Trần Hồng cung cấp
Có mặt tại trận địa, phóng viên Trần Hồng hăng hái lao theo bước chân của các chiến sĩ, kịp thời phản ánh không khí chiến sự diễn ra ở Mặt trận Lạng Sơn. Lúc đó, nhà báo Philatov cũng có mặt ở đây. “Khi ấy, phía ta rất lo cho sự an toàn của vị Tổng biên tập, nhưng bạn nói: “Không sao, làm báo thì phóng viên cũng như tổng biên tập, phải ra mặt trận, trực tiếp chứng kiến bộ đội chiến đấu”. Bức ảnh “Dưới hầm trú ẩn” có hình ảnh nhà báo Philatov, đầu đội mũ cối, một đồng chí chỉ huy mặt trận và các phóng viên Báo Quân đội nhân dân là Trần Hồng, Hồ Sỹ Thoại… “Tuy đã ngồi dưới hầm, nhưng sự uy hiếp đến tính mạng các nhà báo vẫn rất lớn nên tôi liền nhường chiếc mũ cứng của mình cho vị tổng biên tập. Bức ảnh do đồng chí liên lạc cầm máy ảnh của tôi chụp”-nhà báo Trần Hồng kể.
Những giây phút hiếm hoi ra khỏi hầm trú ẩn ở mặt trận Vỵ Xuyên chống rung Quốc xâm lược (Trần Hồng và Văn Hùng PV Báo QĐND)
Sau này, trước khi về nước, Tổng biên tập Philatov đề nghị nhà báo Trần Hồng tặng ông chiếc mũ cối làm kỷ niệm. Ông nói với nhà báo Trần Hồng: “Đây là kỷ vật vô giá với tôi. Bởi nó nhắc nhớ tôi về những năm tháng có mặt ở Việt Nam, chứng kiến tinh thần chiến đấu kiên cường của các bạn và người đồng nghiệp-nhà báo chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã nhường cho tôi vật bảo vệ tính mạng duy nhất của mình…”.
Do điều kiện thời chiến, rồi khoảng cách địa lý xa xôi, kể từ ngày đó, nhà báo Trần Hồng không có điều kiện liên lạc với Tổng biên tập Philatov. Ông tâm sự với chúng tôi, rất mong qua Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, bài viết và bức ảnh này sẽ là cầu nối thông tin giữa ông với nhà báo Liên Xô dũng cảm ngày nào…
Bài:Phạm Thủy (QĐND)
Ảnh: Trần Hồng