NGƯỜI BẠN VIẾT

Trần Đương – Từ năm 12 tuổi, sống ở một làng quê nghèo huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, Trần Đương được Nhà nước VN gửi sang CHDC Đức học tập. Những năm tháng sống bên lâu đài Moritzburg đã trở thành những ký ức không quên đối với anh.

Bẩy năm sau trở về anh đã là một chàng trai trưởng thành. Vào học tiếp khoa Văn trường Tổng hợp, ra trường anh làm việc ở nhiều nơi, những chủ yếu là TTXVN. Rôi trở thành nhà báo, nhà văn: làm thơ, viết truyện, dịch giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, thi ca, và cho ra đời hơn 50 đầu sách – Đó là cái duyên nợ của anh với nước Đức. Cũng phải thôi, bởi lẽ anh đã có gần 20 năm sống, học tập và làm việc ở đó, “đúng là ăn một quả, trả túi vàng”.

Và anh không phải là con người bội bạc. Sống trên căn hộ tầng 4, phố Kim Ngưu anh vẫn cặm cụi viết, dù bàn tay anh đã run rẩy đi nhiều. Anh nói nhỏ với tôi, “anh có trong tay cuốn nhật ký của Margot, vợ của của cố TBT Honecker – CHDC Đức”. Tôi biết anh có quan hệ khá gắn bó với những nhà chính khách thời bấy giờ ở Đức. Là một người viết, tôi hy vọng anh sẽ có tác phẩm về đoạn đời bi – tráng của TBT Honecker khi sống với con gái là bà Sonja và con rể ông là người Chile – Leonardo Yáñez Betancourt. Đọc những gì Trần Đương viết có thể thấy ở anh sự kết hợp hài hòa giữa các phẩm chất đặc trưng của hai nền văn hóa Việt – Đức.

Trần Đương có một tình yêu lớn với cuộc đời, nhưng cuộc đời lại chỉ dành một phần bé nhỏ của nó cho anh! Nhớ hồi anh còn làm TKTS ở Tạp chí Nhiếp ảnh. Anh chạy đôn chạy đáo để đi đặt bài. Nhìn bộ mặt cầu thị của anh chẳng ai nỡ chối từ. Sau này anh cũng viết cho các báo. Có lần anh phóng xe đi lĩnh đồng nhuận bút “còm cõi”, trời mưa, ngã. Tiền chữa gấp cả chục lần đồng nhuận bút. Nhưng anh vẫn yêu nghiệp viết, không bỏ được.

Trần Đương – Một cây bút âm thầm, là một người có tài năng những sống lặng lẽ và khiêm nhường. Về thơ, đã xuất bản các tập: Trái đất trong vòng tay, Đâu cũng quê hương, Gió từ Ban Tích… Anh cũng dịch thơ “Tình yêu và bão táp” của Các Mác, thơ tình H.Heine, thơ J.W.Goeth và J.r.Becher. Trong tập thơ anh viết có câu: …Làm được gì đâu mà đã sáu mươi Bao mộng ước của một thời trai trẻ Đến bây giờ còn đó vẫn tươi nguyên. Không, anh đã làm được nhiều đấy, và đúng là nó vẫn tươi nguyên đến tận bây giờ!

Bài: NSNA Văn Thành

Tin liên quan