Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Trân là người có cá tính cực cực đoan, bằng mọi giá khi bảo vệ chân lý, bảo vệ chính kiến của mình.. Một lần tôi theo ông đến cuộc hội thảo, chờ đến lúc tranh luận gay gắt nhất. Ông nghển cao cổ, giơ một cánh tay khẳng khiu lên trời. bằng động tác ấy ông thể hiện ý chí quyết liệt đến cùng bảo vệ ý kiến của mình. Chụp chân dung ông, tôi chỉ cắt khuôn hình từ chiếc cổ gầy gân guốc đến cánh tay giơ thẳng đứng. Ấy chính là chân dung Nguyễn Trân!Thanh Tịnh là nhà thơ rất cầu kỳ trong cuộc sống và trong câu chữ. Ông là một trong số ít văn nghệ sỹ có thú sưu tầm đồ cổ để trưng bày. Tòa soạn cử tôi đến chụp chân dung ông để in báo. Tôi đến gặp ông vào một ngày cuối tuần nhưng ông khất để thứ 3 tuần sau vì ông đang có khách. Đúng hẹn sáng thứ 3 tuần sau tôi có mặt, đã thấy ông đang đứng trước gương cạo râu, sửa sang quần áo. Tính cầu kỳ cẩn thận của nhà thơ đã “hiện ra”đây rồi !Tôi liền chụp ngay hình ông đang soi gương cạo râu, rồi chụp ông đang khoác áo. Khi ông chuẩn bị xong thì việc của tôi cũng hoàn tất. lúc ông quay vào phòng khách mỉm cười :
– Thanh Tịnh đã chuẩn bị xong, xin mời chú cứ việc chụp.
– Thưa bác! Cháu đã chụp xong rồi ạ. Bây giờ chỉ xin bác một bức chân dung cận cảnh in báo để bạn đọc nhận ra nhà thơ Thanh Tịnh nổi tiếng mà thôi.
Sinh thời, nhà viết kịch, đạo diễn, NSND Tào Mạt thường hay đến nhà tôi chơi và ông rất thích vào bếp tự tay chế tác các món ăn theo sở thích. Nhưng khi “ máu nghề nghiệp” nổi lên là ông quên biến mọi sự để nhập thần vào nghệ thuật chèo.
Tay ông đang cầm chén rượu, tay kia đang múa vũ đạo chèo. Bàn tay xòe ra như chiếc quạt giấy, đạo cụ của diễn viên chèo. Hình tượng đó rất “chèo”, rất “Tào Mạt”. Ngay lập tức tôi bấm máy để giữ lại bức chân dung ấy.
Trong đời cầm máy, tôi đã để nhiều tâm sức nghiên cứu vào hai nhân vật nổi tiếng, đó là nhà văn Nguyễn Tuân (tôi gọi là tướng Văn ) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( là tướng Võ – biểu tượng của Việt Nam chiến thắng ).
Nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ tài hoa nổi tiếng ở trong nước mà văn nghệ sỹ ở các nước Xã hội chủ nghĩa gần như đều biết đến tên tuổi ông. Ở Liên Xô có người ví nguyễn Tuân là Tonstoi của Việt Nam. Khi Nguyễn Tuân mất, nhà văn Kim Lân viết bài “ Anh là người sung sướng nhất ”. Quả đúng như vậy! Dù cuộc sống khó khăn đến mấy ông vẫn tìm ra cách sống riêng đàng hoàng, rất “Nguyễn Tuân”.
Tôi để tâm nghiên cứu ngoại hình ông, từ đôi mắt, cái miệng, mái tóc trắng phau đến chiếc can ( ba toong) ông thường dùng. Chiếc ba toong như một cuốn nhật ký sống bởi đi đến đâu ông cũng ghi địa danh vào đấy. Ông là người có cá tính mạnh, đầy bản lĩnh khi sử dụng ngòi bút, không bao giờ chịu uốn cong .
Thái độ yêu ghét cũng hết sức rõ ràng. Nguyễn Tuân rất ghét những kẻ kém tài lại hay nịnh hót. Ông có hẳn một danh sách những nhà văn cơ hội và gọi đó là “những thằng hèn!”.
Có lẽ từ những đặc tính ấy cũng là cơ hội để tôi có thời cơ “bắt” đúng được chân dung Nguyễn Tuân để lúc nhìn bức chân dung mình ông phải thốt lên “Rất Nguyễn Tuân” và ông đích thân chọn in trong tuyển tập văn chương của mình.
Vào một ngày cuối tuần tháng 3 năm 1982, nhà văn Nguyễn Tuân đến tòa soạn báo Văn Nghệ nhờ tôi chụp cho một bức chân dung làm hộ chiếu để đi Cam puchia. Ông đến bất ngờ nên tôi chưa kịp tạo ra tình huống để đưa bác Nguyễn Tuân vào ống kính. Tôi bèn nghĩ kế hoãn binh để tìm phương án thực hiện.Tôi nói với ông:
– Thưa bác! Rất tiếc hôm nay cháu lại để máy ở nhà, mãi trên làng Cót. Vậy xin khất bác sáng tứ 3 tuần sau mời bác đến.
Đúng 8 giờ sáng thứ 3 tuần sau, nhà văn Nguyễn Tuân đủng đỉnh, tay chống ba toong bước vào tuần báo Văn Nghệ để tôi chụp chân dung hộ chiếu. Hiện trường là sân sau của tòa soạn đã tề tựu đủ các nhân vật : Nhà nghiên cứu phê bình, thư ký tòa soạn Hữu Nhuận, nhà Thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Bế Kiến Quốc, cùng một số anh chị em trong tòa soạn đã chuẩn bị trước những câu chọc tức nhà văn. Nếu câu nói đầu của tôi thất bại thì đã có hai ba trợ thủ khác sẵn sàng khiêu chiến trêu tức ông.
Nhà Văn Nguyễn Tuân chống can đủng đỉnh bước vào và hỏi luôn:
– Bạn Đáng có nhà không đấy?”.
– Dạ! cháu đang chờ bác đến đấy ạ !” rồi chớp thời cơ tôi thông báo luôn Cách đây mấy hôm, cháu được nhà văn có trong danh sách của bác tặng cháu một cuốn tiểu thuyết, về nhà đọc thấy hay tuyệt bác ạ !
– Hay à ? Cậu nói đúng với ý nghĩ của mình đấy chứ?
– Vâng ! Tôi trả lời ngọt sớt.
Đột nhiên ông nhìn tôi, rồi nhìn mọi người với nụ cười mỉa mà rằng:
– Này cậu Đáng ! Từ trước đến giờ tôi quý cậu bởi cậu có một chút năng khiếu bẩm sinh, cảm thụ tác phẩm văn học khá tốt, đọc và đánh giá tác phẩm khá chuẩn, nhưng đến hôm nay thì tôi nhầm!
– Cháu hơi liều, thử xem phản ứng của bác, và đùa vậy thôi. Thành thật xin bác, chứ có nhà văn nào tặng sách cháu đâu bác. Bây giờ cháu xin chụp đền bác bức chân dung hộ chiếu nhé. Nào ! một hai ba …tách!
Một tuần sau tôi mang ảnh hộ chiếu đến nhà bác Nguyễn và phóng thêm tấm ảnh tôi chụp lén lúc đầu. Bác Nguyễn Tuân ngắm rất kỹ bức chân dung trên tay, không dấu nổi nét vui mừng trên khuôn mặt: “ Đây Đúng là Nguyễn Tuân, rất đúng Nguyễn Tuân. Mình xin cậu. Hóa ra hôm trước mình bị mắc lừa cậu. Giỏi ! Giỏi ! Sau này bác Nguyễn Tuân thân tuyển chọn bức ảnh ấy để in trong tuyển tập khi nhà văn còn sống và chỉ một tấm chân dung duy nhất ấy được tuyển chọn in vào Tổng tập văn học Nguyễn Tuân gồm 5 tập do NXB Văn học xuất bản sau này.
Một lần khác, khi nhà văn Nguyễn Tuân xuống Hải Phòng dự hội nghị BCH Hội Nhà Văn tại Đồ Sơn. Chiều thứ 7 nghỉ họp, nhà văn Nguyễn Tuân từ ngôi nhà nghỉ dưỡng của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tay cầm batoong đang thư thả bước ra, dưới cái nắng chênh chếch ngược, ông tiến về phía nhà văn Bùi Hiển đang đứng nói chuyện với cô Hiền ( cán bộ đối ngoại, con gái nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) hình ông như được dựng tượng trước một thân cây phượng ngược sáng đen kịt, bật lên bộ tóc trắng phau. Ông nói với giọng đủng đỉnh pha chút khôi hài:
– Này anh Bùi Hiển ! Anh nên nhớ rằng anh đang tán chuyện với ai đấy nhỉ? Đó là cháu Hiền, con gái Nguyễn Huy Tưởng, ông ấy là bạn văn của chúng ta đấy nhé!
Ông cười rất hóm, ánh lên khuôn mặt, ánh mắt và cái miệng đặc biệt Nguyễn Tuân. Chiếc can trong tay ông vừa nhô lên in trên mặt đường màu ghi xám, tạo một bố cục vừa cân bằng , vừa có tính chất ngang tàng, rất ăn nhập với khí phách Nguyễn Tuân. Tôi đã chụp được nhà văn ở khuôn hình đó và khi đem bức ảnh đến tặng, bác Nguyễn Tuân trầm trồ khen và nhờ tôi in thêm hàng chục tấm để dùng khi trả lời phỏng vấn cả trong và ngoài nước.
Trong một bức thư ngắn của Nhà văn Nguyễn Tuân gửi nhà văn Tô Hoài ( Tổng biên tập báo Người Hà Nội ) có đoạn Viết: “ Kính gửi ông Tô Hoài, ông cho tôi xin lại bản thảo của bài viết cho số Tết và cái “ Cơlitxê ” ảnh do Hoàng Kim Đáng chụp khi tôi cầm chiếc ba toong. Xin Cảm ơn !”.
Bức ảnh thứ hai đề cập đến là bức chân dung Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chụp năm 1991 khi Đại tướng vừa tròn 80 tuổi. Bức chân dung này được sử dụng rộng rãi và phóng lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi đại tướng qua đời. Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh đã bình chọn đây là bức ảnh gây ấn tượng nhất trong số 10 bức ảnh đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo Tuổi trẻ đã in bức ảnh thành nhiều cỡ, làm ảnh trang, ảnh bìa sách, báo ,tạp chí phụ trương của báo Tuổi Trẻ dành tặng bạn đọc. Đặc biệt là ảnh bìa cuốn sách về tướng Giáp của tác giả Nguyễn Mạnh Thường do NXB Văn Hóa ấn hành năm 2012.
Ở Việt Nam có hai nhân vật được giới nhiếp ảnh Việt Nam và Quốc tế thể hiện nhiều nhất, thành công nhất, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Với Đại tướng, có đến hàng vạn hình ảnh được ghi lại qua hàng nghìn nhà nhiếp ảnh. Tôi cũng có vinh dự nằm trong số đó. Tôi đã có dịp được ghi lại hình ảnh Đại tướng vào chiến trường (năm 1970) ở Bộ tư lệnh Trường Sơn để triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương về chiến lược đập tan “ Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của Mỹ- Ngụy, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Tôi lại có dịp được chụp ảnh Đại tướng khi Người vừa tròn 80 tuổi vào năm 1991. Lần ấy Đại tướng vừa thay mặt Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước bè bạn trên thế giới đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam giành toàn thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 thống nhất đất nước.
Hôm ấy Đại tướng rất phấn khởi, cho gọi nghệ sỹ lão thành là anh Nguyễn Nhưng và tôi lên chụp ảnh tại nhà riêng.
Đúng giờ hẹn, chúng tôi có mặt. Đại tướng vui vẻ bắt tay và nói:
– Tôi đã 80 tuổi. hôm nay muốn có một bức chân dung mặc quân phục đeo huân chương và quân hàm Đại tướng để phòng khi nhỡ có bề nào còn có tấm ảnh để đầu xe.
Nghe Đại tướng nói vậy , nghệ sỹ lão thành Nguyễn Nhưng chỉ cười , còn tôi nói luôn rằng:
– Thưa Đại tướng, phải từ 20 đến 30 năm nữa Đại tướng vẫn chưa cần hình ảnh để đầu xe! Tôi muốn chụp một hình ảnh mà Đại tướng đang còn thiếu.
– Đó là hình ảnh gì vậy?
– Thưa Đại tướng ! vừa qua trong cuộc đi thăm các nước của Đại tướng, được nhân dân trên thế giới ngưỡng mộ., kính trọng và hô vang cụm từ: “VIỆT NAM- HỒ CHÍ MINH- VÕ NGUYÊN GIÁP- ĐIỆN BIÊN PHỦ” Lại có những cô gái theo phong tục che mạng nhưng khi thấy Đại tướng được thần dân thiên hạ hô vang, chào mừng nồng nhiệt, các cô đã không kiềm chế được, liền gỡ mạng ra để được ngắm nhìn Đại tướng. Độc đáo đến thế là cùng! Tôi muốn ghi lại hình ảnh Đại tướng đáp lễ trước sự kính trọng đó bằng hình ảnh Đại tướng giơ tay chào. Tôi chụp trong khuôn hình chỉ có một mình Đại tướng, còn ngoài khuôn hình là nhân dân đang hô vang và vẫy chào Đại Tướng.
Ông thấy có lý và làm theo đề nghị của tôi và tôi đã thể hiện thành công bằng cả phim mầu và phim đen trắng. Sau đó tôi có tặng Đại tướng ảnh phóng to, bồi lên bìa cứng, có khung sang trọng. Nghệ sỹ Phùng Thanh Hùng đã chụp lại cảnh tôi trao tặng bức ảnh đó cho Đại tướng.
Tám năm sau (Năm 1999) Tôi làm ảnh cỡ lớn trên chất liệu lâu bền để tặng Đại tướng và lần này Đại tướng đã ký vào bức ảnh mà người vô cùng yêu thích.
Năm 2007, nghệ sỹ Nguyễn Nhưng và tôi cùng đoàn cán bộ NXB Chính trị Quốc gia lên tặng sách, tặng ảnh Đại tướng. Cùng dự có phu nhân Đại tướng – GS Đặng Bích Hà. Đến lượt tôi, Đại Tướng hỏi:
– Hôm nay bạn có gì tặng ?
– Thưa Đại tướng! Hôm nay chiến sỹ của Đại tướng xin kính tặng Đại tướng và phu nhân hai cuốn sách. Cuốn thứ nhất là : Hồ Gươm – Hà Nội- Việt Nam.. Cuốn thứ hai mang tên :Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Chụp và viết về con đường Hồ Chí Minh, Con đường ấy đã có dịp Bác Hồ luận bàn với Đại tướng từ chiến khu Việt Bắc. Cả hai cuốn sách đêu in ba ngữ : Việt – Anh – Pháp để phát hành đối ngoại. Tiếp theo, chiến sỹ xin kính tặng Đại tướng hai bức ảnh cách nhau 37 năm.
– Chắc hồi đó mình đẹp trai lắm nhỉ?
Mọi người cùng cười vui trong không khí thân tình, cởi mở.
– Thưa Đại tướng! cách đây 37 năm, Đại tướng thay mặt Bộ Chính Trị vào mặt trận triển khai nghị quyết về chiến lược đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ – Ngụy. Đại tướng đến thăm đơn vị xe trước giờ xuất kích. Cùng đi có đồng chí Tư Thuận – phó bí thư khu ủy Khu 5 , đồng chí tư lệnh Đồng sỹ Nguyên và một số cán bộ cao cấp khác.
Tấm thứ 2 được phóng cỡ lớn bằng chất liệu lâu bền , xin kính tặng Đại Tướng và xin chữ ký Đại tướng. Ký xong ông ra hiệu cho tôi vào ngồi kế bên, ông nói nhỏ “ Thế mà tấm ảnh này lại hóa hay! Nhỡ tôi có bề nào, đây là hình ảnh tôi chào lại Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, trước khi ra đi thanh thản.
Giờ phút đó tôi thật sự xúc động và nhớ mãi hình ảnh người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng huyền thoại của thế giới thế kỷ XX như các sử gia, các nhà chiến lược phong tặng. Với Việt Nam, người là anh hùng dân tộc,vị thánh nhân như Đức thánh Trần Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Trở lại tiêu đề bài viết: “Nhiếp ảnh – từ hiện thực cuộc sống đến tác phẩm ” là cả một khoảng cách về thời gian và không gian, về tầm nhìn tư duy và giây phút quyết định của người nghệ sỹ.
Hàng ngày trên đất nước này, trên trái đất này đã diễn ra hàng ngàn hàng vạn hình ảnh, sự kiện, những con người xuất chúng… đòi hỏi người nghệ sỹ phải có năng lực quan sát, phân tích , phải biết chắt lọc và ghi chép cố định những hình ảnh ấy. Để người xem như sờ thấy, như hiện ra trước mắt. Đó là mục tiêu phấn đấu , hướng tới và cả tài năng của người nghệ sỹ nhiếp ảnh nữa.
Tác giả bài viết: Hoàng Kim Đáng