NSNA Võ An Ninh – Người viết sử Hà Nội bằng ảnh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Trong suốt cuộc đời cầm máy của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh có một kho tàng đồ sộ và quý báu về khắp mọi miền Tổ quốc ta. Riêng với Hà Nội, NSNA Võ An Ninh ghi lại được những khoảnh khắc vô giá để có thể nói, suốt từ đầu thế kỉ XX, ông là người viết sử mảnh đất thiêng liêng này bằng hình ảnh. Trong suốt cuộc đời cầm máy của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh có một kho tàng đồ sộ và quý báu về khắp mọi miền Tổ quốc ta. Riêng với Hà Nội, NSNA Võ An Ninh ghi lại được những khoảnh khắc vô giá để có thể nói, suốt từ đầu thế kỉ XX, ông là người viết sử mảnh đất thiêng liêng này bằng hình ảnh.

210992

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh

Võ An Ninh sinh năm 1907 tại Hà Nội. Nhiếp ảnh đến với Võ An Ninh rất tình cờ nhưng lại như là định mệnh để ông gắn bó suốt cuộc đời mình với nó. Năm 12 tuổi, một hôm theo bố đi chơi, tình cờ thấy ông chú đang chụp ảnh, cậu bé sán vào chiếc máy xin được ngắm thử rồi theo vào buồng tối xem tráng phim, in ảnh. Từ đó, cậu bé tò mò ham hiểu biết đã không ngừng khám phá nghệ thuật mới mẻ này, trở thành ham mê quá đến nỗi đôi lần ông chú phải cho mượn máy để cậu “chụp nghịch” với bạn bè.

Bốn năm chắt bóp dành dụm, chàng trai trẻ ấy mua được một chiếc máy ảnh tuy không phải là chất lượng cao nhưng lúc đó đáng giá bằng cả một gia tài. Những ngày đẹp trời, anh thường rủ bạn bè vác máy ra Hồ Gươm, vườn hoa chụp lưu niệm. Tối đến tự mày mò pha thuốc hiện, thuốc hãm tráng phim, in ảnh. Thất bại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều đó càng khiến Võ An Ninh say mê, khám phá và rút kinh nghiệm nhiều hơn cho bản thân.

201011159346-Anh Vo AN Ninh

anh-lich-su-de-doi-cua-nhiep-anh-gia-vo-an-ninh-2-hinh-5

sapa1

Cũng chính bởi tình yêu nhiếp ảnh, năm 22 tuổi Võ An Ninh vào làng báo, làm phóng viên nhiếp ảnh ở Sở Kiểm lâm Hà Nội. Anh thường trao đổi về nghệ thuật với các bạn thân ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị… Nhờ vậy mà ảnh của anh từ chỗ sao chép thiên nhiên đã nâng lên thành thể hiện thiên nhiên. Cũng từ đó, những thành công liên tiếp đến với người nghệ sĩ trẻ tài hoa này. Năm 1936, tác phẩm “Buổi sáng trên đê sông Hồng” được giải thưởng ngoại hạng do Hội mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam tặng. Năm 1938, tác phẩm “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris-Pháp. Cuối năm 1938, ông được Bằng khen của triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha cho tác phẩm “Chợ bán nồi đất” và Huy chương vàng trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân tại Huế.

at dau 2

Nạn đói năm Ất Dậu

Tuy nhiên, không chỉ có ảnh thiên nhiên và phong cảnh đẹp. Cũng như bao nhiêu trí thức yêu nước thời đó, Võ An Ninh rất đau đớn và căm hờn thực dân, phát xít bởi những gì chúng gây ra cho nhân dân ta. Nhất là nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu làm 2 triệu (trên tổng số 13 triệu) người dân Việt Nam chết đói. Đó là một nỗi đau không bao giờ có thể quên được của dân tộc VN. 60 tấm ảnh ông chụp cảnh đói khát, chết chóc đủ làm bằng chứng về tội ác của đế quốc và nỗi khổ cực của nhân dân ta trước ngày Cách mạng thành công. Võ An Ninh lúc ấy đã 40 tuổi, một nửa bàn chân bị mất vì tai nạn ôtô từ năm 1937 nhưng ông vẫn cùng với chiếc xe đạp và chiếc máy ảnh Đức hiệu Zeiss Ikon rong ruổi đoạn đường Hà Nội- Thái Bình mỗi ngày cả đi cả về trên 140km, quyết tâm ghi bằng được thảm cảnh người dân chết đói. Bởi lẽ lúc ấy nếu để quân phát xít Nhật trông thấy ông cầm máy ảnh chụp tội ác của chúng thì chắc chắn chúng sẽ bắt và đánh chết ông ngay.

Lúc sinh thời, ông đã từng tâm sự: “Chẳng ai bảo, tôi tự lăn vào làm. Đây là tang tóc chung của dân tộc, tôi tự thôi thúc mình phải chụp, làm ảnh…, trước tiên công bố cho đồng bào cả nước chia sẻ, kế đến tố cáo tội ác trước dư luận thế giới…”. Bởi vậy, bất chấp hiểm nguy, ông lặn lội đến từng nơi có người chết để chụp ảnh.

at dau 1

Nạn đói năm Ất Dậu

Sau mỗi ngày đi chụp ảnh về, ông phải vứt bỏ một bộ quần áo vì tất cả bị đẫm mùi tử khí! Ông chụp nhiều lắm, dù đầu óc tê dại vì đau thương. Nhiều hôm, về đến nhà ông không hề ăn cơm vì mất cảm giác đói. Chụp về ông tráng phim, làm ảnh ngay. Những bức ảnh cỡ 18x24cm đầu tiên ông đem đến trụ sở Hội Hợp Thiện – một hội từ thiện lớn ở Hà Nội lúc bấy giờ. Hội Hợp Thiện, gửi ngay ảnh của Võ An Ninh vào Sài Gòn, trưng bày ngay trên phố Catinat (đường Đồng Khởi hiện nay) để quyên tiền cứu đói. Hình ảnh những thân hình gầy guộc đói ăn, trơ xương, những cụ già, em bé trần truồng nằm co quắp và chết trong đói lạnh đã gây xúc động mạnh mẽ nơi người xem trong nước và tố cáo trước dư luận thế giới. Và đông đảo bà con đã góp tiền, gửi lương thực, thực phẩm cứu đói…

Phóng sự còn tiếp tục với những ảnh hậu đói: những “núi” sọ người, những bia khắc ghi mộ tập thể… ở chợ Hàng Da, nhà mồ Giáp Bát. Cố tổng bí thư Trường Chinh từng đánh giá: “Bộ phóng sự ảnh này của ông Võ An Ninh là một tài sản vô giá của loài người, một bản án kết tội chủ nghĩa thực dân mà không cần thêm một lời nói nào cả”!

Võ An Ninh cũng ghi lại được những hình ảnh quý giá không bao giờ có lại được của Hà Nội như hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình năm 1945, những cụ đồ gò lưng viết câu đối Tết trên phố Hà Nội năm 1940, cô thôn nữ khăn mỏ quạ, áo tứ thân lả mình trên đống rơm trong tác phẩm “Hương lúa” chụp năm 1950 ở Hà Đông, các tác phẩm về Hồ Gươm như “Hồ Gươm buổi sớm”, “Hồ Gươm bốn mùa”, có những bức man mác nét cổ hoài như “Thu về”, “Nhớ xưa”, những bức ảnh về thiếu nữ như “Thiếu nữ Hà Nội”, “Trong vườn si đền Voi Phục”, “Một nét quê hương”…

Huonglua

 Hương lúa

Với những đóng góp vô giá về nghệ thuật, NSNA Võ An Ninh được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa – Thông tin, Huy chương vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam .

t197821

cdvhn13jpg1328605238

18 giờ 45 phút ngày 4/6/2009, NSNA Võ An Ninh đã ra đi ở tuổi 103, để lại một gia sản ảnh nghệ thuật và phóng sự đồ sộ nhiều giá trị cho đất nước VN và cho lịch sử thế giới.

Bài: Ngọc Hân

Ảnh: NSNA Võ An Ninh

Tin liên quan