Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm đông nghịt người, trong khi phố Trịnh Công Sơn vắng bóng khách bộ hành dù đã hoạt động 4 năm.
Thường đưa con tới phố đi bộ quanh Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần, chị Võ Minh Anh, ở quận Hai Bà Trưng, cho biết những đứa trẻ trong nhà thường nhảy lên thích thú khi được lên bờ hồ chơi. Không chỉ chạy nhảy trên những tuyến đường không tiếng còi xe, các bé có thể tham gia nhiều trò chơi trí tuệ như rút gỗ, xếp số; thưởng thức nhạc đường phố, hay hòa mình vào điệu nhảy sôi động.
“Có ngày như hội chợ, nhưng cũng có hôm trở thành sân khấu ca nhạc hấp dẫn”, chị Phạm Thanh Thúy, ở quận Cầu Giấy, nói. Cùng một chuyến đi, gia đình chị có thể vui chơi được ở nhiều địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Nhà hát lớn, tháp Rùa, cầu Thê Húc. Chỉ cần đi bộ vài phút, cả nhà đã đến được phố cổ, la cà quán xá, thưởng thức những món đặc sản thủ đô.
Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được thai nghén từ hơn chục năm trước. Năm 2003, chợ đêm Đồng Xuân (nằm trong khu phố cổ Hà Nội) khai trương 67 gian hàng. Trong đó, 12 gian trước mặt chợ chủ yếu bán hàng thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm, 44 gian dọc phố Hàng Khoai bán các sản phẩm dệt may truyền thống (vải áo dài, thổ cẩm…) và 11 gian hàng ẩm thực, hoạt động đến 2 giờ sáng. Chợ đêm Đồng Xuân được coi như bước đệm để thành phố mở phố đi bộ đầu tiên một năm sau đó ở quận Hoàn Kiếm, ngày 1/10/2004.
Tuyến phố đi bộ đầu tiên này qua Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy. Ngoài kinh doanh hai bên đường, người dân được kinh doanh sạp di động ở giữa đường, dành hai bên rộng 3-3,5 m làm lối đi cho khách. Mặt hàng kinh doanh ở đây chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng Việt Nam chất lượng cao, điện máy, hàng phục vụ khách du lịch…
Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã thêm 3 lần mở các tuyến phố đi bộ mới và mở rộng không gian đi bộ hiện có. Không gian đi bộ khu vực bảo tồn cấp I – khu phố cổ Hà Nội năm 2014 (Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện); không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 2016 và cuối năm 2020 thêm 8 tuyến phố trở thành không gian đi bộ (Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng; ba ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc).
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá, sau 6 năm hoạt động, không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm đến của người dân và du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ đón khoảng 20.000 khách. Khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây.
Đối lập với không khí nhộn nhịp ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm, không gian đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, lại không nhận được sự ưu ái của người dân. Phố đi bộ này dài 990 m từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến đoạn giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh, khai trương vào giữa năm 2018.
Chị Trần Thúy Nga, ở quận Long Biên, từng cùng cả gia đình vượt 10 km tới phố đi bộ ven hồ Tây để trải nghiệm và đó là lần duy nhất chị đến. “Phố đi bộ nhưng không có nhiều dịch vụ, đèn đường nhiều lúc còn không bật hết, cảm giác như chỉ dành cho những người dân sinh sống ở đó đi dạo buổi tối”, chị Nga nói.
Kể từ khi khai trương, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ thu hút khách khoảng ba tháng đầu. Các hoạt động trên phố được người dân đánh giá là không đặc sắc, trong đó thu hút khách nhất là quảng trường cạnh hồ, nơi tổ chức các trò chơi cho trẻ em và đặt sân khấu nghệ thuật chính. Vào tối cuối tuần, cả phố chỉ có thêm một vài quán ăn, quán nước và những cá nhân hoạt động nghệ thuật đơn lẻ. Ban ngày rất ít người lui tới vì nắng nóng do thiếu bóng cây xanh.
Không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn từng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca… của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước, nhưng không thành. Trong chương trình văn nghệ kỷ niệm một năm phố đi bộ này đi vào hoạt động hồi tháng 5/2019, các nghệ sĩ biểu diễn trong tình trạng không có người xem.
Vốn đã không có khách, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phố đi bộ Trịnh Công Sơn gần như rơi vào quên lãng. Nhiều người ở đó không còn nhớ lần cuối cùng con phố này mở cửa đón khách là khi nào. Dọc tuyến phố hiện nay chủ yếu là quán bia, khách ngồi tràn ra vỉa hè, còn lòng đường thì ôtô nối đuôi nhau xếp thành hàng. Xung quanh, nhiều biển báo liên quan tới phố đi bộ mục nát, rách rưới, xếp chồng lên nhau.
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho rằng phố đi bộ quanh Hồ Gươm có quá nhiều lý do để thành công. Ngoài vị trí đắc địa, khu phố này còn có hệ sinh thái xung quanh như phố cổ, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn. Đây lại là phố đi bộ đầu tiên làm mọi người tò mò, hứng khởi và sau đó trở thành thói quen. Trước khi có phố đi bộ thì nhiều người đã có thói quen cuối tuần lên Hồ Gươm đi dạo.
Thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là nhu cầu của công chúng. Việc đáp ứng nguyện vọng của người dân sẽ giúp phố đi bộ hợp lý và khả thi. Dù vậy, ông Sơn cho rằng không nên lấy sự thất bại của một trường hợp mà phủ nhận thành công của cả một mô hình. “Vấn đề là chúng ta không thể bê nguyên xi 100% một mô hình phố đi bộ để áp dụng cho các trường hợp khác nhau, trong khi mỗi phố cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng”, ông nói.
Để thu hút khách, bà Chử Phùng Lệ Giang, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ, cho biết sắp tới quận sẽ huy động nhiều đoàn thể cùng tham gia xây dựng phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Các hoạt động cộng đồng tại phố sẽ phong phú hơn; tổ chức thêm sân chơi của thanh niên dịp cuối tuần, và chủ đề hoạt động sẽ thay đổi theo tháng.
Đợt nghỉ lễ 30/4 vừa qua, tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội quanh Thành cổ Sơn Tây bắt đầu hoạt động. Ba quận khác có kế hoạch mở phố đi bộ là Hoàng Mai (tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3, dự kiến thí điểm cuối năm 2022); quận Ba Đình (tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, dự kiến khai trương quý IV/2023) và quận Hai Bà Trưng (phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dự kiến đầu năm 2023).
Theo ông Phạm Thanh Học, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, việc mở các tuyến phố đi bộ nằm trong chương trình 03 của Thành ủy về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025. Hà Nội sẽ phát triển, mở rộng từ 3 đến 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ. Ngoài các tuyến đã có kế hoạch mở nêu trên, khu vực xung quanh di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng được định hướng quy hoạch thành không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển mô hình kinh tế ban đêm.