Sau gần hai giờ thả lưới thưa, ông Nguyễn Văn Khó, 62 tuổi, ở huyện Hồng Ngự, bắt được cá cóc nặng 2,4 kg, bán hơn 400.000 đồng.
Tấm lưới ông Bảy Khó mới thả dài khoảng 200 m, mắt lưới rộng 25 cm, bủa ngang sông Tiền. Hai đầu lưới cột vào chiếc phao làm bằng can nhựa, bên trên treo cờ để ghe xuồng qua lại dễ quan sát. Nương theo con nước chảy, khi lưới cá trôi dần về hạ nguồn, đoạn giáp với người thả lưới bên dưới, ông bắt đầu thu lưới.
Mất hơn chục phút gỡ rác, nhánh cây mắc vào lưới, người đàn ông quê thị trấn Thường Thới Tiền tưởng ra về tay không, song đến gần cuối lưới rung lắc mạnh, dính cá to. Ngư dân giàu kinh nghiệm cuốn nhanh tay, nhấc chú cá cóc lưng sẫm, bụng trắng ra sức vẫy vùng, đưa vào xuồng. Cùng loài với cá chép, cá cóc thân hình thoi, trên lưng có vây nhọn và bén như răng cưa, là một trong những đặc sản của sông Mekong.
Thu lưới xong, chủ xuồng gác dằm khởi động máy chạy về hướng thượng nguồn, đậu tại doi đất nhô ra sông Tiền – nơi có hơn chục ngư dân đang chờ đến lượt đi săn cá. Vừa thấy ông những đồng nghiệp đã hỏi thăm. Chưa vội đáp lời, ông Bảy dùng sợi dây nhỏ buộc lên vây cá, nhấc lên khoe chiến lợi phẩm. Mấy người trên bờ ước chừng trọng lượng cá hơn hai kg, bán được gần 400.000 đồng.
Cân xong cá cho thương lái, ông Bảy trở lại bến lưới nhâm nhi ly cà phê, cùng bữa sáng vợ vừa mang sang. “Lúc hên trúng 3-4 con, có khi vài hôm không dính con nào”, ông nói. Trong số hơn 30 xuồng lưới ở bến, ông Bảy thuộc hàng sát cá nhưng không bằng ông Sáu Lợi mấy tháng trước một dạo lưới dính 7 con, kiếm vài triệu đồng.
Theo những ngư dân giàu kinh nghiệm, nước ròng (cạn) cá thường tìm hang, hố xoáy dưới đáy sông trú ngụ. Đợi khi nước bắt đầu lớn chúng sẽ bơi ra kiếm ăn. Ai thả trúng con nước này khả năng dính nhiều cá hơn. Ngược lại, vào những ngày nước nước ít chảy (rơi vào mùng 10 âm lịch) cá khan hiếm, thời gian thả lưới kéo dài từ 4 đến 8 tiếng.
Thợ săn giăng câu ngầm và thả lưới dầm để “săn” cá cóc. Câu ngầm là mỗi đường câu chừng 200-300 lưỡi loại vừa, mỗi lưỡi móc vào đuôi tép lóng còn sống (lớn bằng ngón út người lớn, cá cóc rất thích ăn) được thả sát đáy sông vào lúc nước sắp lên để con mồi bơi lội tung tăng ăn vào dính câu. Giăng lưới dầm cũng thả sát đáy sông, không nhạy bằng giăng câu nhưng bù lại cá mắc vào khó lòng thoát khỏi.
Bến lưới sát phà Hồng Ngự – Tân Châu, cách biên giới Campuchia chừng 20 km, gần chục năm qua tập hợp hơn 30 xuồng săn cá. Địa điểm thuận lợi vì hứng được cá theo nước lũ từ thượng nguồn về, lại săn nhiều cá khi nước rút từ đồng ruộng ra sông. Tuy nhiên, sông lớn lắm trở ngại nhất là nhiều gốc cây, rác mắc vào làm hư ngư cụ, lắm lúc tiền bán cá không đủ tiền vá lưới. Chưa kể ngư dân còn đối mặt tình trạng động cơ, chân vịt sà lan, ghe xuồng quấn rách lưới.
Để mọi người đều được mưu sinh, ngư dân chia ca đánh bắt. Mỗi sáng ai đến bến trước được xếp “tài” bắt cá trước, hết một vòng sẽ trở lại người đầu tiên. Muốn săn cá nhiều hơn, một số người tranh thủ thả lưới ban đêm. Họ thường mang theo mùng mền ngủ luôn trên xuồng hoặc che tạm tấm bạt rồi mắc võng ngủ.
Nghề thả lưới dù cực, song nhiều người bám nghề vì thu nhập suốt trong năm. Hết mùa cá cóc, họ chuyển sang lưới cá cơm, bông lau, cá tra dầu… Trung bình những người giăng lưới cá cóc kiếm 7-8 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí khoảng 1,5 triệu đồng tiền xăng và hơn hai triệu tiền ăn uống.