Nhặt rau muống thuê từ mờ sáng đến giữa trưa, người dân ở xóm trọ gần rạch Gò Dưa, TP Thủ Đức, kiếm khoảng 100.000 đồng.
“Xóm rau muống” gần rạch Gò Dưa, TP Thủ Đức, đã hình thành gần 20 năm nay, chủ yếu là người lao động từ các tỉnh miền Tây. Những bó rau được thương lái lấy từ TP Thủ Đức, quận Hóc Môn, Gò Vấp… chở đến xóm để nhặt lá, lấy cọng bào làm gỏi cho các nhà hàng.
“Dưới quê không có gì làm, mà tôi già cũng không ai thuê nên chọn cái nghề này kiếm sống”, bà Trần Thị Mai (góc phải), 54 tuổi, nói.
Dậy từ 4h, bà Trần Thị Tươi (65 tuổi) cho biết mỗi ngày nhặt được khoảng 40 kg rau, kiếm được 100.000 đồng. “Tiền trọ và điện nước đã 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Sống cũng chật vật”, người phụ nữ quê Sóc Trăng nói.
Để tránh bị nước ăn tay, người nhặt phải đeo găng. Rau muống sẽ được bỏ hết lá, chỉ giữ lại cọng. Mỗi kg rau thành phẩm được thương lái trả 2.500 đồng. Mất khoảng 5 phút để nhặt được một kg rau.
Xóm trọ hơn chục phòng không đủ chỗ để nhặt rau, nhiều người dựng lều tạm bên hẻm để làm. Hiện nơi đây có khoảng 20 người mưu sinh bằng nghề này.
Trong lúc chờ thương lái chở rau đến xóm trọ, vợ chồng ông Võ Văn Kích chèo thuyền trên rạch Gò Dưa gần nhà để hái thêm rau, đem bán.
Ông cho biết đám rau muống đồng này được nhà ông trồng, chăm sóc rồi cắt bán dần. “Mỗi bó rau khoảng 5 kg, tôi kiếm được 10.000 đồng. Mỗi ngày cắt được vài chục kg nhưng hôm bán được, hôm không”, ông nói.
Ông Kích, 75 tuổi quê ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có 5 công đất nhưng mất mùa, thất bát nên bỏ lên Sài Gòn nhặt rau đã 6 năm nay.
“Vợ chồng tôi sáng nhặt rau, chiều nhặt ve chai mới đủ tiền sống”, ông nói.
Ông Kích dùng xe đạp cũ chở rau muống từ rạch về phòng trọ, cách đó khoảng 500 m.
Giữa trưa nắng, những người dân trong xóm trọ vẫn miệt mài làm việc. Bà Nguyễn Thị Kim Cương, 42 tuổi phải huy động hai con trai cùng làm để giao hàng cho thương lái, vừa kịp giờ ăn trưa.
Bà Cương tưới nước lên bó rau muống đã nhặt xong để chờ thương lái đến lấy. Bà cho biết, mỗi ngày cả nhà nhặt được khoảng 50 kg rau, kiếm được 125.000 đồng.
Đến giữa trưa, gia đình bà Cương mới ngơi tay, tranh thủ ăn cơm.
“Nghề này làm ngày nào xào ngày nấy, chứ không khá nổi”, bà Cương nói và cho biết chồng bà phải làm phụ hồ để kiếm thêm tiền nuôi con.