Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, chùa Vô Vi nằm trên ngọn núi đá cao khoảng 300 m, bao quanh là cây cối và hồ nước.
Chùa Vô Vi nằm trên dãy Tử Trầm ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Bà Lê Thị Tung, 71 tuổi, người trông coi chùa nhiều năm, cho biết ngày xưa quanh chùa là dòng sông trong xanh, nhưng dần dần sông bị lấp, chỉ còn một số hồ.
Đường lên chùa lát gạch, đá, phủ đầy rêu phong. Du khách có thể đi bộ khoảng 100 bậc để tới khu vực chùa chính.
Nằm trong dãy Tử Trầm nhưng chùa Vô Vi tọa lạc ở đỉnh ngọn núi đá gần như độc lập, cao khoảng 300 m so với mặt đường. Quanh chùa có 12 cây đại thụ.
Chùa chính Vô Vi rộng hơn 10 m2, thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ Đinh hay Nội công ngoại quốc mà chỉ có một gian, mái lợp ngói mũi hài, các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản.
Trong chùa chỉ có ban Tam bảo với tượng Phật, thánh, hai bên là hai vị hộ pháp. Các bức tượng đều nhỏ để tương xứng với khuôn viên chùa.
Bức vẽ Thập Điện Diêm Vương trên hai bức tường của chùa. Do thời gian, bức vẽ nhiều lần được người dân chỉnh sửa.
Một trụ cột bằng gỗ ở bên trong chùa. Tương truyền, chùa được xây dựng năm 968 (thời Đinh), mang tên Phúc Trù tự, đến đời Trần đổi thành Trai Linh tự và dời lên lưng chừng núi.
Theo dấu mốc thời gian được xác định bằng văn tự, vào năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), thời Hậu Lê chùa được đổi tên lần nữa là Vô Vi tự và di dời lên đỉnh núi như ngày nay.
Bên trái chùa có lối nhỏ để lên lầu Nghênh Phong, nơi đón gió từ các hướng và có thể quan sát được cảnh vật cách xa hàng trăm mét.
Vừa đánh quả chuông được đúc từ năm 1814, bà Tung vừa cho biết ngoài mùng 1, ngày rằm chùa có nhiều người đến lễ thì dịp đông du khách nhất là mùng 2 Tết.
Xung quanh chùa có nhiều bia đá khắc chữ, trong đó nổi bật nhất là hai bài thơ “Đề chùa Vô Vi” và “Trùng phỏng Vô Vi tự” (Thăm lại chùa Vô Vi) của Trần Văn Tăng, vị tướng thời Hậu Lê gác kiếm xuất gia và cũng là người khởi xướng đưa chùa Vô Vi lên trên núi.
Ngày nay, nhiều người dân đến chùa Vô Vi không chỉ để cúng lễ mà còn để leo núi, vãn cảnh.