Hàng trăm người làng Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường thi kéo co bằng dây song, cầu may mắn, vụ mùa bội thu.
Lễ hội kéo co thôn Hoà Lan được tổ chức vào các buổi chiều, từ mùng 4 đến 8 Tết hàng năm.
Theo truyền thuyết, nơi đây là quê hương của nữ tướng Lê Ngọc Chinh, nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Trong trận đánh ở Gò May, khi gươm bị gãy, bà đã lấy dải yếm thắt lưng bọc đá cuội vào trong làm vũ khí. Trong giờ phút giằng co, dải yếm văng ra xa bay về phía thôn Hoà Loan, còn hòn đá rơi về phía thôn Lũng Ngoại. Để tưởng nhớ công ơn của vị nữ tướng, vào dịp Tết, thôn Lũng Ngoại lại tổ chức chơi trò “hú đáo”, còn thôn Hòa Loan tổ chức kéo co.
Lễ hội từng bị gián đoạn trong những năm chiến tranh và thời bao cấp. Đến năm 1992, khi đình làng Hòa Loan được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, lễ hội mới được tổ chức trở lại.
Dây kéo co thường là dây song, có đường kính 4-5 cm, dài 62 m. Trong nhiều lần kéo, dây bị đứt, nên ban tổ chức dùng hai dây chập lại, kết hợp với lõi dây cáp.
“Trước kia, dây song dễ kiếm nhưng nay hiếm hơn, cứ vài ba năm phải thay một lần vì mối mọt. Gần cuối năm, làng lại cử người đi các tỉnh Hà Giang, Yên Bái để tìm mua. Sau đó, ngâm dây dưới hồ bán nguyệt trước đình, đến ngày 25 tháng Chạp thì đưa lên để làm lễ”, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó ban tổ chức lễ hội nói và cho biết dây song ngày nay ngắn hơn, nên phải nối hai dây, ở giữa bện cây dứa dại làm dấu.
Điều độc đáo ở kéo co Hòa Loan là số lượng người tham gia không hạn chế, có thể lên đến nghìn người, khi nào kín dây kéo thì thôi. Năm nay, hơn 600 người đã cùng nhau thi thố.
Khi dây chấm đích sẽ hạ cờ, kết thúc giải kéo. Xong mỗi giải sẽ tế một lần để bắt đầu giải mới. Mỗi lần kéo không quy định về thời gian mà tùy thuộc vào sự quyết liệt giằng co giữa hai bên. Có những lần, hai bên bất phân thắng bại hơn một giờ… Thông thường mùng 4 Tết thường diễn ra bốn giải kéo (lần kéo), mùng 8 là giải. Càng ngày cuối, hội càng đông.
Sau ba hồi trống kêu gọi người dân cùng vào hội, chủ tế phất cờ màn kéo co bắt đầu. Theo tục lệ, hai bên kéo là Đình Đông và Đình Giếng.
“Năm nào tôi cũng vào kéo cùng con cháu để cầu năm mới có sức khoẻ. Người dân ở đây quan niệm, nếu bên Đình Đông mà thắng thì được mùa đỗ, còn Đình Giếng mà thắng thì được mùa lúa”, bà Đới Chính (áo vàng), 74 tuổi nói, vừa hăng hái kéo.
Đội kéo không còn chỗ đứng, dây hết chỗ cầm, nhiều người đứng ngoài tiếp sức bằng cách giữ đẩy người trong cuộc để không bị lôi đi.
Những phụ nữ không kể tuổi tác hết mình với từng hiệp đấu. Nhiều người đi làm xa cũng về tham gia hội, vào sân kéo là tháo bỏ giày dép.
Trò chơi không đặt nặng việc thắng thua và cũng không có giải thưởng. Bên thua sẽ vào lễ và công đức trong đình, coi như là treo giải để lần sau sẽ thắng.
“Ba năm trước, bên Đình Giếng chúng tôi thua, năm nay mới giành chiến thắng nên ai cũng vui. Tôi là con rể của làng này nhưng năm nào cũng cố gắng tham gia, với mong muốn mọi điều năm mới thuận lợi, làm ăn được mùa”, ông Tài Thương, 66 tuổi nói.