Ngày giáp Tết Nguyên đán, cậu bé Võ Bá Toản (5 tuổi), nói với mẹ “con chỉ mong ba về chơi, ôm con ngủ, một ngày thôi cũng được”.
Tết những năm trước, Toản và anh trai Võ Bá Thắng (học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) sẽ được ba chở đi mua quần áo mới, ghé tiệm tạp hóa lớn và thoả thích chọn bánh kẹo. Gia đình không trưng mai, đào hay nấu bánh chưng vì diện tích nhỏ và đang ở “ké” nhà ngoại, nhưng lũ trẻ nhớ hình ảnh ba mình thường mua hoa lan, hoa ly về treo.
Còn năm nay, Toản và Thắng không đến tiệm mua bánh kẹo nữa, vì có nhiều đoàn đến thăm hỏi. Mỗi khi có giỏ quà to, Toản lại giục mẹ chở về nhà nội ở quận Liên Chiểu để thắp hương cho ba. Hai đứa trẻ cũng không còn ham chơi nữa, mà phụ mẹ làm dưa món, tóp mỡ xóc sa tế, gân bò dầm chua ngọt,… để đặt lên mâm cúng, mời người đã khuất về ăn Tết.
“Ba ở trong nhà mà, ngày nào ba cũng ở với mẹ con mình, sao phải rước”, nghe các con nói, chị Nguyễn Thị Ái Nhân, 40 tuổi, không cầm được nước mắt, chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về. Người mẹ động viên con bằng việc mở những tấm ảnh cũ chụp chồng đang chơi với các con và kể những kỷ niệm vui.
Kỷ niệm Tết cả nhà nhớ nhất là dịp năm ngoái. Anh Võ Thanh Vinh (người quá cố vì dịch Covid-19) nghỉ việc ở nhà, gia đình quây quần bên nhau làm những món ăn ưa thích. Thắng phụ mẹ thái thịt, đảo tóp mỡ. Còn Toản giúp ba làm món chao.
Chị Nhân kể, trước đây anh Vinh làm nghề lái xe du lịch thuê. Khách đến thành phố ngày một đông, nghề chở khách dễ kiếm tiền, hai vợ chồng quyết định vay ngân hàng 1,8 tỷ đồng mua ôtô. Chị làm bánh mì cung cấp cho công ty nơi anh chở khách nên “cuộc sống rất ổn”.
Dịch Covid-19 ập đến, đường bay quốc tế đến Đà Nẵng đóng cửa, khách nội địa cũng vắng dần khi thành phố thành tâm dịch hồi tháng 7/2020, xe khách của hai vợ chồng phải nằm bãi. Gồng gánh trả lãi một thời gian, tháng 3/2021 gia đình bán lỗ xe khách để trả nợ ngân hàng được một tỷ đồng, còn nợ 800 triệu đồng.
Anh Vinh chuyển qua lái xe chở hàng cho một nhà xe tuyến Huế – TP HCM. Tháng 8/2021, khi xe tải qua chốt kiểm dịch ở Bình Định, lực lượng y tế test nhanh và phát hiện tài xế Vinh dương tính Covid-19. Dù đã tiêm một mũi vaccine, nhưng sau 5 ngày điều trị, bệnh tình anh chuyển nặng. Buổi tối, anh gọi điện cho vợ nói chuyện, dặn dò chăm sóc cho hai con. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng.
Ngày nghe hung tin, ba mẹ con chỉ biết ôm nhau, khóc hết nước mắt. Mất đi trụ cột trong gia đình, chị dọn về ở tạm nhà ngoại với hai người anh ruột, hàng ngày đi phụ bán quán chay, trà tắc để có tiền trang trải và lo cho hai con.
Vài tháng trước, Trường nội trú Hy Vọng của Tập đoàn FPT liên lạc với gia đình và em Thắng. Khi Thắng được ghi danh vào trường, chị Nhân mừng vì đỡ được một gánh lo và hy vọng cậu con trai cả sẽ có môi trường học tập và rèn luyện, vững vàng khi 18 tuổi. “Con sẽ cố gắng học thật tốt, thực hiện nghiêm nội quy để cuối tuần được về thăm mẹ và chơi với em”, Thắng nói.
Bà Ngô Thị Kim Yến (bìa trái), chia sẻ với gia đình chị Nhân, chiều 26/1. Ảnh: Nguyễn Đông
Trong căn nhà nhỏ nằm cuối con hẻm trên đường Nguyễn Phước Nguyên (quận Thanh Khê), gia đình em Nguyễn Thị Hiền (16 tuổi) cũng trong cảnh vắng vẻ những ngày Tết đến xuân về vì thiếu vắng người thân.
Cha mẹ Hiền là người khiếm thị, mưu sinh bằng nghề massage. Trong đợt dịch đầu tháng 7/2021, bốn người trong nhà đều mắc Covid-19. Người cha có bệnh nền về gan nên không qua khỏi.
Hiền ít nói, khuôn mặt đượm buồn. Những năm trước, từ ngày 27 Tết, em được nghỉ học và sẽ phụ ba lau cửa, bàn ghế, đồ dùng mỗi khi vắng khách đến massage tại nhà. Dù khiếm thị, nhưng người cha dường như thông thạo mọi ngóc ngách trong căn nhà tình thương được chính quyền xây dựng từ 20 năm trước. Những chỗ ba không dọn dẹp được, Hiền sẽ giúp. Bữa tối, khi mẹ đi làm massage ở hội người mù về, cả nhà quây quần bên mâm cơm.
Ngày Tết, cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày Mùng Một, sau đó về quê nội ở Bình Lâm (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam). Năm nay ba mẹ con cứ hết đứng lại ngồi. Thi thoảng có người quen đến hỏi thăm, biếu ít trái cây, người mẹ lại nhắc con đặt lên bàn thờ và thắp hương cho ba.
Hiền vừa học văn hóa vừa đi học nghề tại một trường trung cấp trên địa bàn. Người chị gái 21 tuổi cũng đang học pha chế, hy vọng có thể xin việc khi du lịch nhộn nhịp trở lại. “Em chỉ mong sớm tốt nghiệp để đi làm để phụ giúp mẹ”, Hiền chia sẻ.
Dịp Tết này, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo thành phố, đã đến thăm hỏi, tặng quà và lì xì cho 15 em tại 9 hộ gia đình có người thân qua đời vì Covid-19, gia cảnh khó khăn. “Nỗi mất mát hậu Covid là rất lớn. Rất mong gia đình vững vàng, chăm lo cho các cháu về thể chất cũng như tinh thần”, bà Yến nói và chúc các gia đình đón Tết Nguyên đán bình an.
Trước đó các em đã được nhận một số chính sách hỗ trợ, như học bổng 5 triệu đồng/em của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; một số em được hỗ trợ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến năm 18 tuổi (trị giá 20 triệu đồng). Nhiều em được trường Nội trú FPT liên lạc và ghi danh để chuẩn bị nhập học sau Tết Nguyên đán.
* Tên trẻ em trong bài đã được thay đổi.