(Nhiếp ảnh Hà Nội) Đâm đuống là tục lệ có từ lâu đời ở các vùng đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình và Thanh Sơn (Phú Thọ). Đâm đuống trong tiếng Mường còn gọi là “chàm đuống”, chàm là đâm từ trên xuống, đuống là máng gỗ để giã lúa. Đâm đuống là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong hội lễ, có tính nghệ thuật và tính tổ chức, thể hiện sự biết ơn của thần linh, trời đất, gia thần gia tiên, thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, lễ hội, cầu mùa… với quan niệm tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi điều may mắn sẽ đến nhiều bấy nhiêu.
Đâm đuống
Đuống được làm bằng thân gỗ to, khoét ở giữa tạo thành hình chiếc thuyền độc mộc dài từ hai tới ba sải tay, còn dụng cụ để đâm đuống là đoạn gỗ tròn vừa, dài từ 1,2 – 1,5m. Để tạo ra nhịp đuống, mỗi dàn đuống thường có từ 4-8 thành viên đứng dọc hai bên thành đuống (số lượng thành viên có thể nhiều hơn tùy theo chiều dài đuống), trong đó có 1 người cầm đuống cái tạo nhịp, những người còn lại mang đuống con hưởng ứng. Hình thức gõ là giã vào lòng đuống, thành đuống để tạo ra âm thanh “Kênh kênh kình” với quan niệm đây là điệu hát “Vui xuân mới, vui xuân mới” hoặc “cơm cơm trắng, cơm cơm trắng”. Theo nhịp tay đâm đuống nhanh hay chậm mà tiếng chày chuyển điệu sang những âm thanh khác nhau, có nhịp hai xen nhịp ba. Khi đổi nhịp là tất cả từng chày cùng đổi, tạo nên các tiết tấu âm thanh: “Kênh kình, kênh kình” hay “kênh kênh kình, kênh kình”, “kình kình, kình kình”… Tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhiều điều may mắn.
Những âm thanh sôi động từ nghệ thuật đâm đuống, chính là sợi dây kết nối đồng bào dân tộc Mường cùng về tụ hội trong các sự kiện văn hoá cộng đồng.
Bài, ảnh: NSNA: Nguyễn Gia Khánh