(Nhiêp ảnh Hà Nội) PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI là đề tài Cuộc thi và Triển lãm ảnh Nghệ thuật lần thứ 47 của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, được tổ chức mang tính toàn quốc vào tháng 10 năm 2017.
Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phát biểu tại Lễ Khai mạc TL ảnh
NSNA Đặng Đình An – Chủ tịch Hội NANT Hà Nội phát biểu tại Lễ Khai mạc TL ảnh
Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội trao Bằng Chứng nhận cho HĐGK cuộc thi
Ban Tổ chức cuộc thi
Sự tham gia đông đảo của các nhà nhiếp ảnh trong cả nước đã đưa tới cuộc thi có số lượng tác giả, tác phẩm tham gia nhiều nhất từ trước tới nay. Hơn 2000 tác phẩm ảnh của 343 tác giả đến từ 31 tỉnh và thành phố trong cả nước. Hội đồng Giám khảo khá vất vả để tuyển chọn được 150 tác phẩm dự treo triển lãm, trong đó có 16 tác phẩm đoạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và NSNA Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam trao Giải Nhất cho NSNA Tạ Ngọc Xuân nhận thay tác giả Nguyễn Xuân Lộc
Ông Mã Thế Anh – Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Giải Nhì cho tác giả
NSNA Đặng Đình An – Chủ tịch Hội NANT Hà Nội trao Giải Ba cho các tác giả
NSNA Đào Quang Minh và NSNA Nguyễn Thị Tuyết MInh – Phó Chủ tịch Hội NANT Hà Nội trao Giải Khuyến khích cho các tác giả
Cái nổi bật ở PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI hay có thể hiểu là Cuộc sống phố phường Hà Nội, mang đến cho người xem một nét nhìn mới về Hà Nội so với các cuộc triển lãm trước đây. Bởi các tác phẩm trong PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI ghi lại những khoảnh khắc đắt giá ở nhiều góc độ khác nhau, đưa tới những cảm xúc đầy thú vị về cuộc sống con người và phong cảnh phố phường Hà Nội. Khoảnh khắc, yếu tố quyết định trong tác phẩm ảnh, được các nhà nhiếp ảnh nắm bắt thành thục, thông qua sự quan sát tinh tế, sự chờ đợi thời cơ bấm máy, cùng với các nhân tố trong đời thường đã tạo nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao ở triển lãm này.
Lễ cắt băng Khai mạc TL ảnh Phố phường Hà Nội
Đây cũng là tiêu chí mà Hội đồng Giám khảo đi sâu khai thác nhằm tạo nên một nét mới đậm đà hơn ở cái nhìn nhiếp ảnh trong cuộc thi. Sự định hướng về nghệ thuật này đã đưa tới những kết quả nhất định.
Sự khai thác các đề tài về Hà Nội là cả một vấn đề không đơn giản với BCH Hội NANTHN và các nhà nhiếp ảnh, bởi hàng năm đều có các cuộc thi với đề tài Hà Nội, do các qui định bắt buộc. Như Cuộc thi ảnh LHKV Hà Nội cũng là nhiếp ảnh Hà Nội, chụp về Hà Nội. Còn Cuộc thi và triển lãm ảnh Nghệ thuật Hà Nội hàng năm nhân dịp Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 vẫn không thể khác được là các đề tài về Hà Nội. Điều này dễ dẫn đến sự nhàm chán, hay lặp đi lặp lại các mô túp chụp. Chính vì thế BCH Hội luôn phải tìm kiếm những khía cạnh khai thác đề tài và nội dung mới cho mỗi năm để tạo nên sự hấp dẫn mới, như “Hà Nội đổi mới và phát triển”, “Nét đẹp văn hóa Hà Nội”, hay “Hà Nội đương đại”v.v…Tuy nhiên khoảng cách giữa các đề tài thực tế vẫn rất mong manh, do vậy cũng rất khó cho các nhà nhiếp ảnh đi sâu vào đặc trưng của từng cuộc thi để chụp.
Nhưng rất may, sự lao động sáng tạo của nghệ thuật đã giúp các nhà nhiếp ảnh có nhiều tác phẩm mới để tham gia các cuộc thi ảnh ở Hà Nội theo các nội dung và yêu cầu đặt ra từng cuộc thi. Chính vì vậy, PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI là một trong những thành công mới của nhiếp ảnh Thủ đô.
Chùm ảnh về ngày Khai mạc triển lãm:
Hà Nội đang đổi thay từng giờ. Mỗi ngày một mới. Những hàng cây mới trồng đang vươn mình với những bộ áo xanh mượt mà. Phố đi bộ có nhiều sân chơi mới. Từ trẻ em đến người cao tuổi cùng đồng hành đi bộ, hít thở không khí trong lành quanh Hồ Gươm trong những ngày cuối tuần. Phố Hà Nội thanh bình, êm đềm, ấm áp trong cuộc sống thường ngày. Văn hóa của người Hà Nội vẫn luôn giữ được nét thanh lịch cùng với nếp truyền thống xưa. Các nhà nhiếp ảnh đã nhận ra điều đó và ghi lại chúng bằng hình ảnh.
Giải Nhất: Vui hết mình – Nguyễn Xuân Lộc
“Vui hết mình” tác phẩm đoạt giải Nhất của tác giả Nguyễn Xuân Lộc có thể nói có một không hai về không khí múa sạp. Khoảnh khắc trong ảnh mang đến sự thành công của ông. Không gian múa sạp có vẻ chặt hẹp, đơn sơ. Nhìn vào ảnh ta thấy tất cả người tham gia, lẫn khán giả đều đang chăm chú vào cái không gian ấy. Ông bố đeo ba lô ôm con say sưa bước vào điệu múa. Cậu thiếu niên sợ lỡ nhịp, nhào vào rất chăm chú…. Thật là vui hết mình ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm.
Giải Nhì: Ban mai Hồ Gươm – Viết Anh Mạnh
“Ban mai Hồ Gươm” với màu vàng chủ đạo tạo nên cái cảm giác trong lành, mát mẻ, cùng với hình ảnh ông già và chiếc xe đạp mang đến cho tác phẩm giải Nhì của Viết Anh Mạnh một nét đẹp mới cùa Hồ Gươm.
Giải Nhì: Góc phố – Trần Công
Hình ảnh rất đời thường mà chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngày là những ông thợ cắt tóc ở Hà Nội. Song tác giả Trần Công đã khắc họa nó bằng tác phẩm “Góc Hà Nội” giản dị mà đẹp. Những vật dụng treo trên hàng rào, người ngồi chờ đọc báo, cái ánh nắng của mùa Thu xiên chéo trong ảnh, tạo nên những chi tiết rất Hà Nội.
Chùm ảnh Giải Ba:
Nghệ nhân mỹ nghệ vàng bạc – Sĩ Trung
Phố Lương Ngọc Quyến – Lê Tuệ
Mưa tháng Bẩy – Thành Thế Vinh
“Mưa tháng Bẩy” cũng là nét đặc trưng ở Hà Nội. Ai đến Hà Nội vào dịp tháng Bẩy ta đều có cơ hội đón nhận những trận mưa kéo dài và nặng hạt. Để khắc họa cái tâm trạng hứng mưa trong không gian phố cổ Hà Nội vào ngày Ngâu tháng Bẩy thì hiếm có những tác phẩm đặc sắc như của Thành Thế Vinh. Tác phẩm đoạt giải Ba.
“Phố Lương Ngọc Quyến” về chiều tối của Lê Tuệ – giải Ba mang đậm mầu sắc của phố Hà Nội ngày nay. Tác phẩm đã phản ánh vẻ đẹp cuộc sống mới hiện nay ở phố cổ, sôi động, nhộn nhịp bằng những gam mầu tương phản giữa vàng đỏ và xanh.
Ở phố Hàng Bạc Hà Nội hiện nay nghề thủ công mỹ nghệ vàng bạc vẫn rất phát triển.Tác giả Hồ Sĩ Trung đã cho ta thấy không gian của người thợ kim hoàn ở đây, qua tác phẩm “Nghệ nhân mỹ nghệ vàng bạc”. Cái độc đáo là tác giả thể hiện nội dung bằng ảnh đen trắng thay vì vàng bạc là phải mầu sắc, nhưng người xem vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của nghề thủ công.
Chùm ảnh khuyến khích vẫn là dấu ấn khoảnh khắc bao trùm cuộc sống đời thường muôn mầu muôn vẻ. Các tác giả cho thấy họ rất giỏi nắm bắt thời cơ bấm máy, như “Chiều mưa phố xưa” của Bùi Hà, hay “Thể thao đường phố” của Phan Tuấn Nhân. “Lặng lẽ đêm mưa” của Thành Thế Vinh cho ta những cảm xúc mạnh mẽ về người lao động Hà Nội. Tác phẩm tả thực nhưng có nét thơ bởi bút pháp thể hiện.
Chùm ảnh Giải Khuyến khích:
Đêm hội trăng rằm – Trần Anh Tuấn
Áo mới cầu Long Biên – Trần Công
Chiều mưa phố xưa – Bùi Hà
Nghề gò phố Hàng Thiếc – Trịnh Minh Quyến
Sắc Hoa – Trần Công
Trang trí đường phố nghệ thuật hội họa Graffiti – Nguyễn Mạnh Hùng
Thanh niên tình nguyện – Sĩ Trung
Thể thao đường phố – Phan Tuấn Nhân
Lặng lẽ đêm mưa – Thành Thế Vinh
Điểm Sáng – Hoàng An
Thực sự 150 ảnh dự treo triển lãm “Phố phường Hà Nội” đều là những tác phẩm ảnh mang dấu ấn đột phá trong phong cách thể hiện. Những khoảnh khắc đời thường được nâng tầm lên ảnh nghệ thuật – đó là thành công của các nhà nhiếp ảnh trong Cuộc thi và Triển lãm ảnh Nghệ thuật lần thứ 47 – năm 2017 của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Mong trào lưu này tiếp tục được phát huy và nâng cao hơn nữa trong đời sống nhiếp ảnh của chúng ta.
Như mọi năm Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội lại dâng lên Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô(1954 – 2017) một triển lãm ảnh PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI đa mầu sắc, phong phú nội dung và tràn đầy sức sống về Hà Nội của chúng ta.
Bài: NSNA Đặng Đình An
Ảnh: NSNA Xuân Chính