Songpyeon của Hàn Quốc, Tsukimi Dango của Nhật Bản hay bánh Đoàn viên của Trung Quốc là những món bánh truyền thống người dân các nước ăn trong dịp Trung thu.
Songpyeon, Hàn Quốc
Songpyeon là bánh người Hàn Quốc và Triều Tiên thường ăn vào dịp Trung thu. Bánh có hình bán nguyệt, làm từ bột gạo, nhân vừng, đậu đỏ, đậu xanh hay hạt dẻ. Sau khi nặn xong, người thợ cho bánh vào nồi hấp, bên dưới lót lá thông để hương vị thanh khiết. Songpyeon được dùng để cúng bái tổ tiên.
Ảnh: Korea.net
Mỗi địa phương có cách làm và nguyên liệu làm bánh khác nhau, nhưng đều dùng ngũ cốc mới thu hoạch để tạ ơn tổ tiên cho một mùa màng bội thu.
Theo truyền thuyết, những cô gái làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất sẽ gặp được những người đàn ông đẹp trai và thông minh. Vì vậy, tại lễ hội Chuseok, các cô gái cùng nhau làm bánh và bình chọn xem ai làm ra những chiếc bánh đẹp nhất trong tiếng cười vui vẻ. Ngày nay, món bánh này thường được cả gia đình các thế hệ cùng làm với nhau.
Ảnh: Korea.net
Tsukimi Dango, Nhật Bản
Dango là tên gọi chung của loại bánh làm từ bột gạo (mochiko), khá giống mochi (một loại bánh giầy, làm từ gạo nếp), thường được dùng chung với trà. Dango có nhiều loại, mỗi loại dùng theo từng mùa. Vào Trung thu, người Nhật thường ăn bánh Tsukimi Dango. “Tsukimi” nghĩa là “ngắm trăng”. Tsukimi Dango có nhiều hình dạng khác nhau tùy phong tục mỗi vùng miền, nhưng phổ biến nhất vẫn là hình tròn.
Ảnh: Mochi Mommy
Bánh Tsukimi Dango trong lễ hội Trung thu thường được xếp hình kim tự tháp, trên một kệ gỗ, một vài chiếc bánh trên cùng có thể màu vàng, tượng trưng cho Mặt Trăng. Thông thường mâm cỗ sẽ có 15 chiếc bánh, tượng trưng cho ngày rằm hoặc 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Sau khi bày xong, đĩa bánh sẽ được đặt ở hiên nhà hoặc nơi có cửa sổ, nơi đón trăng rõ nhất.
Ảnh: NewsCast
Hopia, Philippines
Bánh Trung thu của người Philippines là những chiếc bánh nướng đơn giản, không nhiều màu sắc hay hoa văn. Phần nhân thường là đậu xanh, đậu đỏ, thịt lợn hay khoai lang tím. Bánh độc đáo ở phần bột ngoài nhiều lớp và giòn.
Ảnh: Danupancu
Tết Trung thu ở Philippines được lưu truyền và tổ chức bởi cộng đồng người Hoa. Vào dịp này, người gốc Hoa thường làm bánh rồi chia cho bạn bè và hàng xóm. Hopia có xuất xứ từ Phúc Kiến, Trung Quốc, là quà mang lời cầu chúc thịnh vượng, may mắn.
Ảnh: Unlikely Baker
Bánh Trung thu Đoàn viên, Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Tết Trung thu hay Tết Đoàn viên là ngày lễ đặc biệt bởi trước đêm Trung Thu, mọi người đều quay về đoàn tụ với ông bà, cha mẹ, ăn bữa cơm đoàn viên. Tên bánh “Đoàn viên” cũng mang ý nghĩa đó, là món bánh cả nhà cùng nhau thưởng thức mỗi ngày rằm tháng tám.
Chiếc bánh cổ truyền Trung Quốc thường có hình tròn như Mặt Trăng, nhân trứng muối. Hình tròn của bánh tượng trưng cho lời chúc, niềm hy vọng mọi điều trong cuộc sống của mỗi người luôn được tròn đầy, viên mãn.
Ảnh: Wikipedia
Ngày nay, bánh Đoàn viên có nhiều loại nhân như đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, thịt quay, xá xíu. Vỏ bánh thường được in các chữ với ý nghĩa tốt lành như Tài, Lộc, Đức cùng các hoa văn đặc trưng của quốc gia này.
Làm và tặng bánh Trung thu là một trong những nét truyền thống tại Trung Quốc. Việc các thành viên trong gia đình cùng nhau thưởng thức bánh Trung mang ý nghĩa sum vầy và đoàn kết.
Ảnh: Judy
Bánh da tuyết, Singapore
Bánh da tuyết hay bánh pha lê, bánh dẻo lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc, phổ biến trong dịp Trung thu tại nhiều nơi, trong đó có Singapore. Đây là loại bánh làm từ gạo nếp hấp chín, được để lạnh. Làm xong, bánh không cần phải nướng như các loại khác mà có thể ăn ngay.
Ảnh: Michelin Guide
Bánh dẻo lạnh có nhân truyền thống thường là lòng đỏ trứng, hạt sen hoặc đậu đỏ. Ngoài ra, hiện có nhiều loại khác nhau như bánh nhân đậu xanh, trà xanh, mứt, dâu tây, chocolate, cà phê, phomai hay các loại trái cây như sầu riêng, xoài, bưởi.
Ảnh: Singapore Bread Garden
Bánh nghìn lớp, Đài Loan, Trung Quốc
Dịp Tết Trung thu ở Đài Loan, mọi người sẽ tặng quà như một cách thể sự yêu mến, thân thiện của mình với người thân, bạn bè, trong đó bánh Trung thu là thức quà được ưa chuộng. Ngoài bánh nướng giống bánh Đoàn viên ở Trung Quốc đại lục, người xứ Đài còn ăn loại bánh khác có hình tròn, cuộn nhiều lớp, được gọi là bánh Trung thu nghìn lớp. Đây là loại bánh có nguồn gốc từ Triều Châu, Trung Quốc.
Ảnh: Thermomix
Bánh nghìn lớp nhưng phần vỏ khá mỏng, bao bọc lấy phần nhân, thường là trứng chảy. Khâu cán bột làm bánh khá công phu và cầu kỳ khi pha trộn nhiều màu bột khác nhau.
Bánh Trung thu nghìn lớp tượng trưng cho lời chúc cuộc sống lớp lớp ấm no, lớp lớp hạnh phúc, được bao bọc trong những điều tốt đẹp, viên mãn. Loại bánh này không chỉ phổ biến ở Đài Loan mà cũng được ưa chuộng ở Malaysia, Singapore.