“Nếu chỉ có một khách đăng ký, mong muốn nghe kể chuyện về Bác thì chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ”, thuyết minh viên Thanh Loan chia sẻ
“Mưa tới mặt, nắng tới đầu” là câu mà những thuyết minh viên ở Khu di tích Phủ Chủ tịch thường dùng khi miêu tả về nghề nghiệp của mình. Bất kể ngày nắng nóng lên đến 39 – 40 độ C, hay ngày đông rét 9 – 10 độ C, mọi người vẫn tươi cười đón khách trong tà áo dài truyền thống.
Phòng Tuyên truyền – Giáo dục tại Khu di tích Phủ Chủ tịch có 14 cán bộ nhân viên, trong đó có 2 nam và 12 nữ. Họ làm việc gần như 365 ngày trong một năm, kể cả dịp Lễ, Tết vẫn phải thay phiên nhau trực. Người trẻ nhất đã làm việc 5 năm, còn người gắn bó lâu nhất hơn 30 năm.
Mỗi ngày, tất cả các thuyết minh viên có mặt lúc 7h sáng, chuẩn bị trang phục, sau đó tập trung tại phòng trực đón khách ở cổng vào Khu di tích. Khách đến cổng Khu di tích và đăng ký thuyết minh tại phòng trực nếu có nhu cầu. Tuyến tham quan tại Khu di tích bắt đầu từ Phủ Chủ tịch, nhà 54 và nhà họp Bộ Chính trị, nhà trưng bày xe, đường xoài, nhà sàn, nhà 67 và kết thúc ở vườn cây.
Chị Trần Thắm, thuyết minh viên đã làm việc tại đây 20 năm, chia sẻ: “Có một quy định đặc biệt là mình phải chờ khách, không được để khách chờ mình. Lúc nào cũng phải sẵn sàng trước giờ khách đến để không ảnh hưởng các lịch trình khác của họ”. Chị Thắm có cơ duyên gắn bó với Khu di tích từ ngày còn nhỏ. Những câu chuyện về Bác mà bố mẹ kể khiến chị cảm thấy gần gũi, nên ước muốn sau này lớn lên được làm người kể chuyện về Bác Hồ.
Khách thường dừng chân lâu nhất ở khu vực nhà sàn – trung tâm của Khu di tích. Đặc biệt là nhà 67, nơi chỉ khi đi cùng với thuyết minh viên du khách mới được vào tham quan. Đây là nơi Bác mất, vì vậy cũng là nơi để lại nhiều cảm xúc với du khách nhất.
Theo chị Hoàng Điệp, thuyết minh viên gắn bó lâu nhất tại đây, điểm khác của người hướng dẫn ở Khu di tích so với những nơi khác là ngoài kiến thức về điểm tham quan, cần có bản lĩnh chính trị vững. Bởi thi thoảng, khách sẽ đặt câu hỏi và có ý kiến trái chiều, hoặc hiểu lầm, đặc biệt khách nước ngoài. Thuyết minh viên sẽ đóng vai trò làm cầu nối giúp họ hiểu hơn về dân tộc Việt Nam, về Khu di tích – nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và quốc tế với Bác Hồ.
Khu di tích đông khách nhất vào mùa hè vì các trường học thường tổ chức tham quan và là dịp các gia đình đưa con cái đi du lịch. Mỗi ngày, các thuyết minh viên tiếp khoảng 4 – 5 đoàn. Trong một năm, mỗi thuyết minh viên hướng dẫn khoảng 250 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 50 – 60 người.
Không dùng một bài thuyết minh “rập khuôn”, mà với các đối tượng khách khác nhau thuyết minh viên có những bài riêng. Với các đoàn thanh niên, học sinh, họ chủ yếu kể về tình cảm của Bác dành cho thế hệ trẻ. Với các đoàn của các lực lượng công an, bộ đội thì chia sẻ những câu chuyện về Bác với lực lượng.
Trăn trở của các thuyết minh viên là làm thế nào để có thể truyền tải thông tin lịch sử, những câu chuyện về Bác đến thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất. Bởi đất nước đã có nhiều đổi thay, có những câu chuyện lịch sử các em không trải qua thì chưa hiểu được. Họ mong rằng thế hệ trẻ có thể hiểu hơn về Bác, tình cảm của Bác cho thế hệ trẻ và cống hiến của Bác dành cho dân tộc.
Mỗi đoàn khách đến thăm Khu di tích đều để lại một câu chuyện đặc biệt trong lòng thuyết minh viên. Chị Thắm xúc động chia sẻ câu chuyện đặc biệt dịp tháng 5: “Hôm đó mưa tầm tã. Mọi người đều nghĩ chắc sẽ không đoàn nào đăng ký nữa. Bỗng một bạn đến đăng ký thuyết minh cho đoàn khách miền Nam, hôm nay là ngày sẽ rời Hà Nội. Vì vậy rất mong muốn được đến thăm và nghe kể chuyện về Bác Hồ”.
“Dù trời mưa và lạnh nhưng nghe thế tôi cảm thấy rất ấm áp. Mưa nặng hạt, tôi phải cố gắng nói thật to để mọi người nghe rõ. Khách cũng cảm nhận được tâm huyết của người hướng dẫn, nên họ nhìn tôi với ánh mắt đầy thiện cảm và thân thương”, chị Thắm bồi hồi nói.
Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng là nơi thường xuyên đón những đoàn khách ngoại giao cấp cao, thuyết minh viên được tập huấn kiến thức về lễ tân ngoại giao. Ngoài nội dung, các thuyết minh viên còn phải chú trọng phần nghi lễ. Ví dụ như tặng hoa cho phu nhân của các chính khách đến đây viếng thăm; chuẩn bị quà tặng là những huy hiệu, sách, phim về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ… Họ cũng cần biết về phong tục tập quán của nước bạn để khi đón tiếp có cách ứng xử phù hợp.
Theo số liệu thống kê, hiện Khu di tích Phủ Chủ tịch có lượng khách tham quan đông nhất trong hệ thống các di tích, bảo tàng về Bác Hồ trong cả nước. Từ năm 1970 đến nay, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã đón hơn 80 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Trong đó, trung bình mỗi ngày đón 6.000 – 8.000 lượt. Vào dịp lễ lớn như 19/05, 02/09 lượng người tham quan có thể đạt 50.000 người.
Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)
– Mùa lạnh (tháng 11 – tháng 3 năm sau): Sáng: 8h – 11h. Chiều: 13h30 – 16h
– Mùa nóng (tháng 4 – 10): Sáng: 7h30 – 11h. Chiều: 13h30 – 16h
Khu di tích không thu phí với du khách người Việt Nam, vé tham quan với khách nước ngoài là 40.000 đồng.
Ngoài Khu di tích Phủ Chủ tịch, du khách có thể tham quan Lăng Bác, chùa Một Cột và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thông thường, sau khi tham quan Lăng Bác, du khách đi thẳng tới cổng Khu di tích. Vào những ngày Lăng đóng cửa, du khách có thể liên hệ thuyết minh viên đón ở 3 địa điểm: cổng đường Ngọc Hà, cổng đường Hoàng Hoa Thám, cổng đường Hùng Vương.
Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) hoặc 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp).