Chàng trai Cuba ‘phải lòng’ Việt Nam

6h, Roberto dọn gánh bánh mì ở ngã tư Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, trong lúc bạn gái Thanh Huyền chuẩn bị nước sốt thịt.

Họ còn chưa bày xong đã có ba học sinh đến mua. Roberto cầm dao rọc dọc ổ bánh, kẹp nhân thịt, dưa leo, ngò rí rồi đưa vào lò nướng lần nữa. “Bánh mì phải giòn, nóng mới ngon”, chàng trai 32 tuổi nói.

Hai năm ở TP HCM đã giúp chàng trai Cuba am hiểu ẩm thực Việt và cảm thấy “hạnh phúc chưa từng có”.

Roberto Valdes Pedroso sinh ra ở thủ đô Havana, từng là bác sĩ đa khoa làm việc ở bệnh viện Manuel Fajardo. Công việc ổn định nhưng vòng lặp 8 tiếng mỗi ngày trong bệnh viện khiến anh luôn cảm thấy buồn chán và mất phương hướng.

Covid-19 như giọt nước làm tràn ly khiến tâm lý chàng trai khủng hoảng.

“Thế giới này rất rộng và cuộc đời thì quá ngắn”, Roberto nói với mẹ về ý định tìm cơ hội ở quốc gia khác. Mùa đông 2021, anh rời Cuba đến Nga làm nhân viên chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, chàng trai lớn lên với khí hậu nhiệt đới Cuba không thể thích nghi được cái lạnh của Nga. Hết giờ làm, Roberto chỉ về nhà nấu ăn, cô độc, không bạn bè. Một ngày đông đầu năm 2022, anh quyết định tìm đất nước khác để sinh sống. Việt Nam là cái tên hiện lên đầu tiên.

“Hồi còn ở Cuba, mọi người đều nói đến tình bạn với Việt Nam”, anh nói. “Nó khiến tôi hình dung rõ ràng về một quốc gia ấm áp cả khí hậu lẫn con người”.

Anh Roberto Valdes Pedroso và bạn gái ở quận Gò Vấp, TP HCM, sáng 14/11. Ảnh: Ngọc Ngân

Anh Roberto Valdes Pedroso và bạn gái ở quận Gò Vấp, TP HCM, sáng 14/11. Ảnh: Ngọc Ngân

Roberto đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp Tết Nguyên đán 2022. Vừa bước ra khỏi sảnh đến, anh ngạc nhiên khi thấy hàng chục gia đình cầm bảng đứng đợi người thân. Họ viết tên lên bảng để dễ nhận diện nhau. Điều này khiến anh rất xúc động bởi ở Cuba, những đứa con xa gia đình không cần gọi báo trước rằng mình sẽ trở về.

“Tôi cảm thấy điều đó thật ngọt ngào”, anh nói.

Theo tư vấn của một người bạn, Roberto chọn thuê trọ ở quận 12, nơi có ít người nước ngoài để được trải nghiệm nhiều nhất những nét văn hóa địa phương.

Sự xuất hiện của chàng trai Cuba vạm vỡ nhanh chóng gây chú ý với người dân. Không hề có sự xa cách, kỳ thị hay lạnh lùng nào của những người hàng xóm. Trái lại, Roberto được chào đón nồng nhiệt. Đi ngang qua ngôi nhà có chục người đang nhậu, anh được họ vẫy tay mời vào. Anh ngạc nhiên bởi đề nghị của người lạ nhưng cũng ngồi cùng. Sau vài lời thăm hỏi, họ biết anh đến từ Cuba nên đập tay, nói nhiều lần good friend (bạn tốt). Họ cũng bật karaoke và mời anh hát cùng, bữa tiệc kéo dài đến tận khuya.

“Đó là trải nghiệm tôi chưa bao giờ có được trong đời”, anh kể. “Những bất ổn về tâm lý của tôi như được chữa lành”.

Roberto vẫn nhớ ở quốc gia khác, khi anh ngồi trên xe buýt, ghế bên cạnh luôn trống. Mọi người chọn đứng suốt chuyến vì không muốn ngồi cạnh người da màu như anh. Nhưng ở Việt Nam, không ai quan tâm đến màu da. Họ xuýt xoa khen hình xăm trên tay Roberto và đề nghị chụp ảnh cùng.

Vài tuần ở TP HCM anh đã nhận ra đây là “thiên đường ẩm thực”. Kể cả ngọai ô hay trung tâm, các hàng quán vẫn mở rất khuya. Họ có chợ đêm với hàng trăm món ngon, hải sản giá rẻ.

Cũng nhờ lần lang thang các con hẻm, Roberto gặp được bạn gái, một trong những lý do quan trọng nhất giữ chân anh ở Việt Nam. Họ quen nhau qua lần hỏi đường, chàng trai Cuba ấn tượng với sự thân thiện và nhiệt tình của Thanh Huyền, 34 tuổi, một quản lý nhà hàng.

Gánh bánh mì của Roberto và bạn gái ở quận Gò Vấp, TP HCM, sáng 16/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gánh bánh mì của Roberto và bạn gái ở quận Gò Vấp, TP HCM, sáng 16/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bốn tháng sau, Roberto chuyển về sống cùng nhà Huyền cũng ở quận 12. Anh xin làm phục vụ ở khu “phố Tây” phường Thảo Điền, TP Thủ Đức với lợi thế thông thạo ba ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha và Pháp.

Chàng trai Cuba chưa quen việc tay chân, thường run khi bưng bê thức ăn nên bạn gái là người hướng dẫn anh từ đầu. Huyền chỉ dẫn anh cách đi đứng, cười và trò chuyện với khách. “Ban đầu, tôi rất căng thẳng bởi nó có quá nhiều quy tắc”, anh nói.

Tuy nhiên, công việc giúp anh tiếp xúc với nhiều người Việt, Roberto nhận ra họ là những khách hàng hào phóng nhất. Họ thường xuyên cho tiền tip, hỏi thăm anh quê ở đâu? Vì sao lại sống ở đây? Gia đình mấy người? Thỉnh thoảng, Roberto nhận được những cái ôm hoặc bắt tay khi biết anh là người Cuba.

Quá trình tìm hiểu nét tính cách của người Việt, anh thích nhất cụm từ “hoạn nạn có nhau” hoặc “tình nghĩa”. Đó là điều Huyền luôn nói với anh nhưng nó được chứng minh qua một buổi chiều giữa 2023, khi anh bị ngộ độc thực phẩm. Chàng trai liên tục ói, đau bụng và bạn gái là người ở cạnh, lo cho anh từng viên thuốc, cốc nước.

“Ngoài mẹ tôi ra chưa ai làm điều này cả”, anh nói.

Cũng vì thế khi Huyền trải qua cuộc phẫu thuật u nang buồng trứng hồi tháng 9, anh là người ngồi chờ suốt bốn tiếng ở cửa phòng bệnh. Anh nấu ăn rồi mang đến bệnh viện cho cô. Khi ra đường, Roberto cũng nhận được lời nhắc gạt chống xe, cẩn thận điện thoại hoặc người lạ sẵn sàng dắt anh tới địa chỉ mà anh cần tìm. “Bạn gái nói với tôi rằng hãy làm điều tốt trước và sẽ nhận lại nó bằng nhiều cách”, anh nói.

Đầu tháng 10, họ mở gánh bánh mì ở quận Gò Vấp bởi cùng niềm yêu thích món này. Họ bán hai tiếng mỗi sáng, cùng với giờ học sinh của ngôi trường gần đó đi học. Roberto thường trở về nhà, nghỉ ngơi rồi tiếp tục đi 12 km đến TP Thủ Đức kịp ca làm đến tối.

“Cuộc sống bận hơn hồi ở Cuba nhưng Việt Nam khiến tôi hạnh phúc hơn”, anh nói.

Chàng trai thích nhìn những em học sinh ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ xíu ăn bánh mì hoặc trở thành bạn với người bán phở, cà phê cạnh đó. Họ giúp anh giữ đồ đạc của gánh bánh mì miễn phí.

Giữa tháng 11, Roberto gửi cho mẹ đoạn video anh bán bánh mì ở ngã tư đường, khiến bà rất ngạc nhiên.

“Bà nói tôi bán hàng thành thục như người Việt”, anh nói. “Nhưng thực tế, tôi đã coi đây là quê hương thứ hai của mình”.

Tin liên quan