Chuyến đi thực tế ở xứ Tuyên và Hà Giang

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Tuyên Quang, một tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 150km; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng; phía Nam giáp Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Đông giáp Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp Yên Bái. Có hơn 20 dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Pà Thẻn, Kinh… cùng chung sống hòa thuận trên mảnh đất này. Do vậy bản sắc văn hóa ở Tuyên Quang rất đa dạng, phong phú.

Trên dòng sông Gâm, Tuyên Quang – Ảnh: Trần Minh

Tuyên Quang có 07 đơn vị hành chính: thành phố Tuyên Quang và 06 huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình. Tuyên Quang có nhiều núi cao và hệ thống sông suối đa dạng. Có khoảng 500 sông suối lớn nhỏ chảy qua Tuyên Quang; các sông chính gồm: Sông Lô, sông Gâm, sông Phó Ðáy, sông Năng v.v… Tuyên Quang còn có đỉnh núi Cham Chu ở Hàm Yên với độ cao 1.587m so với mực nước biển. Khí hậu ở Tuyên Quang là khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Đông lạnh giá, khô hạn, thường lạnh nhất vào tháng 11 và 12 âm lịch; Mùa Hè nóng ẩm, mưa bão nhiều, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuyên Quang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật quý; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, nên thơ.

Ảnh: Trần Minh

Ảnh: Trần Minh

Ảnh: Lý An Khang

Tuyên Quang được xem như một bảo tàng cách mạng của cả nước có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa. Tuyên Quang có nhiều di tích lịch sử văn hóa, khu Bảo tồn thiên nhiên… như: Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu Di tích ATK Kim Quan; Khu Di tích Lịch sử cách mạng Lào ở thôn Làng Ngòi – Đá Bàn; Công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang lớn thứ tư ở nước ta; Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung thuộc huyện Na Hang với nhiều động thực vật quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới như: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa, gỗ đinh, nghiến, trai…; Khu Bảo tồn thiên nhiên Cham Chu thuộc huyện Hàm Yên; Khu Du lịch Suối khoáng nóng Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng thiên nhiên được các nhà địa chất học người Pháp phát hiện từ năm 1923. Suối khoáng nóng này chứa nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng phục hồi sức khoẻ, đặc biệt rất tốt cho việc chữa các bệnh cơ, khớp, xương; Khu Du lịch Sinh thái Na Hang; Khu Du lịch Sinh thái Cao Đường v.v…

Ảnh: Trần Tuyên

Các cô gái Pà Thẻn – ảnh: Hữu Hợp

Không chỉ có thế, Tuyên Quang còn lưu giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc, độc đáo cùng những truyền thuyết, những làn điệu dân ca đằm thắm với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, lễ hội tâm linh độc đáo như: Lễ hội đường phố Thành Tuyên; Lễ hội Đua thuyền; Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng Tồng của người Tày; Lễ Cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao; Lễ hội Rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La, Đền Thác Cái; Lễ hội Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi Lễ hội Chùa Hang; Lễ hội Động Tiên – Chợ quê; Lễ hội Đình Thác Cấm, Đình Giếng Tanh, Đình Minh Cầm; Lễ hội Đền Bắc Mục, Đền Minh Lương, Đầm Mây; Lễ hội Chọi trâu…; Những làn điệu Then, Sli, Lượn của đồng bào Tày, Nùng; các danh thắng như Đình Làng Giếng Tanh; Chùa Phổ Linh; Đình Hồng Thái, Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, Cây đa Tân Trào, Thác Bản Ba, Thác Lăn v.v… Ngoài ra, Tuyên Quang còn nổi tiếng với những đặc sản như cam sành ở Phù Lưu; mật ong Cao Đường ở Yên Thuận; vịt, gạo Minh Hương, huyện Hàm Yên; xôi ngũ sắc, mắm cá ruộng, rượu nếp cái hoa vàng, bánh gai ở Chiêm Hóa…

Ảnh: Trần Minh

Tất cả những điều đó đã thu hút không chỉ du khách trong nước và quốc tế mà còn là điểm đến lý tưởng của các tay máy trong và ngoài nước. Tháng 11/2019, Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội họp bàn và tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác ảnh tại hai huyện Na Hang – Bình Lâm, Tỉnh Tuyên Quang và Phố Cáo – Sủng Là, huyện Đồng Văn, Tỉnh Hà Giang. Sáng sớm ngày 29/11, đoàn Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đi Tuyên Quang gồm 20 nghệ sĩ do NSNA Huỳnh Mai, Ủy viên BCH Hội NANT Hà Nội làm Trưởng đoàn. Tham gia chuyến đi thực tế này còn có NSNA Tuyết Minh, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội NANT Hà Nội; NSNA Xuân Chính, Ủy viên BCH Hội NANT Hà Nội; NSNA Quang Ngọc, Ủy viên BCH Hội NANT Hà Nội.

Ảnh: Trần Tuyên

Bữa cơm trên thuyền – ảnh: Cấn Dũng

Xe bon nhanh trên đường đưa chúng tôi tới Na Hang sau hơn 6 giờ đồng hồ. Na Hang, một vùng đất cổ, cách Tuyên Quang khoảng 110 km và cách Hà Nội hơn 250km về phía Bắc. Vẻ đẹp nên thơ, sông nước mênh mông, núi non trùng điệp hữu tình của Na Hang có sức cuốn hút kỳ lạ bởi hai dòng sông Gâm và sông Năng trong xanh, hiền hòa cùng dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi nhấp nhô trùng điệp được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Nổi bật nhất là hòn “Cọc Vài Phạ” nằm giữa hồ phía thượng nguồn thuộc địa phận huyện Lâm Bình. Theo tiếng Tày “Cọc Vài Phạ” có nghĩa là Cọc buộc Trâu trời linh thiêng gắn với truyền thuyết về chàng Tài Ngao cường tráng, ly kỳ của vùng núi rừng nơi đây.

Phia xa là Cọc buộc Trâu trời linh thiêng, Na Hang, Tuyên Quang

Đoàn chúng tôi xuống thuyền, dọc theo bờ sông, đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, lung linh, huyền ảo; hít thở không khí trong lành, mát mẻ, khoan khoái sau một chặng đường dài. Chúng tôi còn được thưởng thức bữa trưa trên thuyền với nhiều đặc sản của vùng núi rừng này; được nếm vị cay, nồng, đậm men say của rượu ngô Na Hang… Rời thuyền, xe đưa chúng tôi tới Lâm Bình – một huyện mới được thành lập của Tỉnh Tuyên Quang. Tiếp tục hành trình, chúng tôi tới xã Hồng Quang vào lúc 16h00 chiều, nơi duy nhất còn duy trì Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Chúng tôi được chiêm ngưỡng sự kỳ bí của thày mo làm lễ và tiếp đến là các chàng trai Pà Thẻn nhảy lửa với đôi chân trần mà không hề bị bỏng. Rời Hồng Quang, chúng tôi tới Thượng Lâm đã hơn 20h00, trải nghiệm homestay nhà sàn của đồng bào dân tộc nơi đây. Cất đồ xong, chúng tôi thưởng thức bữa tối với những món ăn dân dã, lạ miệng của núi rừng.

Ảnh: Trần Tuyên

Ảnh: Trần Tuyên

Sáng sớm hôm sau, 30/11, chúng tôi lại lên thuyền ngược dòng sông Gâm hiền hòa, thơ mộng. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh, mất khoảng 4 giờ đồng hồ tới huyện Bắc Mê, Tỉnh Hà Giang. Khoảng 12h00, xe đón chúng tôi để đi đến Thị trấn Yên Minh, cách Thành phố Hà Giang gần 100km về phía Đông Bắc. Từ Bắc Mê tới Thị trấn Yên Minh chúng tôi phải trải qua cung đường Minh Ngọc – Du Già – Mậu Duệ hiểm trở, vất vả với những ổ gà, ổ voi. Tới Yên Minh gần 17h30, đoàn chúng tôi ăn tối và nghỉ đêm tại Yên Minh.

Ảnh: Trần Minh

 

Công việc hàng ngày – ảnh: Trần Minh

Niềm vui  – ảnh: Tuyết Minh

Em bé và hoa cải – ảnh: Vũ Mạnh

Ngày thứ ba của chuyến đi, ngày 01/12 ở Hà Giang, tiết trời trong xanh, nắng đẹp, ông trời thật biết chiều lòng người. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Phố Cáo, huyện Đồng Văn cách Đồng Văn khoảng 25km, trên quốc lộ 4C. Phố Cáo quen thuộc với những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương ấm áp vào mùa Đông và mùa Hè lại rất mát mẻ của người Mông. Tới nơi, chúng tôi tản ra, mỗi người mỗi ngả để tìm cho mình những cảnh sinh hoạt của bà con vùng cao nguyên này. Sau hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi lại tiếp tục lên đường tới nhà của Pao ở Làng Văn Hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ở đây có gần 40 hộ sinh sống gồm các dân tộc Mông, Hán, Lô Lô. Một trong những ngôi nhà đặc biệt nơi đây là nhà của Pao cũng chính là ngôi nhà 2 tầng với 3 dãy hình chữ U tạo cảm giác ấm cúng, yên bình đã trên dưới 100 năm của ông Mua Súa Páo, người Mông thuộc tầng lớp giàu có ở vùng này.

Mùa hoa ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang – ảnh: Tuyết Minh

Nhà của Pao ở Sủng Là, Đồng Văn,, Hà Giang – ảnh: Tuyết Minh

Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang – ảnh: Huỳnh Mai

Rời Đồng Văn, chúng tôi tới Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, cách trung tâm Thành phố Hà Giang gần 20km, được khởi công xây dựng năm 1990, hoàn thành năm 1991 và được tu sửa nâng cấp năm 2004. Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 – 1989. Đoàn chúng tôi dâng hương, bày tỏ lòng thành kính tri ân các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh lớn lao của các anh đã được ghi vào trang sử vàng của dân tộc Việt Nam và đời đời nhớ ơn các anh.

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục hành trình trở về Hà Nội. Đúng 19h00, chúng tôi cùng xem truyền hình trực tiếp trận bóng đá nam SEA Games 30 giữa U22 Việt Nam – U22 Indonesia trên xe. Hết hiệp 1 cũng là lúc xe tới thành phố Tuyên Quang để ăn tối với tâm trạng không vui. Chúng tôi vừa ăn tối vừa hồi hộp xem tiếp hiệp 2. Cuối hiệp 2, cả nhà hàng đều reo hò, hân hoan trong niềm vui chiến thắng của đội tuyển U22 Việt Nam.

Đồng Văn, Hà Giang

Mùa hoa tam giác mạch ở Đồng Văn, Hà Giang – ảnh: Đức Căn

Mùa hoa cải ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang – ảnh: Nguyễn Trung Thành

Đoàn chúng tôi về tới Hà Nội hơn 12h00 đêm. Một chuyến đi khá vất vả với nhiều kỷ niệm, nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, vẻ đẹp lạ lùng, non nước hữu tình, thơ mộng đầy quyến rũ nơi chúng tôi đã qua sẽ mãi in đậm trong tâm trí các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội và tôi. Những hình ảnh ấy đã góp phần làm nên chuyến đi sáng tác ảnh lần này thật đáng nhớ.

Bài: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan