Cùng chung niềm đam mê

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Đầu tháng 5/2019, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hồ Gươm thuộc Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức một đoàn đi sáng tác ảnh ở Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận do nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trắc Vũ – Chủ nhiệm CLB làm Trưởng đoàn. Đoàn bay từ Hà Nội đến Cam Ranh và tập kết tại nhà NSNA Phạm Trắc Vũ ở thành phố Nha Trang vào chiều 08/5. Sáng sớm hôm sau đoàn chúng tôi khởi hành rất sớm, từ 02h00 đi Ninh Thuận để kịp chụp bình minh trên đồi cát Nam Cương.

Ảnh: Phạm Trắc Vũ

Đồi cát Nam Cương trải rộng trên diện tích gần 700ha, cách trung tâm Thành phố Phan Rang khoảng 08km về phía Đông Nam. Đồi cát Nam Cương thuộc làng Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một trong những điểm đến lý thú và ấn tượng nhất nhì Việt Nam. Đồi cát Nam Cương được bao bọc bởi những ngôi làng Chăm bình dị với những cánh đồng nho bạt ngàn. Khi ông mặt trời thức giấc, sắc màu của đồi cát Nam Cương thay đổi dần theo và cũng là thời khắc đẹp nhất, ấn tượng nhất để chiêm ngưỡng.

Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình

Không chỉ có thế, đồi cát Nam Cương đầy nắng và gió còn khiến mọi người bất ngờ vì sự thay đổi diện mạo độc nhất vô nhị từng ngày, từng giờ. Những đợt gió mạnh thổi ào qua tạo nên những đụn cát lớn nhỏ gợn sóng; những đường cong uốn lượn, uyển chuyển trông thật quyến rũ cùng những vân cát lạ lùng, nhấp nhô như những cơn sóng biển dập dềnh trên đại dương đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao thế hệ văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới nhiếp ảnh chúng tôi. Chiêm ngưỡng và chụp ảnh trên đồi cát Nam Cương cho tới 08h00, chúng tôi lên đường đến làng người Chăm chụp sinh hoạt hàng ngày của bà con và các cô gái Chăm. Cứ mải miết chụp cho tới ông mặt trời đứng bóng chúng tôi mới về ăn cơm. Ăn xong, nghỉ ngơi một lát đến 13h30 đoàn lại khởi hành đến làng gốm Bầu Trúc.

Ảnh: Phạm Trắc Vũ

Ảnh: Phan Bạch Châu

Ảnh: Phạm Trắc Vũ

Làng gốm Bầu Trúc ở thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận cách thành phố Phan Rang 10km về hướng Nam. Chúng tôi tới một xưởng gốm ở Bầu Trúc và tìm cho mình những góc chụp ưng ý; chụp cách làm, cách nung gốm và cách phun màu thật độc đáo nơi đây. Gốm Bầu Trúc mang đậm nét văn hóa Chăm và nổi tiếng với cách nung gốm lộ thiên rất độc đáo ở nhiệt độ khoảng 5.000 – 6.000oC trong vòng 06 giờ liền. Sau đó lấy ra để phun màu được chiết xuất từ trái dông, trái thị lấy từ trên rừng; rồi tiếp tục nung trong vòng 02 giờ. Gốm Bầu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu. Khác với cách làm gốm từ Bắc tới Nam, Gốm Bầu Trúc không dùng bàn xoay để nặn gốm như những nơi khác mà dùng đôi tay khéo léo để tạo nên các vật dụng. Chính vì thế mà gốm Bầu Trúc muôn hình muôn vẻ, không chiếc nào giống chiếc nào khiến các sản phẩm gốm Bầu Trúc càng độc đáo và trở nên nổi tiếng.

Ảnh: Hoàn Mi

Đến đây chúng tôi đã gặp cháu gái Thạch Thị Sa Pa, người Chăm có đôi mắt đẹp lạnh lùng và hoang dã dưới hàng lông mày rậm. Đôi mắt của cháu dị thường với hai màu rất lạ, mắt trái có màu xanh biếc như Tây còn mắt phải lại là màu đen truyền thống. Hiện cháu đang học lớp 10, sống chung với bố mẹ tại làng gốm Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Được biết bố của cháu Sa Pa có hai mắt màu xanh, còn mẹ cháu có đôi mắt đen bình thường. Cháu rất ít cười và vẻ u buồn sâu thẳm luôn hiện trên khuôn mặt. Tôi thủ thỉ với cháu đôi lời thế là cháu vui vẻ đồng ý cho chúng tôi chụp ảnh. Cháu nói cười, trò chuyện với chúng tôi rất tươi, khác hẳn lúc ban đầu. Đôi mắt cháu ánh lên niềm vui khó tả…

Ảnh: Phan Bạch Châu

Theo dân làng truyền rằng tổ nghề của gốm Bầu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan mà về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nhào nặn ra các mẫu khác nhau rồi đem nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn ông tổ nghề, dân làng gốm Bầu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông sau lễ hội Ka tê tại Tháp Pô Klong Garai vào tháng 10 dương lịch hàng năm. Niềm vui đã đến với người Chăm, tháng 10/2017, gốm Bầu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Rời làng gốm Bầu Trúc, xe bon nhanh trên đường đưa chúng tôi tới Bình Thuận. Chiều tối trời đổ mưa nên đoàn tới Bình Thuận khá muộn. Ăn tối xong chúng tôi về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, 10/5/2019, chúng tôi lại tiếp tục lên đường đi chụp bình minh và cảnh sinh hoạt của bà con vùng biển Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Biển Phước Thể còn hoang sơ và người dân nơi đây thật hiền hòa, thân thiện. Chúng tôi vừa chụp ảnh vừa trò chuyện cùng họ về cuộc sống, về nghề thuyền chài rất thân tình, vui vẻ. Ra về mà lòng vẫn còn lưu luyến mãi về một vùng biển thân thương, hiền hòa.

Ảnh: Hoàn Mi

Cứ thế, chúng tôi di chuyển liên tục từ điểm này tới điểm khác. Khoảng 9h00 chúng tôi tới đồi cát đỏ ở Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Chúng tôi tham quan và chụp ảnh kỷ niệm ở đồi cát đỏ Mũi Né. Nghỉ giải lao chút ít, đoàn lại lên đường tới Thành phố Phan Thiết. Ăn trưa xong chúng tôi lên đường đến Phú Long. Phú Long – một  làng nghề làm bánh hỏi truyền thống nổi tiếng và có nguồn gốc từ lâu đời. Chúng tôi lân la trò chuyện và được biết nơi đây còn rất ít nhà làm nghề này. Chúng tôi chăm chú xem và chụp những thao tác của từng người thợ. Cả họ và chúng tôi đều ướt đẫm mồ hôi vì hơi nóng từ bếp, từ các nồi hấp bột, hấp bánh… Có thể nói nghề làm bánh hỏi cũng như nhiều làng nghề khác được lưu truyền từ đời này sang đời khác; mang đậm dấu ấn gia đình, dòng họ hoặc địa phương rất cần được giữ gìn và phát huy.

Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình

Chụp ảnh xong ở làng nghề làm bánh hỏi, chúng tôi tới Kê Gà, Phan Thiết để chụp hoàng hôn. Nhưng thật không may, chúng tôi tới nơi vừa tỏa ra để tìm góc chụp thì trời đổ mưa. Chiều mưa ở Kê Gà thật buồn và u ám. Trú mưa một lúc, chúng tôi quyết định quay trở về Ninh Thuận nghỉ đêm. 04h30 sáng 11/5, chúng tôi cùng nhau đi chụp bình minh trên Hòn Thiên thuộc xã Hồ Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận. Nơi đây còn rất hoang sơ và lầy lội. Có lẽ vì đêm qua mưa nên đường vào Hòn Thiên khá khó khăn, vất vả. Bù lại điều đó, chúng tôi ai cũng hả hê vì chụp được vài kiểu ưng ý.

Ảnh: Hoàn Mi

Ảnh: Phan Bạch Châu

Khoảng 07h00, chúng tôi lại lên đường tới xã Phước Trung, huyện Bác Ai, tỉnh Ninh Thuận để chụp đàn cừu. Chúng tôi tới Phước Trung, bầu trời trong xanh, nắng vàng lung linh trải dài trên mặt đất như đang nhảy nhót hát ca với cỏ cây hoa lá. Trời đẹp là thế nhưng chúng tôi chụp cừu không được ưng ý cho lắm. Nhưng không sao, một chuyến đi chụp được như vậy là vui lắm rồi. Trở lại Phan Thiết, nghỉ ngơi, ăn trưa xong chúng tôi tiếp tục lên đường về Nha Trang.

Ảnh: Hoàn Mi

Trên đường về, đoàn chúng tôi rẽ vào vườn nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Các vườn nho xanh nho đỏ ở thôn Thái An nằm ngay trên tuyến đường đi vịnh Vĩnh Hy. Tới nơi, chỉ tiếc trời không có nắng, tuy nhiên chúng tôi vẫn thỏa sức chiêm ngưỡng, chụp ảnh những chùm nho đỏ chín mọng, trông rất ngon. Chúng tôi chụp cảnh vườn nho, chụp các cô gái thôn quê hái nho v.v… Chụp một hồi thấm mệt, chúng tôi tự tay hái nho và ngồi thưởng thức chùm nho chín ngọt, thanh mát. Nho nơi đây có hạt, không to nhưng có vị ngọt thanh ngon và rất giòn khác biệt với các nơi khác. Nghỉ ngơi và tận hưởng vị thơm ngon của nho Ninh Thuận. Chúng tôi về đến Nha Trang khoảng 19h00.

Ảnh: Phan Bạch Châu

Hôm sau chúng tôi tới tham quan và chụp ảnh Tháp Bà Ponagar – Một quần thể kiến trúc đặc sắc của người Chăm ở Khánh Hòa thờ nữ thần Ponagar. Quần thể Tháp Bà Ponagar nằm gọn gàng trên một quả đồi nhỏ bên bờ sông Cái êm ả; cách trung tâm Thành phố Nha Trang 02 km về phía Bắc. Tháp Bà Ponagar là chứng tích của sự ảnh hưởng lớn từ Hindu giáo. Các họa tiết trang trí trên Tháp rất phong phú với nhiều hình tượng tín ngưỡng: Thần Tenexa, Ponagar, các tiên nữ, các loài linh vật v.v… Lễ hội Tháp Bà Ponagar được tổ chức từ 21 đến 23/3 âm lịch hàng năm. Chúng tôi rất may tới đây đúng dịp các cô gái Chăm múa hát. Chúng tôi mải mê chụp cho tới trưa mà vẫn chưa muốn ra về.

Ảnh: Phạm Trắc Vũ

Một chuyến đi thật vui, thật hữu ích và đầy ắp những kỷ niệm đẹp khó quên. Vẻ lạ lùng, quyến rũ, rất nên thơ và tình cảm của người dân nơi chúng tôi đặt chân đến đã in đậm trong tâm trí chúng tôi. Những hình ảnh ấy đã góp phần cho chuyến đi sáng tác lần này đầy ấn tượng và đáng nhớ. Có thể nói niềm đam mê nhiếp ảnh của anh chị em là vô bờ. Chính nhờ sự nhiệt tình, sôi nổi và niềm đam mê ấy của các anh chị em trong đoàn đã làm nên chuyến đi thành công.

Ảnh: Phạm Trắc Vũ

Ảnh: Hoàn Mi

Nhân đây xin chúc Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hồ Gươm ngày càng lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng; chúc toàn thể anh chị em CLB luôn đoàn kết, mạnh khỏe, hạnh phúc và sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp góp phần vào nền nhiếp ảnh Hà Nội và Việt Nam.

Bài: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan