(Khám phá) Một cặp vợ chồng già trở thành những cư dân cuối cùng còn sinh sống ở làng, một ngôi làng miền núi đìu hiu, lặng lẽ nhưng không hề khiến hai cư dân cuối cùng này cảm thấy buồn bã chút nào.
Trái với những gì mọi người hình dung về cuộc sống buồn tẻ, cô quạnh ở ngôi làng La Estrella, nơi chỉ còn lại hai cư dân cao tuổi cuối cùng, hai ông bà Juan Martin Colomer và Sinforosa Sancho lại tận hưởng sự tĩnh lặng mà họ vô cùng trân trọng trong cuộc sống thường ngày.
Trong hơn 30 năm, ông Juan Martin và vợ – bà Sinforosa đã sống biệt lập trong ngôi làng La Estrella, thuộc khu vực miền núi của Tây Ban Nha. Nơi này đã từng có hơn 200 cư dân sinh sống thuở đông đúc nhất, nhưng rồi: “Mọi người đều rời đi cả, chỉ còn chúng tôi, hai kẻ ngốc là ở lại”, bà Sinforosa cười nói.
Bà đã vừa bước sang tuổi 85 trong tháng này, ngồi trên những bậc thềm của ngôi nhà từng được quét vôi hồng để sử dụng làm phòng học cho những đứa trẻ địa phương, bà chia sẻ: “Chúng tôi đã luôn sống như thế này: Trời trở lạnh thì nhóm lửa sưởi, đắp chăn bông. Sống ở đây thì phải nuôi gà, nuôi thỏ, có đất đấy, xoay xở mà sinh sống từ đất”, bà Sinforosa nói.
Nằm trong một thung lũng ở phía đông bắc vùng Aragon, ngôi làng La Estrella thuộc vào một khu vực dân cư thưa thớt và ngày càng trở nên vắng lặng. Người dân nơi đây từ lâu đã có xu hướng rời làng quê ra đi để tìm kiếm cơ hội việc làm nơi thành phố, để lại phía sau một vùng đồi núi hoang vu, vắng lặng.
Với mỗi kilômét vuông ở nơi này, có chưa đầy 8 người dân sinh sống, những người vẫn còn ở lại tại các làng, đa số đều là người già. Người con trai của ông Juan Martin và bà Sinforosa đã từng là đứa trẻ duy nhất sống trong làng, thuở còn đi học, anh đã phải sang làng bên cạnh bởi trong làng La Estrella không có đủ số lượng học trò để người ta mở trường.
“Nếu không có trẻ nhỏ, cuộc sống không còn thực sự là cuộc sống nữa”, ông Juan Martin, 84 tuổi, chia sẻ về cuộc sống ở làng La Estrella.
Vợ chồng ông bà sống với mức trợ cấp khoảng 1.200 euro/tháng (gần 33 triệu đồng). Họ tự nuôi gà và thỏ để lấy thịt và trứng. Họ sang thị trấn bên cạnh để mua những thực phẩm khác không tự mình sản xuất ra được. Hai ông bà vẫn nấu ăn trên bếp lò hoặc bếp củi.
Cách đây 10 năm, vợ chồng ông bà vẫn sống chủ yếu dựa vào ánh sáng đèn dầu khi trời tối bởi họ không có nhu cầu dùng đèn điện, nhưng giờ đây, ông bà đã có những tấm pin năng lượng mặt trời.
“Chúng tôi không bao giờ lắp điện thoại, chỉ có một máy điện thoại dành cho người làm việc trong khu nghĩa trang gần làng, muốn liên lạc với ai thì tới đó xin gọi nhờ”, bà Sinforosa nói.
Mặc dù đời sống vắng vẻ, đìu hiu như vậy, nhưng ông bà chia sẻ rằng không hề thấy tiếc nuối, buồn bã gì. Càng sống lâu trong sự vắng lặng của ngôi làng, họ càng cảm thấy điều đó là phù hợp với cuộc sống tuổi già của mình.
Người con trai của ông bà hiện sống ở khu đô thị Villafranca đông đúc và hiện đại hơn, ông bà cũng có một ngôi nhà riêng ở đó, nhưng hai người chỉ ở trong đô thị mỗi khi muốn thăm gia đình con trai.
“Chúng tôi đã sinh ra, lớn lên và cả đời sống trong sự tĩnh lặng của làng quê vùng núi. Chúng tôi thích cuộc sống ấy. Khi chúng tôi ra đi, làng La Estrella sẽ ra đi cùng với chúng tôi – hai cư dân cuối cùng của nó”, ông Juan Martin nói.
Dù vậy, ông cụ cũng tâm sự rằng ông không buồn bã, ngậm ngùi gì cho ngôi làng sắp sửa biến mất, ông cũng không mong đợi sẽ có người đến đây sống theo cách như ông bà đã sống. Còn với riêng hai ông bà, hiện tại đối với họ không có gì phải than phiền, sự hài lòng của bản thân – đối với họ, vậy là đủ.