Dàn kèn Thanh niên Thủ đô 1975: Ký ức về một thời sôi nổi

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Hơn bốn mươi năm trước, trong khí hân hoan của ngày vui đại thắng, Dàn kèn Thanh niên Thủ đô của Thành đoàn Hà Nội đã được ra đời. Dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn (từ 1975 đến 1981), nhưng sự xuất hiện của Dàn kèn với những thành viên tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã trở thành dấu mốc đáng nhớ trong hành trình phát triển của Thành đoàn Hà Nội.

wDàn kèn Thanh niên Thủ đô - ảnh tư liệu

Dàn kèn Thanh niên Thủ đô ngày ấy

Từ món quà của nước bạn

Sau đại thắng mùa xuân 1975, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đó đã rất quan tâm, chú trọng đến việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, các hoạt động văn hóa, giáo dục, kinh tế, y tế, xã hội, phát triển quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới… Cũng trong năm 1975, Đoàn Thanh niên Tự do Cộng hòa Dân chủ Đức đã tặng Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam một dàn nhạc cụ đầy đủ trong đó chỉ riêng dàn kèn hơi đã có hơn 70 chiếc lớn nhỏ. Tháng 6/1975, Trung ương Đoàn đã giao nhiệm vụ và dàn nhạc cụ đó cho Thành đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội. Nhân dịp này Thành đoàn Hà Nội đã kêu gọi và tập hợp đoàn viên thanh niên có năng khiếu từ các cở sở Đoàn trường, nhà máy, xí nghiệp và khối phố… để thành lập Dàn kèn Thanh niên Thủ đô trực thuộc Câu lạc bộ Thanh niên Hà Nội.

wb1DSC_0012

Một buổi luyện tập của Câu lạc bộ Thời thanh niên sôi nổi

Kể từ ngày ấy, Dàn kèn Thanh niên Thủ đô đã được trang bị đầy đủ nhạc cụ cho các bộ môn: bộ đồng, bộ gỗ, bộ gõ và được chu cấp đồng phục biểu diễn dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của Ban chủ nhiệm, các cán bộ chuyên trách năng động và nhiệt huyết. Chương trình đào tạo, lịch biểu diễn rèn luyện của Dàn kèn cũng đã được khẩn trương thực hiện với sự dìu dắt của đội ngũ các giảng viên chuyên nghiệp của Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam, Đoàn Quân nhạc Quân đội Việt Nam, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam… như: thầy Ngô Sợi (Trumpet), thầy Kim (Corn), thầy Trịnh Lễ, thầy Ngọc (Trombone) , thầy Tiến (Oboe), thầy Nguyễn Văn Thích (Flute), thầy Cách (Saxophone), thầy Phạm Văn Lập (Basoon), thầy Kim Hùng (Baritone và Clarinet),  thầy Mạch (Drum) và chỉ huy dàn nhạc (Conductor) là thầy Trọng Loan, thầy Lương Vĩnh, thầy Long…

Ký ức về một thời sôi nổi

Bà Nguyễn Thị Hằng, tay kèn saxophone của Dàn kèn năm xưa nay đã bước sang tuổi lục tuần. Nhớ về một thời tuổi trẻ của mình trong những năm tháng là thành viên của Dàn kèn Thanh niên Thủ đô, người con gái của mảnh đất Hà thành vẫn bồi hồi bao kỷ niệm: “Lúc ấy tôi mới ở tuổi mười tám, đôi mươi, đang làm việc ở Xí nghiệp Thảm len xuất khẩu Đống Đa thì cơ quan có công văn của Thành đoàn Hà Nội gửi đến tìm người tham gia đội kèn Hà Nội. Hồi hộp dự  tuyển, tôi vỡ òa khi được trở thành thành viên của Dàn kèn. Những bỡ ngỡ buổi ban đầu cũng đã nhanh chóng nhường chỗ cho niềm say mê, hứng khởi. Với tôi Dàn kèn Thanh niên Thủ đô còn có một dấu ấn đặc biệt bởi đó cũng nơi mà tình yêu đầu của tôi nảy nở, đơm hoa kết trái…”

Ông Nguyễn Văn Quang, tay kèn clarinet, một trong thành viên đầu tiên của Dàn kèn Thanh niên Thủ đô chia sẻ: “Lúc ấy, anh chị em trong Dàn kèn Thanh niên Thủ đô người đi học, người đi làm. Dù mỗi người một lĩnh vực nhưng âm nhạc đã gắn kết chúng tôi như một gia đình lớn chỉ sau một thời gian rất ngắn… Tất cả mọi người trong Dàn kèn đều đoàn kết, thương yêu nhau như anh em một nhà. Không chỉ trình diễn ở Thủ đô Hà Nội, chúng tôi còn đi giao lưu với Đoàn Thanh niên các tỉnh thành trong cả nước. Đi đến đâu, Dàn kèn Thanh niên Thủ đô cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình, của công chúng. Đó chính là món ăn tinh thần lớn nhất, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả.”

Quả thật, nếu ai từng sống trong thời kỳ đó mới thấy sự quyết tâm cao và nỗ lực không ngừng của những thành viên Dàn kèn Thanh niên Thủ đô. “Ngày ấy đường xá, phương tiện đi lại còn thiếu thốn và khó khăn nhưng tất cả thành viên của Dàn kèn đều không ai bỏ cuộc. Chúng tôi vừa học tập, làm việc và động viên nhau cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đoàn viên thanh niên trong thời đại mới. Ít lâu sau, Thành đoàn Hà Nội lại được nhận hai xe bus lớn 50 chỗ/xe mang tên Dimitorop do Đoàn Thanh niên Bulgaria tặng. Từ khi có hai chiếc Dimitorop, mỗi lần CLB Thanh niên Hà Nội đưa chúng tôi đi trình diễn và giao lưu với các tỉnh bạn thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều…” – Ông Quang nhớ lại.

Nhắc về một thời sôi nổi mà mình đã đi qua, tay kèn fagor Nguyễn Xuân Đạt cũng không giấu được niềm xúc động. Với ông, những bản hóa tầu đầu tiên đã được Dàn kèn dàn dựng công phu ngày nào như: Quốc ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Việt Nam ơi, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Mùa xuân đến rồi… dường như luôn rộn ràng trong ký ức. “Cho đến bây giờ tôi vẫn thể quên được cái cảm xúc lâng lâng khi cùng những thành viên của Dàn kèn tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của đất nước, Thủ đô thời bấy giờ như: Diễu hành qua Quảng Trường Ba Đình năm 1975; tham gia biểu diễn tại quảng trường Nhà hát Lớn, Nhà Văn hóa Thiếu nhi, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của Trung ương và Hà Nội…”

w1DSC_7547

Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ Thời thanh niên sôi nổi

Còn với người phụ trách Dàn kèn Thanh niên Thủ đô 1975 – ông Nguyễn Đình Thận thì hình ảnh các em trong Dàn kèn vẫn như còn hiện hữu như mới hôm nào. “Ngày ấy thật khó khăn, vất vả nhưng các em vẫn hào hứng, sôi nổi, hăng say luyện tập. Không có phòng tập các em chia ra nhóm nhỏ ngồi dưới những gốc cây tập luyện. Vì không phải dân chuyên nghiệp nên các em chỉ có thể tranh thủ luyện tập sau giờ học, giờ làm… Ấy thế mà chẳng em nào bỏ tập dù mưa hay nắng”- Ông Thận kể lại. Ông cũng nhắc đến kỷ niệm trong lần nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên – Chỉ huy Đoàn Quân nhạc Quân đội Việt Nam đến thăm Dàn kèn Thanh niên Thủ đô năm ấy: “Khi xem Dàn kèn biểu diễn, nhạc sĩ rất hài lòng và khen “Rất khá”. Ông còn nói chúng tôi tiến bộ rất nhanh và khuyên chúng tôi phải cùng nhau quyết tâm và cố gắng nhiều hơn nữa. Chúng tôi ai nấy đều hân hoan, phấn khích và cảm thấy thật vinh dự. Lời khen đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất của Dàn kèn và chúng tôi ngày ấy.”

Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ 1975-1981) nhưng sự ra đời và hoạt động của Dàn kèn Thanh niên Thủ đô 1975 có thể coi là một trong những mốc son đánh dấu sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật mang hơi thở và nhịp điệu của thanh niên thời đại, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Phát huy truyền thống xung kích của đoàn viên thanh niên trong thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, Dàn kèn Thanh niên Thủ đô vừa làm, vừa tập luyện, vừa đi biểu diễn khắp nơi như một kênh thông tin, tuyên truyền, cổ động góp phần đưa phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô thêm sục sôi, khí thế.

wbDSC_0034

Nguyen tien trong

Ảnh: Nguyễn Trọng Tiến

Viết tiếp truyền thống hào hùng

Gần 40 năm sau, những thành viên Dàn kèn Thanh niên Thủ đô ngày ấy lại có dịp hội ngộ trong ngày vui của gia đình bè bạn. Gặp gỡ, họp bàn, cuối cùng họ cũng quyết tâm tái hồi sinh hoạt âm nhạc của dàn kèn với thông điệp “Cùng nhau gắng sức đồng lòng, sẽ thành khúc nhạc cho đời thêm vui”. Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Đã mấy chục năm qua đi, giờ hội ngộ, nghe tiếng trống, tiếng kèn của người bạn trong Dàn kèn năm xưa ai nấy đều rạo rực. Thế rồi, quyết tâm và ước mơ của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Dàn kèn Thanh niên Thủ đô năm xưa nay lại được hồi sinh từ tâm huyết, sự nhiệt tình và cả niềm đam mê âm nhạc của anh chị em chúng tôi.” Đúng ngày 5/4/2015 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Dàn kèn Thanh niên Thủ đô, Câu lạc bộ Thời thanh niên sôi nổi đã được thành lập. Hơn một năm sau ngày thành lập CLB, ngày 23/9/2016 tại Hà Nội, Ông Nguyễn Thiên Tú – Giám đốc Nhà văn hóa Học sinh – Sinh viên Hà Nội đã chính thức phê duyệt Quyết định công nhận CLB Thời thanh niên sôi nổi trực thuộc Nhà Văn hóa Học sinh – Sinh viên Hà Nội. Điều này khiến toàn thể hội viên CLB vui mừng, phấn khởi và càng có thêm động lực để tiếp tục niềm đam mê của mình

wbuoi tap cua ban nhac Thời thanh niên sôi nổi - tuyet minh

wb1DSC_0045

Cứ đều đặn một tuần hai buổi, 18 thành viên của CLB lại cùng nhau luyện tập. Dù những đôi tay không còn thuần thục, dù đôi môi không còn mềm mại như thời tuổi trẻ, dù nốt nhạc đôi chỗ cũng đã bị lãng quên, thế nhưng niềm say mê và nhiệt huyết của những thành viên CLB dường như vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Không có địa điểm hoạt động, họ lấy nhà mình làm chỗ để CLB tập luyện. Nhạc cụ rồi kinh phí tham gia CLB mọi người đều tự nguyện mua sắm, đóng góp. Có những người dù tuổi cao như ông Nguyễn Đình Thận, người phụ trách Dàn kèn Thanh niên Thủ đô 1975 vẫn hăng hái, nhiệt tình tham gia sinh hoạt.

Trong năm 2015 và 2016, CLB đã hoàn thành hơn 20 bản hòa tấu và tham gia nhiều buổi giao lưu biểu diễn với các đơn vị bạn. Mới đây nhất chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc CLB và chương trình văn nghệ của Hội kết nối Astrakhan tổ chức cũng đã để lại dư âm đẹp trong lòng công chúng với những bản hòa tấu nhạc Nga như: Thời thanh niên sôi nổi, Giai điệu Tổ quốc tôi, Điệu nhảy trên trống, Đến với con người Việt Nam tôi, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân do Vũ Toàn và Việt Dũng phối khí. Trước đó Dàn kèn cũng đã có nhiều những bản hòa tấu các ca khúc quen thuộc như: Mùa xuân đầu tiên, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Giấc mơ trưa, Làng quan họ quê tôi, Liên khúc Một thoáng nước Nga…

wDSC_7532

wb1DSC_0026

Dự kiến vào đầu tháng 4 tới CLB sẽ ra mắt công chúng một chương trình biểu diễn đặc sắc. “CLB sẽ nỗ lực, tăng cường hoạt động giao lưu, biểu diễn để hỗ trợ cho quá trình tập luyện biểu diễn của các thành viên; Động viên, thúc đẩy phong trào tu dưỡng, rèn luyện của các thành viên CLB, lựa chọn các anh chị em có năng khiếu, chuyên môn làm nòng cốt, hạt nhân cho các bộ môn trong CLB như dàn nhạc, ban ca- múa”- Ông Nguyễn Xuân Đạt – Phó Chủ nhiệm CLB Thời thanh niên sôi nổi bày tỏ.

 Hy vọng rằng CLB Thời thanh niên sôi nổi sẽ viết tiếp truyền thống hào hùng của Dàn kèn Thanh niên Thủ đô 1975, đóng góp vào sự phát triển của phong trào văn hóa nghệ thuật của Thủ đô hôm nay.

Một số hình ảnh của CLB Thời thanh niên sôi nổi:

wDSC_7509

wDSC_7544

wDSC_7510

wDSC_7523

wDSC_7514

wDSC_7519

Bài: Tuyết Minh – Thu Thủy

Ảnh: Tuyết Minh

Tin liên quan