Voọc Cát Bà, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, tăng từ 57 lên 76 con trong 5 năm nhưng đang chịu tác động tiêu cực bởi hoạt động du lịch.
Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam cùng với voọc mông trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám, vượn mào đen Phương Đông. Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam cùng danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), xếp vào loại linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Ông Mai Sỹ Luân, 41 tuổi, cán bộ dự án bảo tồn voọc Cát Bà, cho biết từng có quan điểm voọc Cát Bà và voọc đầu trắng ở miền Nam Trung Quốc có quan hệ gần gũi nhất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của dự án bảo tồn voọc Cát Bà và Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng Gottingen, Đức, hai loài đều tiến hóa từ voọc Francois (voọc đen má trắng). Voọc Cát Bà đã tách khỏi voọc Francois sớm hơn khoảng nửa triệu năm so với voọc đầu trắng và hiện không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới ngoài quần đảo Cát Bà.
Loài này sống đến 25 năm, chiều dài cơ thể 47-53 cm, đuôi dài gần gấp đôi cơ thể giúp chúng giữ thăng bằng khi di chuyển. Chòm lông màu vàng trên đầu voọc sẽ nhạt dần theo năm tháng.
Voọc cái đẻ mỗi lần một con, sau 6 tháng mang thai. Voọc con lông màu vàng cam, sau khoảng 2 tháng chuyển màu đen. Con non quấn mẹ, phải thật sự thấy an toàn và ở trong vùng kín đáo mới tự mình khám phá thế giới. Khi di chuyển, voọc con sẽ được mẹ hoặc các con lớn khác trong đàn bế trước ngực. Lên 6 tuổi, voọc sẽ bị đuổi ra khỏi đàn.
Khi cảm thấy đủ mạnh, voọc đực sẽ khiêu chiến con đầu đàn để trở thành kẻ đứng đầu. Trải qua trận chiến sống còn, nếu con đực mới chiến thắng sẽ tìm cách giết con non của con đực cũ. Đây là hành vi tự nhiên nhưng cũng khiến nhiều con non được sinh ra song không thể trưởng thành.
Voọc Cát Bà thường trèo lên ngọn cây cao hoặc núi đá vôi lởm chởm, sắc nhọn sát biển để kiếm ăn. Thức ăn của chúng là lá, quả cây rừng, thậm chí cả nhiều loại có độc như quả sơn. Chúng còn biết dùng đuôi nhúng xuống nước biển để thử uống khi nắng to, khô hạn, núi đá không còn nước.
Khi trời còn râm mát, đàn voọc sẽ di chuyển ra khu vực trên núi đá vôi sát biển để kiếm lá cây, hoa quả. Khoảng 9h, chúng kéo nhau vào rừng, đến đêm mới chui vào hang đá nghỉ. “Cửa hang thường có những vệt màu vàng do nước tiểu của voọc để lại. Chúng tôi dựa vào dấu vết đó để tìm chúng”, ông Luân giải thích.
Trong lúc cả đàn kiếm ăn, vui chơi, con đầu đàn sẽ đứng trên mỏm núi cao để quan sát, thi thoảng phát ra những tiếng hú, tiếng gầm gừ cảnh báo. Nếu thấy nguy hiểm lớn, con đầu đàn sẽ báo động cho cả bầy rút lui vào nơi an toàn.
Ngoài những đàn lớn, nhiều con voọc đực sống tự do hoặc tụ tập thành từng nhóm đi lang thang trong rừng sâu. Có thời điểm, một số con đực biến mất trong nhiều tháng rồi lại xuất hiện. “Điều này khiến việc kiểm đếm số lượng cá thể gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tự quy ước, con nào không xuất hiện 6 tháng thì loại khỏi danh sách”, ông Luân nói.
Voọc còn có khả năng ngồi lì một chỗ rất lâu, đặc biệt là con đực đầu đàn. “Có lúc chúng tôi ngồi thi gan với nó mà phải chịu thua”, ông Luân nói. Bằng nhiều cách kiểm đếm khoa học và tỉ mỉ, các cán bộ dự án bảo tồn đã xác định tương đối chính xác quần thể voọc Cát Bà hiện còn 76 con, tăng 19 so với 5 năm trước.
Trước kia Cát Bà từng có hàng nghìn con voọc. Tuy nhiên, thói quen sống dựa vào rừng, săn bắt động vật của người dân và gia tăng dân số trên đảo đã khiến quần thể này bị tác động, suy giảm nghiêm trọng.
Để ngăn sự tuyệt chủng của voọc Cát Bà, năm 2000, Vườn thú Muenster và Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) của Đức tài trợ, triển khai dự án bảo tồn. Khi đó chỉ còn gần 50 con. Từ năm 2019, Vườn thú Leipzig nhận trách nhiệm tài trợ và quản lý dự án.
Là cán bộ của dự án bảo tồn, mỗi tháng ông Luân dành 15 ngày đi thực địa kiểm đếm voọc. Ông phải dậy sớm, đi canô từ bến Cát Bèo, thị trấn Cát Bà, di chuyển một vòng qua những điểm đánh dấu có sự xuất hiện của voọc như Cửa Đông, Hàm Lợn, Nam Cát. “Hàng ngày tôi tìm kiếm, ghi chép di biến động, thói quen sinh hoạt của chúng. Công việc này lặp đi lặp lại suốt 14 năm”, ông Luân nói.
Những năm qua, ông Luân cũng như những cán bộ của dự án, Vườn quốc gia Cát Bà và người dân đã cố gắng giảm thiểu tác động để đảm bảo môi trường sống, tránh nguy cơ tuyệt chủng của loài voọc.
Tuy nhiên, ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, đánh giá đàn voọc vẫn rất “mong manh” bởi quần thể nhỏ và bị phân mảnh, nhiễu động bởi con người. Voọc trên đảo Cát Bà nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt từ năm 2006, nhưng đang bị “tấn công liên tục và nhiều nhất” bởi số lượng du khách ngày càng tăng trong khi quản lý du lịch yếu kém.
“Tàu du lịch kèm theo tiếng ồn, ô nhiễm tạo ra sự căng thẳng cực độ cho những đàn voọc ở đây”, ông Neahga Leonard nói, cho biết dự án đã ghi nhận nhiều đàn voọc phải từ bỏ hang ngủ và vùng sinh sống an toàn vì sự ồn ào của con người.
Thống kê của UBND huyện Cát Hải cho thấy năm 2022 đã có hơn 2,3 triệu lượt khách đến đảo Cát Bà. Năm 2020 là 1,5 triệu lượt và 2019 là hơn 2,8 triệu lượt.