“Hà Nội đã có tàu điện rồi, giờ không cần lặn lội đi nước ngoài để trải nghiệm nữa” là chia sẻ của nhiều bạn trẻ mê xê dịch.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km đã hoạt động sau gần một thập kỷ chờ đợi, kể từ ngày 6/11. Ngồi trên tàu, dễ dàng thấy sự hào hứng của mọi người, từ trẻ đến già. Ai cũng háo hức khi được nhìn toàn cảnh Hà Nội trên cao, được trải nghiệm một phương tiện giao thông công cộng lần đầu tại Hà Nội. Tiện lợi, không khói bụi, nhanh chóng là những gì mà tuyến tàu này mang lại cho người dân thủ đô. Còn với những bạn trẻ mê du lịch và từng sống ở nước ngoài, hệ thống tàu điện lại khiến họ nhớ các chuyến đi với bao kỷ niệm đẹp.
Đặt chân lên tàu điện Cát Linh – Hà Đông vào ngày đầu chạy thử, kỷ niệm về chuyến đi Hàn Quốc lập tức ùa về với Thanh Quỳnh, 25 tuổi. Cách đây 2 năm, cô được đi tàu điện lần đầu trong đời ở xứ sở kim chi, nay đã được trải nghiệm ngay tại Hà Nội.
Lần đầu tiếp cận loại phương tiện giao thông công cộng này, Thanh Quỳnh đã gặp những tình huống “dở khóc, dở cười” như bị chậm ra khỏi tàu, lạc đoàn, không đọc được chữ Hàn Quốc. “Mình cứ nghĩ tàu sẽ dừng ở ga ít nhất 5 phút như đi tàu hoả ở Việt Nam, song cửa ra chỉ mở chưa đầy một phút đã đóng khiến mình không kịp xuống và bị lạc đoàn. Trước đó, do quá mệt sau khi bay 8 tiếng, nhân viên sân bay dặn là xuống ở bến nào, mình chỉ nhớ là anh ấy bảo chấm thứ 3 chứ không kịp ghi tên bến bằng tiếng Hàn”, Thanh Quỳnh nhớ lại. Hiện tại, đi trên chuyến tàu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, Quỳnh thấy tự tin và tận hưởng hơn nhiều, “không cần lặn lội đi nước ngoài để trải nghiệm nữa”.
Duy Phong, 23 tuổi, từng du lịch13 quốc gia và quen sử dụng hệ thống tàu điện ở các nước châu Âu. Tuy vậy, việc đi tàu điện ngay tại Hà Nội khiến anh thấy bồi hồi. “Cảm giác lần đầu được trải nghiệm tàu Cát Linh – Hà Đông cũng giống hệt cảm giác lần đầu mình được đi tàu điện ở nước ngoài, song mình có thêm cảm giác tự hào”, Duy Phong bày tỏ. Bước chân lên tàu điện, khoảnh khắc nhìn toàn cảnh Bangkok (Thái Lan) từ trên cao và đi tàu điện ở Helsinki (Phần Lan) để thăm bạn ùa về với Duy Phong. Vẫn là cảm giác đi tàu như vậy, nhưng thân quen biết bao khi được nhìn những cung đường hàng ngày vẫn đi, quen thuộc với mình từ bé.
Trần Vũ Khánh, 24 tuổi, từng du học Nga. Ngay từ lúc biết tin tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, anh đã lên kế hoạch để trải nghiệm sớm, vừa để thử một thứ mới, vừa ôn lại kỷ niệm về tàu điện ngầm ở Nga – phương tiện di chuyển chính của anh khi còn ở đất nước này. Khánh cho biết, thiết kế của tàu Cát Linh – Hà Đông khá giống với những con tàu tại Nga. Điều khiến Khánh ấn tuợng là tàu và các ga đều có màu sắc nổi bật, tốc độ di chuyển tương đối nhanh nhưng không hề bị rung lắc mà rất êm, khiến việc đứng trên tàu dễ dàng hơn so với hệ thống tàu khá xóc ở Nga. Khánh từng di chuyển bằng tàu điện ở Nga, Pháp, Italy và khẳng định tàu ở nước mình không hề thua kém nước bạn.
Tất cả những trải nghiệm với tuyến đường sắt trên cao làm Khánh nhớ những ngày tháng sống tại Nga và các nước châu Âu mà anh đã du lịch tới. Khi quay trở lại Việt Nam, Khánh thắc mắc về việc liệu bao giờ mới có thể đi nước ngoài tiếp để có lại cảm giác sử dụng tàu điện hằng ngày. “Trước cứ phải ra nước ngoài mới trải nghiệm được tàu điện, nay mình được trải nghiệm ngay tại thủ đô. Theo mình đây là bước ngoặt lớn trong việc sử dụng phương tiện công cộng ở Việt Nam”, Khánh bày tỏ. Tuy nhiên, với một người có chiều cao trên 1m8 như khánh thì độ cao bên trong khoang tàu có vẻ hơi thấp, đứng ở trong không được thoải mái lắm.
Khánh cho biết, hệ thống tàu điện rất tiện lợi với người dân thủ đô. Ở trên tàu, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian làm những việc khác như sử dụng điện thoại, đọc sách, nghe nhạc… Việc di chuyển cũng nhanh và thuận tiện hơn, tránh ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Anh hy vọng trong tương lai các tuyến tàu điện của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, có nhiều ga giao nhau hơn để nhiều người dân có thể sử dụng như phương tiện chính để di chuyển hàng ngày.