ĐIỀU LỆ ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI KHÓA VI
CHƯƠNG I
TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
Điều 1. Tên gọi:
1. Tên gọi tiếng Việt: Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội
2. Tên giao dịch quốc tế: Hanoi Art Photography Association (viết tắt: HAPA)
3. Biểu tượng (Logo): Hình vuông, nền xanh có sáu cánh xếp như cửa điều sáng, ống kính máy ảnh bao quanh, hình ảnh Khuê Văn Các ở giữa
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích:
1. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội là tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp của các công dân hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật ở Hà Nội bao gồm những người sáng tác ảnh nghệ thuật, nghiên cứu, lý luận phê bình và giảng dạy nhiếp ảnh.
2. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam và luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Chịu sự lãnh đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội; là thành viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
3. Hội tập hợp, tổ chức và khuyến khích hội viên hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh trên tinh thần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam và Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhằm tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phàn phát triển nền Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội để hội nhập với nhiếp ảnh trong khu vực và quốc tế.
Điều 3. Lĩnh vực và phạm vi hoạt động:
1. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội hoạt động trên lĩnh vực nhiếp ảnh trong phạm vi cả nước.
2. Được quan hệ với các tổ chức nhiếp ảnh, tổ chức kinh tế – xã hội, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và thông lệ quốc tế.
3. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội là thành viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, có mối quan hệ với các hội chuyên ngành và các tổ chức khác trong cả nước.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động:
1. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, quyết định theo đa số, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2. Hoạt động của Hội theo nguyên tắc tự quản, được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, của UBND Thành phố và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động Hội trước pháp luật.
Điều 5. Trụ sở, tư cách pháp nhân:
1. Trụ sở Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đặt tại 19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
2. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội hoạt động có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG II
QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ
Điều 6. Quyền hạn:
1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội, cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn
2. Đại diện cho hội viên thực hiện mọi nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội VI, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
3. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật
4. Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật theo Điều lệ Hội và theo quy định của Nhà nước
Điều 7. Nghĩa vụ:
1. Vận động và tập hợp những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật ở Hà Nội, đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên của Hội.
2. Tổ chức hoặc phối hợp với các Hội Nhiếp ảnh các tỉnh, thành phố tổ chức các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật của tập thể hoặc cá nhân
3. Bảo trợ cho các Chi hội, Câu lạc bộ, nhóm tác giả, tác giả tổ chức triển lãm ảnh, xuất bản các ấn phẩm thuộc lĩnh vực nhiếp ảnh.
4. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dường nghiệp vụ nhiếp ảnh; cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho các lớp đào tạo, bồi dường do Hội tổ chức.
5. Tổ chức hội thảo, sáng tác nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trình độ chính trị và nhận thức về những giá trị văn hóa truyền thống.
6. Mở rộng giao lưu ảnh với các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế để giới thiệu hình ảnh Việt Nam; tạo điều kiện để các nhà nhiếp ảnh nước ngoài triển lãm ảnh Nghệ thuật tại Việt Nam và hội viên của Hội tổ chức triển lãm ở nước ngoài.
CHƯƠNG III
HỘI VIÊN
Điều 8. Tiêu chuẩn hội viên:
1. Là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên, thường trú tại Hà Nội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội và được 02 hội viên giới thiệu.
2. Đối với người sáng tác phải có 03 tác phẩm ảnh khác nhau được triển lãm – tương đương với 30 điểm – trong đó tối thiểu phải có 02 tác phẩm được triển lãm do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức, phối hợp tổ chức; 01 tác phẩm được triển lãm do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp tổ chức; Những trường hợp khác (tác phẩm đoạt giải, triển lãm của CLB hoặc cá nhân được Hội NANT Hà Nội bảo trợ – có quy chế tính điểm riêng).
3. Đối với người nghiên cứu, lý luận phê bình phái có 06 bài viết có giá trị học thuật đã đăng trên tạp chí hoặc có 01 ấn phẩm là công trình nghiên cứu về lĩnh vực nhiếp ảnh, sách ảnh đã xuất bản (có quy chế tính điểm riêng).
4. Đối với người làm công tác giảng dạy phải có thời gian giảng dạy liên tục về nhiếp ảnh từ 03 năm trở lên tại các trường chuyên ngành (có quy chế tính điểm riêng).
5. Đối với người đã là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đang thường trú tại Hà Nội, phải có ít nhất 01 tác phẩm ảnh triển lãm do Hội NANT HN tổ chức, phối hợp tổ chức.
Điều 9. Quyền hạn của hội viên:
1. Được cấp thẻ hội viên; Được tham dự các sinh hoạt chính trị, nghề nghiệp do Hội tổ chức hoặc phối hợp tổ chức
2. Hội viên từ 02 tuổi hội trở lên có quyền đề cử, ứng cử vào cơ quan lãnh đạo Hội. Hội viên không đi dự Đại hội không được ứng cử hoặc đề cử vào cơ quan lãnh đạo Hội.
3. Hội viên nam từ 70 tuổi, nữ từ 65 tuổi trở lên không phải đóng hội phí.
4. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật và các quy định của Hội.
5. Hội viên có quyền khiếu nại, khiếu tố theo quy định của pháp luật.
6. Hội viên có quyền xin ra khỏi Hội.
Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ và các Nghị quyết của Hội; Hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ được phân công; Đoàn kết hỗ trợ nhau để xây dựng và phát triển Hội; Bảo vệ uy tín của Hội.
2. Tích cực tham gia hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật
3. Đóng hội phí theo quy định
Điều 11. Kết nạp hội viên và xin ra khỏi Hội:
1. Căn cứ vào quy định tại Điều 8, người xin vào Hội phải làm đơn gửi về Ban Phong trào – Hội viên (qua Văn phòng Hội), Ban Phong trào – Hội viên xét về tiêu chuẩn; Hội đồng Nghệ thuật thẩm định các tác phẩm tự chọn; thông qua Ban Chấp hành xét và quyết định kết nạp.
2. Hội viên xin ra khỏi Hội phải làm đơn gửi về Ban Phong trào – Hội viên; Ban Chấp hành xét ra quyết định.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC
Điều 12. Cơ cấu tổ chức:
1. Cơ quan lãnh đạo: Ban Chấp hành
2. Các tổ chức chuyên môn và chức năng:
+ Ban Kểm tra
+ Hội đồng Nghệ thuật
+ Ban Lý luận phê bình
+ Ban Sáng tác – Triển lãm
+ Ban Phong trào – Hội viên
+ Văn phòng Hội
+ Tạp chí chuyên nghành và trang thông tin điện tử
3. Các Chi hội cơ sở
Điều 13. Đại hội Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội:
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội.
2. Nhiệm kỳ Đại hội là 05 năm. Đại hội bất thường được triệu tập khi có trên 50% số thành viên Ban Chấp hành đề nghị. Ban Chấp hành quyết định triệu tập và tổ chức Đại hội.
3. Trường hợp Đại hội Đại biểu thì các Chi hội bầu đại biểu đi dự Đại hội theo tỷ lệ do Ban Chấp hành đương nhiệm quy định. Đại biểu đương nhiên là thành viên BCH các khóa; Hội đồng Nghệ thuật, Ban Kiểm tra, Ban Lý luận phê bình của khóa đương nhiệm.
4. Nội dung Đại hội
– Tổng kết hoạt động của Hội nhiệm kỳ vừa qua và đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới
– Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội
– Bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra
Điều 14. Ban Chấp hành (BCH):
1. Số lượng thành viên Ban chấp hành do Đại hội biểu quyết
2. Đại hội bầu trực tiếp Ban Chấp hành theo thể thức bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu trên 50% tổng số phiếu bầu. Bầu lần thứ nhất không đủ số người thì bầu tiếp lần thứ hai. Nếu lần thứ hai vẫn không đủ số người thì việc bầu tiếp lần thứ ba hoặc lấy đủ số người theo số phiếu từ cao xuống thấp của lần thứ hai do Đại hội quyết định. Trong trường hợp có 02 người cuối cùng có số phiếu bầu bằng nhau thì lấy người có tuổi hội cao hơn.
3. Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo, điều hành giữa hai kỳ Đại hội, Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội và Điều lệ Hội.
4. Ban Chấp hành bầu và miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Hội đồng Nghệ thuật; Thông qua các Quy chế của Hội đồng Nghệ thuật, Ban Kiểm tra, Văn phòng Hội; Chỉ định và bãi miễn các Trưởng, Phó ban chuyên môn; Xét kết nạp hội viên mới, khen thưởng hàng năm.
5. Phân công các Ủy viên BCH; Ủy viên BCH chịu trách nhiệm với công việc được giao.
6. Quy định mức đóng hội phí; quy định và sử dụng tài chính, tài sản
7. Kỳ họp của BCH:
– Định kỳ 03 tháng: Ban Chấp hành họp có sự tham gia của HĐNT, BKT và các Ban chuyên môn khác.
– Định kỳ 06 tháng: BCH họp liên tịch có sự tham gia của HĐNT, BKT, các Ban chuyên môn, các Chi hội trưởng Chi hội phó các Chi hội.
– Ban Chấp hành được triệu tập họp đột xuất khi cần thiết.
Điều 15: Chủ tịch Hội:
1. Chủ tịch do Ban Chấp hành bầu theo thể thức bỏ phiếu kín và phải có trên 50% số phiếu của thành viên Ban Chấp hành có mặt tán thành.
2. Chủ tịch Hội là đại diện cho Hội về mặt pháp lý, thay mặt BCH điều hành công việc của Hội theo Điều lệ và Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết BCH; Phê duyệt các Quy chế, triển khai các công tác đối nội, đối ngoại; phân công công tác cho các bộ phận trong cơ quan hội; Chỉ đạo hoạt động của các Chi hội.
3. Ký các văn bản và Quyết định của Hội; Là chủ tài khoản của Hội.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội viên về mọi hoạt động của Hội.
Điều 16. Các Phó Chủ tịch Hội:
1. Phó Chủ tịch do BCH bầu, miễn nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín và phải có trên 50% số phiếu của thành viên Ban Chấp hành có mặt tán thành.
2. Số lượng Phó Chủ tịch do BCH quy định
3. Phó Chủ tịch là người giúp Chủ tịch phụ trách từng lĩnh vực công việc cụ thể và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về các quyết định của mình.
4. Được giải quyết các công việc khác, ký các văn bản và làm chủ tài khoản khi Chủ tịch ủy quyền.
Điều 17. Ban Kiểm tra ( BKT):
1. Số lượng BKT do Đại hội biểu quyết
2. Đại hội trực tiếp bầu Ban Kiểm tra theo thể thức bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải có số phiếu trên 50% tổng số phiếu bầu.
3. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra:
– Xây dựng Quy chế công tác
– Kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Quy chế và Điều lệ Hội
– Đề xuất các biện pháp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và những sai phạm trong tổ chức Hội bằng văn bản gửi BCH để xem xét xử lý
2. Sinh hoạt BKT:
– Định kỳ 03 tháng BKT họp 01 lần có sự tham gia của đại diện BCH
– Định kỳ 06 tháng họp liên tịch (như điều 14 mục 7)
– Ban Kiểm tra được triệu tập họp đột xuất khi cần thiết
Điều 18. Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT):
1. Nhiệm vụ của HĐNT:
– Xây dựng Quy chế thang điểm, tính điểm vào hội
– Xây dựng Quy chế thẩm định ảnh, ấn phẩm, sách ảnh hoặc thời gian làm công tác giảng dạy của người xin vào Hội
– Xây dựng Quy chế cử giám khảo tuyển chọn ảnh các cuộc thi và triển lãm ảnh
– Đề cử và thông qua BCH giám khảo cho các cuộc thi hoặc liên hoan ảnh
– Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng các cuộc thi, triển lãm và liên hoan ảnh.
2. Sinh hoạt HĐNT:
– Định kỳ 03 tháng HĐNT họp 01 lần có sự tham gia của đại diện BCH
– Định kỳ 06 tháng họp liên tịch (như điều 14 mục 7)
– HĐNT được triệu tập họp đột xuất khi cần thiết
3. HĐNT chịu trách nhiệm thẩm định về nghệ thuật, đồng thời có trách nhiệm tư vấn cho BCH
Điều 19. Miễn nhiệm và bổ sung lãnh đạo:
1. Thành viên BCH, HĐNT, BKT khi từ chức phải có đơn gửi Ban Chấp hành, BCH xem xét và thông qua việc từ chức.
2. Việc miễn nhiệm thành viên BCH, HĐNT, BKT khi có trên 50% số thành viên BCH đề nghị.
3. Việc bầu bổ sung thành viên BCH, HĐNT, BKT theo thể thức bỏ phiếu kín. Người trúng cử có số phiếu trên 50% số thành viên Ban Chấp hành. Những người xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm sẽ không được bầu bổ sung
Điều 20. Chi hội, Câu lạc bộ, các tổ chức trực thuộc:
1. Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội, mỗi Chi hội có ít nhất từ 05 hội viên trở lên và nhiều nhất là 35 hội viên; Chi hội trưởng, Chi hội phó được bầu theo thể thức bỏ phiếu kin; Người trúng cử có số phiếu trên 50% tổng số hội viên trong Chi hội tán thành. Nhiệm kỳ của Chi hội trưởng, Chi hội phó theo nhiệm kỳ Đại hội Hội.
Nhiệm vụ Chi hội:
– Quản lý hội viên và tổ chức hoạt động chuyên môn theo Điều lệ Hội
– Triển khai các Nghị quyết, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành
– Phối hợp các Chi hội khác trong các hoạt động nghiệp vụ
– Thu hội phí theo quy định của Hội, nộp về Văn phòng Hội 50% và được giữ lại 50% làm quỹ Chi hội
– Mỗi năm Chi hội họp ít nhất 02 lần
– Chi hội trưởng, Chi hội phó họp với cơ quan Hội 02 lần/năm
– Chi hội trưởng, Chi hội phó chịu trách nhiệm mọi hoạt động của Chi hội
2. Câu lạc bộ Nhiếp ảnh là tổ chức tập hợp những người yêu thích, đam mê sáng tác ảnh nghệ thuật, được Hội bảo trợ về nghệ thuật. Các thành viên Câu lạc bộ là hội viên hoặc chưa hội viên của Hội. Quy định về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ do Câu lạc bộ và Ban Chủ nhiệm CLB tự quyết định.
Triển lãm ảnh của Câu lạc bộ được Hội bảo trợ khi CLB có đơn gửi cơ quan Hội; BCH và HĐNT xét, ra quyết định bảo trợ và sẽ được tính điểm vào Hội (có quy chế tính điểm riêng).
CHƯƠNG V
TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 21. Các nguồn thu:
1. Kinh phí của Nhà nước và Thành phố cấp, hỗ trợ thông qua Hội Liên hiệp Văn học Nghệt thuật Hà Nội
2. Hội phí và các khoản đóng góp của hội viên
3. Thu nhập từ các hoạt động hợp pháp
4. Các nguồn tài trợ
Điều 22. Sử dụng tài chính:
1. Chi hoạt động sự nghiệp, nghiệp vụ của Hội
2. Chi phụ cấp cho lãnh đạo Hội
3. Chi lương cán bộ chuyên trách, hợp đồng, khoán việc
4. Chi hỗ trợ nghiên cứu, sáng tác, triển lãm
5. Tài chính của Hội được quản lý theo quy định của pháp luật Nhà nước.
CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 23. Khen thưởng:
Các Chi hội, hội viên, các Câu lạc bộ có thành tích trong nghiên cứu, sáng tác trong hoạt động của Hội được Hội khen thưởng hoặc đề nghị các cấp trên khen thưởng theo luật thi đua khen thưởng.
Điều 24. Kỷ luật:
1. Hội viên không tham gia sinh hoạt, không đóng hộ phí 02 năm liên tục, không có lý do chính đáng thì bị xóa tên trong danh sách hội viên.
2. Hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội tùy theo mức độ vi phạm, có thể áp dụng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, xóa tên, khai trừ khỏi Hội
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ:
1. Điều lệ này chỉ có Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội mới có quyền sửa đổi và bổ sung.
2. Việc sửa đổi, bổ sung phải được trên 50% số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành và được Ủy ban Nhân dân Thành phố ra Quyết định chuẩn y mới có hiệu lực thi hành.
3. Trong quá trình tổ chức hoạt động, có những vấn đề phát sinh cần giải quyết mà trong Điều lệ chưa có thì Ban Chấp hành họp có đại diện của Hội đồng Nghệ thuật, đại diện Ban Kiểm tra để ban hành Nghị quyết thực hiện.
Điều 26. Hiệu lực thi hành:
1. Điều lệ gồm 07 chương 26 điều đã được thông qua Đại hội toàn thể Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khóa VI – nhiệm kỳ 2016 – 2020 ngày tháng năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được UBND thành phố phê chuẩn.
2. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Điều lệ này.