Hà Nội mở thêm phố đi bộ

Tuyến phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây dự kiến hoạt động vào dịp 30/4-1/5, là không gian đi bộ thứ tư của TP Hà Nội.

Ngày 11/3, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cho hay đơn vị đang triển khai đề án xây dựng tuyến phố đi bộ xung quanh hào thành cổ Sơn Tây. Trước mắt, chính quyền tổ chức thí điểm 820 m từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung – Nguyễn Thái Học).

Biển chỉ dẫn trên tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Phạm Hiếu
Biển chỉ dẫn trên tuyến phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Văn Hiếu

Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân và du khách tham quan vào dịp cuối tuần, chính quyền thị xã sẽ tổ chức nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ, triển lãm tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí…

Bên cạnh đó, thị xã cũng tổ chức các dịch vụ giải khát, ẩm thực, kinh doanh giới thiệu mặt hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây. Các gia đình nằm trong tuyến phố đi bộ vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có.

Hiện công tác chỉnh trang hè phố, sơn kẻ vạch đường các tuyến phố xung quanh thành cổ và một số tuyến lân cận đã hoàn thành. Các đơn vị liên quan cũng đã lắp đặt biển thông tin, biển chỉ dẫn, hàng rào tiểu cảnh và đang lắp cổng chào, bố trí các gian hàng.

Vỉa hè, lan can đá quanh Thành cổ Sơn Tây đã được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo mỹ quan đô thị. Ảnh: Phạm Hiếu
Vỉa hè, lan can đá quanh thành cổ Sơn Tây đã được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo mỹ quan đô thị. Ảnh: Văn Hiếu

Tuyến phố đi bộ xung quanh hào thành cổ Sơn Tây hoạt động từ 19h tối thứ bảy đến 12h ngày chủ nhật hàng tuần. Đây sẽ là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội, sau các tuyến đường quanh Hồ Gươm; khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào – Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây là một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội với các chức năng chính là du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, dịch vụ thương mại trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Việc triển khai tuyến phố đi bộ nhằm hình thành không gian giải trí, văn hóa, du lịch cho người dân và du khách, kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn.

Tin liên quan