(Cuộc sống muôn màu) Đồng tiền đá của người dân đảo Yap có đường kính tới 3,6 m và giá trị không được cố định mà dựa vào nhiều yếu tố khác nhau.
Đảo Yap thuộc quần đảo Caroline ở Tây Thái Bình Dương, là một bang của Liên bang Micronesia. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi tới đây không phải là cảnh đẹp mê hồn, hay những cô gái mặc váy hoa sặc sỡ chào đón mà là các đồng tiền đá khổng lồ.
Du khách đến Yap sẽ thấy hàng trăm đồng tiền đá khổng lồ nằm rải rác khắp hòn đảo, bên ngoài các khách sạn, xếp thẳng hàng trên đường ra biển hoặc nằm sâu trong rừng.
Mỗi ngôi làng ở đảo Yap thậm chí có cả một ngân hàng tiền đá, nơi những đồng xu nặng nhất được tập hợp, chúng quá nặng để di chuyển khi biểu diễn điệu múa malal.
Loại tiền tệ bằng đá đặc biệt này đã được người dân đảo Yap sử dụng hàng thế kỷ qua, mặc dù không ai biết rõ chúng có từ khi nào. Điều rõ hơn cả là các đồng tiền đá này khác nhau nhưng đều nặng và được làm từ đá vôi chở từ Palau sang. Đảo Palau cách đảo Yap khoảng 400 km về phía tây nam. Những hòn đá lớn đầu tiên được dùng làm quà và có hình dạng như một con cá voi nên có tên là “rai”. Sau đó khi dần dần trở thành một loại tiền tệ, các “rai” được đục lỗ ở giữa để dễ di chuyển hơn.
Vấn đề là ở đảo Yap không có đá vôi hoặc kim loại quý để có thể làm tiền xu. Thay vào đó, những thủy thủ Yap, chủ yếu là các thủ lĩnh giàu có, chèo bè tre tới Palau và cuối cùng cũng tìm thấy đá vôi trong các mỏ đá. Ban đầu họ chỉ làm đá nhỏ nhưng về sau kỹ năng và dụng cụ tạc đá được cải thiện, những đồng xu đá trở nên lớn dần tới mức hơn cả kích cỡ con người.
Khi thương nhân châu Âu tới vào cuối thế kỷ 19 và đem theo các dụng cụ bằng kim loại, việc lấy đá dễ dàng hơn. Các tài liệu ghi lại từ thập niên 1880 cho biết khoảng 400 người đàn ông Yap làm việc ở một mỏ đá tại Korror, Palau, chiếm một phần dân số đáng kể vì đảo Yap chỉ có khoảng 7.000 người sinh sống.
Trên đường từ Palau về Yap, các thủy thủ đưa những đồng tiền đá này cho các thủ lĩnh khi làm lễ chào đón họ trở về. Các thủ lĩnh sẽ giữ lại các phiến đá lớn hơn và phân nửa những chiếc nhỏ hơn. Họ đặt tên cho các phiến đá này theo tên của mình hoặc người thân, đồng thời hợp pháp hóa chúng bằng cách đưa ra một giá trị dựa trên hệ thống tiền tệ cũ là Yar (tiền bằng vỏ ngọc trai). Đồng tiền đá trở thành tài sản và có thể mua bán xoay vòng.
Giá trị của đồng tiền đá luôn thay đổi, thách thức khái niệm tiền tệ của phương Tây là được cố định sẵn. Các đồng tiền đá được xác định giá trị dựa theo kích cỡ (chúng thường có đường kính từ 7 cm đến 3,6 m), độ mịn của chúng và những khó khăn khi làm ra chúng. Đồng tiền đáng giá bao nhiêu còn phụ thuộc vào người mà bạn đưa và vì điều gì.
Ngày nay, tiền vỏ ngọc trai đã được thay thế bằng đồng Đôla Mỹ để sử dụng trong các giao dịch hàng ngày như mua sắm. Tuy nhiên, với những trao đổi khác như quyền lợi hoặc trong phong tục, các phiến đá tròn đục lỗ này vẫn đóng vai trò như một đồng tiền của 11.000 dân trên đảo Yap.
Hiện rất nhiều đồng tiền đá được trưng bày trong các bảo tàng để du khách tìm hiểu thêm. Và dù người dân không còn dùng tiền đá để trao đổi nhiều như trước đây, những sự kiện truyền thống quan trọng như cưới hỏi vẫn có sự góp mặt của các đồng tiền khổng lồ này. Với người Yap, đồng tiền đá vẫn có vị trí quan trọng bởi chúng như mật mã của các liên hệ bí mật, mối quan hệ làng xã, chuyện hôn nhân, phản ánh những lời tạ lỗi sâu sắc… Đó mới thực sự là điều tạo nên giá trị cho đồng tiền đá trên hòn đảo ở Thái Bình Dương này.