Kinh nghiệm trekking cho người thể lực yếu

Dù thể lực yếu, bạn vẫn có thể trekking để vượt lên chính mình với một số lưu ý dưới đây.

1. Tập luyện trước khi đi

Để rèn sức bền, bạn nên dành khoảng 15 phút đến nửa tiếng mỗi ngày để đi hoặc chạy bộ nhẹ nhàng. Khi đó, cơ thể bạn sẽ quen với việc vận động, tránh tình trạng bất ngờ hoạt động quá nhiều khi trekking, dễ bị chuột rút và nhanh chóng kiệt sức. Sức bền là quan trọng nhất cho việc trekking vậy nên hãy tìm những bài tập rèn luyện điều này.

2. Chọn thời gian trekking phù hợp

Bạn nên đi trekking vào thời điểm mùa thu hoặc đầu đông, khi trời không quá rét hoặc quá nóng. Nếu trời nóng, bạn sẽ dễ bị say nắng và ra quá mồ hôi, nhanh chóng mất sức, khó hoàn thành mục tiêu. Nắng là điều kiện đẹp để săn mây và chụp ảnh, song trời râm mát, không mưa mới là thời tiết phù hợp nhất với người thể lực yếu. Nếu bạn vẫn thích chụp ảnh có nắng, nên chọn những ngày thời tiết nắng dịu, có mây rải rác. Với những người trekking lần đầu, nên chọn những cung đường 2 ngày 1 đêm để thong thả về thời gian.

Trang phục phù hợp, gọn nhẹ sẽ giúp chuyến đi dễ dàng hơn. Ảnh: Xuân Phương
Trang phục phù hợp, gọn nhẹ sẽ giúp chuyến đi dễ dàng hơn. Ảnh: Thế Hùng

3. Trang phục phù hợp

Trang phục tốt nhất khi trekking là áo khô nhanh. Giày leo núi phải chọn lớn hơn 0,5 đến một size so với size giày bình thường bạn đi hằng ngày. Khi leo núi, mọi lực sẽ dồn xuống chân, khiến chân dễ bị phồng nên giày cần rộng để bàn chân thoải mái. Đặc biệt, khi leo xuống, lực dồn vào đầu ngón chân, nếu đi giày chật hoặc quá vừa, ngón chân sẽ bị kích, gây đau đớn. Tuy nhiên, cũng không được chọn giày quá rộng, gây khó khăn trong việc di chuyển. Giày phải chống thấm nước và có độ bám cao.

Bạn nên mặc quần nhẹ, khô nhanh, phần eo là chun có độ co giãn để tạo sự thoải mái. Để tránh vắt bò từ chân lên, cũng như tránh trầy xước do va chạm với cây cỏ, quần nên dài đến mắt cá chân. Nên đi tất cao cổ nhưng tránh tất quá bó, khó lưu thông máu. Nên chuẩn bị găng tay có độ bám tốt. Ngoài ra, nếu bạn ra nhiều mồ hôi, hãy mua băng đô đeo trán để thấm và tránh tóc che mắt, bảo vệ trán khỏi một số va chạm bất ngờ.

4. Cắt móng tay, chân trước khi lên đường

Người có thể lực yếu đôi lúc phải cần đến cả sự trợ giúp của tay để vượt qua những đoạn có địa hình khó. Nếu bạn không có găng mà để tay trần, móng tay rất dễ dính bụi bẩn và khó rửa. Cắt móng tay thật gọn gàng là cách để đảm bảo vệ sinh, cũng như tránh tính trạng bật, gãy móng. Tương tự như móng tay, móng chân cũng cần được cắt gọn gàng. Móng chân dài sẽ làm cản trở quá trình leo xuống, có thể gây đau đớn.

5. Không được quá gắng sức

Trong khi trekking, nếu bạn cảm thấy mệt, hãy dừng lại và hít thở đều để cơ thể hồi. Hạn chế ngồi. Nếu ngồi thì không được ngồi quá lâu vì cơ thể đang trên đà di chuyển, nếu ngồi quá lâu chân sẽ mất cảm giác và ê ẩm khó đi hơn.

Trong quá trình leo đến đỉnh, nếu cảm thấy không cố gắng được nữa thì hãy dừng, nghỉ ngơi để sẵn sàng quay lại. Hãy luôn nghĩ đến quãng đường leo xuống đang đợi bạn. Bạn phải đủ sức để thực hiện quãng đường đó, nên đừng dốc hết sức để leo tới đỉnh mà không còn sức để leo xuống. Hãy chuẩn bị gậy để được hỗ trợ lực, cũng như làm công cụ giữ thăng bằng. Khi bạn là người sợ độ cao hoặc có thể lực yếu, tại những đoạn đường hẹp, hãy chỉ tập trung nhìn vào bước đi và người đằng trước, tuyệt đối không nên nhìn xuống dưới, dễ gây hoa mắt và chóng mặt. Vận dụng tối đa các cành, thân cây hai bên đường để trợ lực. Tránh những cây đã mủn, chết, nằm cạnh vực.

Cảnh thiên nhiên hùng vỹ là phần thưởng cho những người vượt lên chính mình. Ảnh: Văn Hồng
Cảnh thiên nhiên hùng vỹ là phần thưởng cho những người vượt lên chính mình. Ảnh: Văn Hồng

6. Chuẩn bị đúng đồ đạc

Hãy chuẩn bị nhiều đồ ăn nhỏ, gọn, nhẹ như kẹo, bánh, chocolate… Chúng rất cần thiết cho chuyến đi, đặc biệt với người thể lực yếu dễ bị hạ đường huyết, cần đồ ngọt để lấy lại sức. Không nên ăn quá no dễ bị nặng bụng, khó di chuyển. Để cơ thể gọn nhẹ nhất có thể, tránh mang nhiều đồ dùng, hãy chỉ chuẩn bị một số đồ thật cần thiết như sạc dự phòng, điện thoại, đèn pin. Hãy mang theo cao nóng để bôi để các cơ bắp được thư giãn trong một số trường hợp.

Nếu uống nước, hãy uống từng ngụm nhỏ, tránh uống quá nhiều dễ gây tác dụng ngược. Hết khát, nhưng bạn dễ thấy nôn nao, khó chịu với chiếc bụng no nước còn cơ thể thì đang phải di chuyển liên tục.

7. Đi cùng đồng đội hiểu bạn

Ngoài porter có trách nhiệm dẫn đường và bê đồ, bạn cần một người đồng hành có thể lực tốt luôn theo sát để hỗ trợ. Tốt nhất là một porter đi đằng sau để theo dõi, còn người có thể lực tốt đi trước, có thể làm điểm bám ở những đoạn leo khó.

Khi bạn là người thể lực yếu, tốc độ di chuyển sẽ không thể nhanh bằng những người có kinh nghiệm. Đồng đội của bạn phải là người kiên nhẫn và có khả năng động viên tinh thần. Tuyệt đối không tự ép bản thân thấy mọi người đi nhanh nên cố đuổi theo. Hãy luôn thông báo với đồng đội khi nào bạn cảm thấy không khỏe để có được hỗ trợ kịp thời nhất.

8. Tạo ra một động lực

Với người mê chụp ảnh check in, những bức ảnh đẹp là động lực khiến họ lên đường. Hãy dành thời gian để chụp ảnh, đồng thời cũng là thời gian để nghỉ ngơi. Với nhiều người, sau khi có những bức hình đẹp, tâm trạng sẽ phấn khởi hơn, có thêm động lực để đi tiếp. Với nhiều người khác, đó là động lực vượt lên chính mình để chạm được tới đỉnh.

Tin liên quan