Làng cá chép đỏ Thủy Trầm, huyện Cẩm Khê không còn cảnh tấp nập thương lái đến mua trước ngày ông Công ông Táo, nhiều hộ mới chỉ bán được 20% số cá.
Lúc 9h ngày 30/1, dưới tiết trời 16 độ C, ông Nguyễn Huy Luận, ngụ xã Tuy Lộc, huy động 5 người trong gia đình cùng phụ kéo lưới bắt cá chép đỏ.
Đàn cá chép được gia đình ông Luận nuôi từ tháng 6 năm ngoái, trên diện tích khoảng hơn 4.000 m2.
Thời tiết năm nay thuận lợi nên cá chép đỏ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Cá được phân loại trước khi đưa lên bờ. Những con cá to hơn bình thường được bỏ riêng, giữ lại để sinh sản vụ sau.
Ông Luận cho biết sản lượng cá thu hoạch năm nay khoảng trên 1 tấn, với giá bán tại ao là 80.000 đồng mỗi kg. Dự kiến, số tiền thu về khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông lãi 40-50 triệu đồng.
Cá vừa bắt được chuyển ngay tới một lồng lưới cạnh đó, chờ thương lái tới thu mua. Ông Luận cho hay năm nay thị trường trầm lắng hơn, mọi năm cá đánh lên bờ thương lái đá tới lấy.
Cách đó khoảng 2 km, chợ cá chép đỏ ở Thủy Trầm vắng lặng hơn so với các năm trước Covid-19. Người nuôi cá cho hay thường năm trước chợ nhộn nhịp thì năm kế tiếp sẽ trầm lắng nên đã điều chỉnh diện tích nuôi hợp lý.
Theo ông Bùi Đình Chữ, Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, địa phương có 146 hộ nuôi cá chép đỏ, sản lượng thu hoạch dự kiến 45 tấn mỗi năm.
Hàng chục tấn cá chép đỏ được đánh lên, thả tạm trong bể ximăng sục oxy.
Người làng Thuỷ Trầm dùng rổ lưới bằng sắt có những ô lớn để phân loại cá. Cá nhỏ hơn sẽ lọt xuống bên dưới, cách làm này giúp rút ngắn thời gian phân loại.
Cá chép đẹp phải đảm bảo được sắc độ đỏ, kích cỡ đều nhau. Một kg cá khoảng 30-35 con.
Những xô cá chép lớn được đưa lên xe đem đi tiêu thụ tại các tỉnh thành như Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Hà Nội, Thanh Hoá và Nghệ An.
Những năm trước, một kg cá chép có giá 100.000-120.000 đồng, nhưng năm nay chỉ 80.000-100.000 đồng. Nguyên nhân là nhiều hộ dân ở các tỉnh thành khác cũng nuôi nên thương hiệu cá Thủy Trầm không còn độc quyền.