Vào những ngày trời hửng nắng, người trồng đào ở Nhật Tân tuốt lá, lên chậu để cho hoa nở đúng dịp Tết Giáp Thìn.
Hơn hai tháng trước Tết Giáp Thìn, các chủ vườn đào ở Nhật Tân (quận Tây Hồ) rục rịch thuê người tuốt lá, lên chậu cho cây. Mỗi năm một vụ nên thời điểm tuốt lá được đánh giá là quan trọng, quyết định việc ra hoa đúng dịp.
Ở Nhật Tân có nhiều loại đào như: đào bích, đào phai, đào trắng, đào nụ, đào thất thốn… với hơn 700 hộ dân gắn bó với nghề .
“Gia đình tôi có 600 gốc đào, thông thường trước Tết 55-60 ngày sẽ tuốt lá. Bảy người làm việc liên tục 20 ngày mới xong. Năm nào trời nóng thì tuốt muộn hơn từ 2 đến 5 ngày, trời rét thì tuốt lá sớm hơn”, bà Ngân, 63 tuổi, chủ vườn đào cho biết.
Theo bà Ngân, việc tuốt lá để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ đều và nhiều, hoa sẽ nở với cánh to, dày, màu đẹp. Thời tiết hửng nắng là thích hợp nhất để tuốt lá vì lúc này lá giòn, tuốt nhanh hơn.
Thời điểm này, những gia đình trồng nhiều đào lâu năm, cây đào có giá trị phải thuê thêm người chăm sóc, đánh chuyển, tiền công mỗi ngày khoảng 400.000 -500.000 đồng mỗi người tuỳ công việc cụ thể.
Ông Nguyễn Tiến Đức, 66 tuổi (góc phải) cho biết gia đình có hai vườn đào, ở Nhật Tân và Chèm (quận Bắc Từ Liêm) với 1.300 gốc.
“Trước ngày tuốt lá, các cây to, lâu năm sẽ được đánh chuyển lên chậu, rồi đưa ra khu vực cách vườn 3 km để chăm sóc và chào bán. Mỗi năm tôi chỉ bán 2/3 số đào, còn lại để dưỡng cây bán vụ sau”, ông Đức nói.
Một gia đình ở ngõ 264 Âu Cơ lên chậu cho cây đào hơn 5 năm tuổi, rồi đưa ra đầu vườn. Đây là cây đào đẹp được chọn để chào hàng dịp Tết Giáp Thìn.
Tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tuốt lá, cắt tỉa tạo tán… là những bước cơ bản để cho cây đào ra hoa đúng dịp xuân về.
Nhật Tân là làng ven sông Hồng, đất chủ yếu là cát và phù sa. Đây cũng là thời điểm các chủ vườn bổ sung đất mới để cây phát triển mạnh, ra hoa theo ý muốn.
Những gốc đào được trồng ở ngoài bãi bồi, được chủ vườn thuê người đánh chuyển về nhà bằng xe cải tiến, xe tải để tiện chăm sóc. Hầu hết gốc đào đều có tuổi thọ hơn 5 năm.
Trồng đào là nghề truyền thống của người dân Nhật Tân. Những năm 1990-1995, diện tích đất đồng của phường này chỉ khoảng 34 ha. Sau năm 1998, người dân chuyển đổi ra ngoài bãi sông Hồng trồng đào và từ đó tới nay phát triển lên khoảng 57 ha.